Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Cô giáo dạy vẽ phải rời bục giảng vì bệnh tan máu bẩm sinh

Căn bệnh tan máu bẩm sinh đã cướp đi 2 anh trai và người chị gái, cơ hội được tiếp tục đứng trên bục giảng và cả hạnh phúc riêng của chị Hoàng Thị Nụ. Dẫu vậy, chị vẫn cố gắng từng ngày để vượt qua những chông gai, thử thách của cuộc sống.

Ba người thân mất vì bệnh tan máu bẩm sinh

Gia đình ông Hoàng Văn Vỳ (ở huyện Na Rì, Bắc Kạn) sinh được 4 người con nhưng có giờ chỉ còn có một mình người con út là chị Hoàng Thị Nụ (37 tuổi). Người con gái cả mất khi sinh con từ năm 1994, con trai thứ ba ra đi năm 2012 lúc mới 34 tuổi và đến năm 2014, vợ chồng ông Vỳ đau đớn tưởng như không thể gượng dậy nổi khi người con trai thứ hai cũng không còn nữa.

Ngay từ nhỏ, 4 anh chị em chị Nụ đều rất hay mệt mỏi, da vàng, mắt vàng, bụng to, ai cũng nghĩ họ bị bệnh gan. Năm 20 tuổi, chị Hoàng Thị Nụ trải qua một đợt sốt cao liên tục, đến ngày thứ 3 chị rơi vào trạng thái mê man, không còn biết gì nữa và cũng không lấy được ven để tiêm truyền.

Khi đưa con lên xe cấp cứu, bố mẹ chị đã nghĩ không biết chị có còn sống để trở về không. Sau đợt sốt đến chết đi sống lại đó, chị đã được bác sĩ khuyên nên đi Hà Nội khám nhưng do hoàn cảnh khó khăn, chị cũng không đi được.

Giờ đây cả cuộc đời chị phải gắn với việc truyền máu và thải sắt (ảnh: Công Thắng)

Năm 2012, chị mang thai và sức khỏe rất yếu, gia đình mới dành dụm tiền để đưa chị xuống Hà Nội kiểm tra. Đến tận lúc này chị mới biết mình bị bệnh tan máu bẩm sinh và căn bệnh chính là ngọn nguồn cho những nỗi đau liên tiếp của cả gia đình.

Phải nghỉ dạy vì đi viện quá nhiều

Từ đó, mặc dù hàng tháng chị đều phải đi viện để truyền máu và thải sắt nhưng chị Nụ vẫn cố gắng làm việc. Chị đã có 8 năm được đứng trên bục giảng. Nhớ lại quãng thời gian đi dạy, chị thực sự hạnh phúc vì được sống với niềm đam mê nghệ thuật, được dạy vẽ cho các em học sinh.

Niềm hạnh phúc khi còn được đi dạy của chị Nụ (ảnh NVCC)

Nhưng cũng đến lúc chị không thể cố gắng được nữa và cơ quan khó có thể tạo điều kiện, sắp xếp công việc cho một người cứ một tháng lại đi viện 1 tuần đến 10 ngày. Bốn năm trước, chị đành chấp nhận vĩnh viễn rời xa bục giảng và các em học sinh trong nỗi buồn tủi, xót xa. Hạnh phúc riêng cũng tan vỡ vì gia đình chồng không thể thông cảm với căn bệnh của chị.

Chị trở về nhà bố mẹ đẻ xoay sở nuôi gà, trồng rau rồi đi bán xôi, bán bánh cuốn. Bây giờ, một góc nhỏ ở chợ xã là nơi mưu sinh của chị. Mùa hè chị bán chè bưởi, sữa chua nếp cẩm, đến mùa đông chị lại bán bánh áp chao. Khi nằm viện chị còn thêu tranh mong kiếm thêm vài đồng trang trải tiền xe đi viện.

Chị tranh thủ thời gian nằm viện thêu tranh để có thêm thu nhập (ảnh NVCC)

Trong dịp 20/11/2019, chị được tham gia chương trình “Nhớ ơn người thầy” dành cho các thầy cô giáo đang điều trị tại Viện. Chị chia sẻ nỗi nhớ nghề: “Sau bốn năm xa trường lớp, năm nay tôi mới được dự một chương trình kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Tôi rất xúc động và nhớ về thời được đi dạy, được sống trong không khí ấm áp của tình đồng nghiệp, tình thầy trò”.

Cuộc sống vẫn còn bao khó khăn chồng chất nhưng chị luôn tự động viên bản thân: “Mình vẫn phải cố để lo cho con, cho bố mẹ già, cố gắng được đến ngày nào hay ngày đấy vì bố mẹ giờ chỉ có thể trông cậy vào mình thôi”.

Trương Hằng
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan