Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Hướng dẫn lưu giữ máu dây rốn dịch vụ

Máu dây rốn chứa các tế bào máu bình thường và một lượng tế bào gốc rất đa dạng như: tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc phôi thai, tế bào gốc trung mô, các loại tế bào gốc đa năng khác. Vì vậy, tế bào gốc máu dây rốn có nhiều ứng dụng trong lĩnh vực huyết học và các lĩnh vực khác. Bạn đang có kế hoạch sinh con, bạn đang mang thai hay người thân của bạn đang có nhu cầu lưu giữ máu dây rốn, mời các bạn tìm hiểu những thông tin về lưu giữ máu dây rốn trong bài viết dưới đây nhé.

lưu giữ máu dây rốn

Sau khi được xử lý, sản phẩm tế bào gốc từ máu dây rốn được chuyển vào túi 2 ngăn để lưu trữ (ảnh: Công Thắng).

Hiểu biết thú vị về tế bào gốc máu dây rốn

  1. Máu dây rốn lưu giữ dịch vụ là gì?

Là hình thức lưu giữ máu dây rốn theo yêu cầu của sản phụ và gia đình. Máu dây rốn sẽ được lưu giữ cho chính bản thân đứa trẻ hoặc người thân trong gia đình của đứa trẻ tùy theo chỉ định của cơ sở y tế. Sản phụ và gia đình phải trả chi phí cho việc thu thập, xử lý và lưu giữ đơn vị máu dây rốn này.

lưu giữ máu dây rốn

Tế bào gốc từ máu dây rốn sau khi xử lý được trộn với dung dịch bảo quản, hạ nhiệt độ theo chương trình đạt dưới -80°C, sau đó được bảo quản đông lạnh trong ni tơ lỏng ở nhiệt độ -150 đến -196°C (ảnh: Công Thắng0.

  1. Những trường hợp nào có thể lưu giữ máu dây rốn dịch vụ?

Tất cả các trường hợp sản phụ và thai nhi khỏe mạnh có nhu cầu lưu giữ máu dây rốn dịch vụ đều có thể đăng ký để thu thập và lưu giữ máu dây rốn. Đặc biệt, các trường hợp muốn lưu giữ máu dây rốn để chữa bệnh cho đứa con trước (bệnh về máu, ung thư…) sẽ được ưu tiên tối đa.

  1. Bố/mẹ mắc các bệnh lý như thế nào thì không lưu giữ máu dây rốn dịch vụ?

Về cơ bản máu dây rốn dịch vụ sẽ sử dụng cho chính đứa trẻ hoặc cho người trong gia đình của đứa trẻ tùy theo mức độ hòa hợp và chỉ định của bác sĩ nên tiêu chuẩn không quá ngặt nghèo.

Người mẹ mắc một số bệnh truyền nhiễm (HBV, HCV, CMV), bệnh chuyển hóa (đái tháo đường), bệnh mạn tính (tim mạch, tiêu hóa,…), bệnh bẩm sinh (mang gen thalassemia) vẫn có thể lưu giữ máu dây rốn cho con mình.

Trường hợp người mẹ mắc bệnh lý liên quan đến ung thư và đã điều trị ổn định (ung thư hạch, ung thư máu, ung thư tuyến giáp…), nếu việc điều trị hoặc bệnh tật không ảnh hưởng đến chất lượng tế bào gốc trong máu dây rốn của đứa trẻ thì cũng có thể cân nhắc lưu giữ máu dây rốn.

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, khi người mẹ đã hoặc đang có bất kỳ bệnh lý khi mang thai, Ngân hàng Tế bào gốc không thể đảm bảo chắc chắn bệnh lý đó về tương lai lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến tế bào gốc của trẻ hay không.

Nếu gia đình vẫn quyết tâm lưu giữ máu dây rốn, gia đình sẽ được tư vấn kỹ và phải cam kết chấp nhận những nguy cơ nếu đơn vị máu dây rốn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố trên trước khi quyết định lưu giữ.

Đối với tiền sử bệnh lý của bố, khuyến cáo cơ bản tương tự như đối với mẹ nhưng mức độ ảnh hưởng trực tiếp sẽ thấp hơn, gia đình sẽ được tư vấn cụ thể tùy từng trường hợp.

  1. Thai nhi có vấn đề như thế nào thì không lưu giữ máu dây rốn dịch vụ?

Khi xét nghiệm trước sinh nghi ngờ có những bệnh lý bẩm sinh liên quan đến tế bào gốc tạo máu thì không nên lưu giữ vì nhiều khả năng không sử dụng được về sau.

Ví dụ như: mắc bệnh tan máu bẩm sinh (xác định bằng xét nghiệm gen), hội chứng Down (vì có nguy cơ tiến triển thành ung thư máu), rối loạn gen/nhiễm sắc thể phức tạp khác…

Nếu trong quá trình sinh nở có dấu hiệu nhiễm trùng (dịch ối đục, lẫn phân su, suy thai) thì cũng không nên lưu vì có thể nhiễm khuẩn cho máu dây rốn.

Trường hợp trẻ chỉ có các dị tật về mặt hình thái, không liên quan đến di truyền (tim bẩm sinh, sứt môi, hở hàm ếch…) thì vẫn có thể lưu giữ tế bào gốc máu dây rốn.

  1. Thai nhi mang gen thalassemia (nhưng không bị bệnh) thì có lưu giữ máu dây rốn dịch vụ được không?

Có thể lưu được nếu trẻ chỉ mang 1 gen lặn và 1 gen bình thường. Những người mang gen nhưng không mắc bệnh hầu như tạo máu bình thường và không có thiếu máu nên tế bào gốc của họ cũng sẽ sinh máu tương đối bình thường trong cơ thể bệnh nhân sau khi ghép.

Viện Huyết học – Truyền máu TW đã ghép tế bào gốc cho bệnh nhân thalassemia từ máu dây rốn của trẻ mang gen và cho kết quả thành công, bệnh nhân không còn phải truyền máu và có cuộc sống bình thường.

  1. Quyền lợi và nghĩa vụ của gia đình sản phụ và trẻ sơ sinh sau khi đã hoàn tất quá trình thu thập và lưu giữ là gì?

Sản phụ và gia đình sẽ được thông báo về kết quả thu thập, xử lý và lưu trữ cũng như một số kết quả xét nghiệm đối với đơn vị máu dây rốn (nhóm máu, xét nghiệm virus, bệnh bẩm sinh…), được nhận giấy chứng nhận và được Ngân hàng Tế bào gốc điều tra tình hình sức khỏe của trẻ sau khi sinh 6 tháng.

Khi đến thời hạn đóng kinh phí lưu giữ (sau năm đầu tiên), Ngân hàng Tế bào gốc sẽ liên hệ với gia đình sản phụ để báo về kinh phí cần đóng nhằm duy trì đơn vị tế bào gốc. Gia đình sản phụ sẽ lựa chọn khung thời gian đóng theo từng mức (hằng năm, 2 năm, 3 năm..).

  1. Những chi phí phải chi trả khi tiến hành lưu giữ máu dây rốn dịch vụ

Các mức phí cơ bản để tham khảo tại thời điểm hiện tại như sau:

  • Chi phí dành cho việc tư vấn + thu thập + vận chuyển mẫu sau thu thập: khoảng 3,3 triệu VNĐ.
  • Chi phí dành cho việc xử lý và lưu trữ trong năm đầu tiên: khoảng 21 triệu VNĐ.
  • Chi phí dành cho việc bảo quản từ năm thứ 2 trở đi: 2,6 triệu VNĐ/năm.

Chi phí này có thể thay đổi tùy theo từng tình huống cụ thể (loại kit xử lý gia đình lựa chọn, sinh đôi, nơi thu thập tại địa bàn xa trung tâm Hà Nội, hay quy định về chi phí dịch vụ y tế của Nhà nước qua các năm…).

Các trường hợp thu thập nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn lưu giữ, gia đình đồng thuận không lưu giữ thì gia đình sẽ được hoàn lại những chi phí chưa sử dụng đến.

  1. Sản phụ và gia đình có cần trực tiếp đến Viện Huyết học-Truyền máu TW để nộp các loại chi phí hay không?

Hiện nay, Viện Huyết học-Truyền máu TW đã triển khai việc thu phí lưu giữ máu dây rốn dịch vụ bằng hình thức nộp trực tiếp tại Viện hoặc chuyển khoản.

Sản phụ hoàn toàn có thể liên hệ với nhân viên của Ngân hàng Tế bào gốc để được tư vấn về hình thức thu phí này, đảm bảo sự thuận tiện trong việc thu phí ban đầu, thu phí duy trì hàng năm.

  1. Trường hợp như thế nào thì hủy không lưu giữ máu dây rốn dịch vụ?

Một số trường hợp sau buộc phải hủy, không thể lưu giữ máu dây rốn dịch vụ:

  • Sản phụ đăng ký lưu giữ máu dây rốn quá gấp, quá sát thời gian đẻ (thường cần tối thiểu 48h) mà chưa kịp làm các loại thủ tục, không chuẩn bị kịp nhân lực và trang thiết bị để lấy được máu dây rốn thì buộc phải hủy.
  • Sản phụ đăng ký đẻ ở cơ sở sản khoa không hợp tác với Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW và không cho phép nhân viên thu thập vào lấy máu dây rốn.
  • Sản phụ chuyển dạ đẻ nhưng không thông báo với nhân viên thu thập hoặc thông báo quá sát thời gian, khiến nhân viên không kịp di chuyển và không thể thu thập máu dây rốn.
  • Mẫu máu dây rốn thu được có số lượng tế bào có nhân quá thấp (thường gặp ở những mẫu có thể tích < 40ml) thì số lượng tế bào gốc cũng thấp, hiệu quả sử dụng thực tế sẽ giảm, đặc biệt khi đứa trẻ càng lớn, cân nặng càng tăng thì liều tế bào tính trên cân nặng cũng càng thấp hơn.
  • Gia đình sản phụ và trẻ sơ sinh không đồng ý tiếp tục lưu giữ, không tiếp tục đóng kinh phí lưu giữ cho Ngân hàng Tế bào gốc. Việc này sẽ được Ngân hàng Tế bào gốc xác nhận rõ ràng trước khi quyết định hủy.

10. Khi cần sử dụng đơn vị máu dây rốn thì cần những thủ tục gì? Có phải mất thêm chi phí gì không?

Nếu gia đình sản phụ đã đóng đầy đủ các chi phí lưu giữ ban đầu và phí bảo quản hằng năm đến đúng thời điểm cần sử dụng thì không cần phải mất thêm chi phí gì nữa, trừ khi cần làm thêm các xét nghiệm bổ sung cho mẫu máu dây rốn mà bác sĩ điều trị yêu cầu.

Để tế bào gốc không bị tổn hại sau khi bảo quản đông lạnh, gia đình sản phụ và cơ sở y tế nơi có chỉ định sử dụng phải liên hệ rất rõ ràng, cụ thể về mục đích, thời gian, địa điểm sử dụng với Ngân hàng Tế bào gốc. Việc vận chuyển có thể như sau:

  • Nếu mẫu tế bào gốc được ứng dụng tại Viện Huyết học – Truyền máu TW hoặc khu vực lân cận, Ngân hàng Tế bào gốc có thể hỗ trợ vận chuyển đơn vị tế bào gốc đến đúng địa điểm yêu cầu, đúng khung thời gian dự kiến, giúp bảo tồn chất lượng tế bào gốc được tối đa khi ứng dụng.
  • Nếu mẫu tế bào gốc được ứng dụng ở các bệnh viện ở xa Hà Nội hay ở nước ngoài, gia đình sẽ phải chuẩn bị thủ tục và chịu các chi phí phục vụ cho việc vận chuyển đi xa theo yêu cầu.
  1. Thời gian lưu giữ tối đa là bao nhiêu lâu? Khi trẻ ở tuổi trưởng thành thì có thể lưu tế bào gốc tiếp hay không?

Trên thực tế, máu dây rốn được lưu giữ đông lạnh ở nhiệt độ rất sâu (dưới âm 150°C).

Trên thế giới hiện nay, chưa có nghiên cứu nào nói về giới hạn cuối cùng khi lưu giữ ở nhiệt độ này. Các nghiên cứu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW cho thấy không có sự khác biệt ở những mẫu lưu mới hay đã lưu từ lâu.

Vì vậy, gia đình có thể lưu giữ bao nhiêu lâu cũng không ảnh hưởng đến chất lượng chung của mẫu máu dây rốn.

Mặc dù vậy, thời gian lưu giữ máu dây rốn dịch vụ mặc định trong hợp đồng là 18 năm. Đây là khoảng thời gian đứa trẻ sở hữu máu dây rốn đến tuổi trưởng thành. Đến thời điểm này, nếu bản thân đứa trẻ có nguyện vọng thì có thể tiếp tục ký hợp đồng mới để tiếp tục lưu giữ máu dây rốn tại Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW.

  1. Khi trẻ ở tuổi trưởng thành, cân nặng lớn hơn thì có thể dùng được đơn vị máu dây rốn nữa hay không?

Việc sử dụng đơn vị máu dây rốn tùy thuộc vào từng mục đích sử dụng và các tiêu chuẩn liên quan.

Đối với trường hợp sử dụng máu dây rốn để ghép tế bào gốc tạo máu, nếu liều tế bào gốc tính trên mỗi kg cân nặng của người sử dụng vẫn đạt yêu cầu (tối thiểu 2 x 107 tế bào có nhân/kg và 0,8 x 105 tế bào CD34/kg) thì hoàn toàn có thể sử dụng bất kể lứa tuổi hay cân nặng.

Nếu không đủ liều tế bào gốc nói trên, có thể kết hợp đơn vị máu dây rốn với một đơn vị máu dây rốn từ cộng đồng, tế bào gốc từ đứa trẻ và tế bào gốc từ người hiến trưởng thành khác… để đảm bảo thành công. Việc này sẽ cần sự tư vấn cụ thể của bác sĩ ghép.

Đối với trường hợp sử dụng máu dây rốn để điều trị những bệnh lý khác như bệnh mô liên kết, tim mạch, hô hấp, nội tiết…, đơn vị máu dây rốn có thể được xử lý để tăng sinh, biệt hóa thành loại tế bào gốc mong muốn trước khi ứng dụng với số lượng và chất lượng đúng tiêu chuẩn. Lĩnh vực này cũng đang có tiềm năng rất lớn và đang được nghiên cứu rộng rãi.

  1. Nếu gia đình sản phụ không đóng phí theo quy định của Ngân hàng Tế bào gốc thì sẽ xử lý như thế nào?

Trong trường hợp gia đình sản phụ do bận rộn dẫn đến quên chưa kịp đóng các phí ban đầu hoặc phí duy trì bảo quản hằng năm, Ngân hàng Tế bào gốc sẽ gửi thông báo qua nhiều hình thức như tin nhắn SMS, thư điện tử, gửi văn bản qua đường bưu điện…

Trong trường hợp gia đình sản phụ không phản hồi dù đã nhận được thông báo, Ngân hàng Tế bào gốc sẽ thực hiện quy trình hủy mẫu hoặc chuyển mục đích sử dụng của mẫu nói trên khi quá thời gian ghi trên hợp đồng.

THÔNG TIN LIÊN HỆ: Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà T, Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Điện thoại: (024) 37824267, 0963892551

Email: nihbtscc@gmail.com

Ngân hàng Tế bào gốc, Viện HH-TM TW

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan