Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Cho trẻ ăn những thứ này, cha mẹ khỏi lo con thiếu máu thiếu sắt

Những thực phẩm như thịt đỏ, cá, các loại hạt và rau có lá xanh… là những thực phẩm giàu chất sắt. Với trứng, cha mẹ có thể cho trẻ ăn 3-4 quả trứng/tuần.

Theo công bố ngày 15/4/2021 về kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6-59 tháng trên cả nước giảm nhẹ 19,6%, nhưng tỷ lệ này vẫn cao nhất ở miền núi phía Bắc (23,4%) và Tây Nguyên (26,3%).

Xem thêm: Thiếu máu thiếu sắt nên ăn gì?

Tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em 5-9 tuổi (9,2%); ở trẻ em 10-14 tuổi (8,4%), đều ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng nhẹ theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trao đổi với Suckhoedoisong.vn về vấn đề này, ThS. Phan Kim Dung – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất, tập trung chủ yếu ở phụ nữ có thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi…

Ở trẻ nhỏ, thiếu máu thiếu sắt sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ sau này. Đặc biệt có thể gây ra các rối loạn về tâm thần và vận động. Do vậy việc phát hiện và điều trị kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Điểm mặt các nguyên nhân khiến trẻ thiếu máu thiếu sắt

Chuyên gia Dinh dưỡng, ThS. Phan Kim Dung lưu ý, có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất là cung cấp sắt không đủ: Chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, uống sữa công thức không bổ sung sắt, cho ăn bột thiếu thức ăn nguồn gốc động vật.

Ở trẻ đẻ non, thiếu cân lúc đẻ và trẻ sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít nên cũng dễ thiếu sắt.

Một nguyên nhân khác là do hấp thu sắt kém: trẻ bị tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, có dị dạng ở dạ dày ruột. Hoặc do tình trạng mất sắt mạn tính, gặp trong nhiễm giun móc, loét dạ dày- tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, hành kinh (trẻ gái dậy thì)…

Ngoài ra các trường hợp trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt cao trong khi cung cấp không đủ cũng có thể bị thiếu máu thiếu sắt.

Về điều trị, ThS. Phan Kim Dung cho rằng cần phải cho trẻ uống sắt và các chế phẩm của sắt theo chỉ định của bác sĩ. Cần điều chỉnh chế độ ăn thích hợp với lứa tuổi, cho trẻ ăn bổ sung đúng lúc và đúng cách.

Ngoài ra cần chữa các nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa và chảy máu mạn tính (như điều trị giun móc, điều trị loét dạ dày – tá tràng…).

Xem thêm:Bệnh thiếu máu thiếu sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Đừng quên “ô vuông thức ăn” cho trẻ

– Cha mẹ cần cho trẻ ăn theo nhu cầu khuyến nghị (theo tuổi, cân nặng, chiều cao, giới tính).

– Ăn đa dạng các nhóm chất theo “ô vuông thức ăn” của trẻ.

– Tăng cường các thực phẩm giàu sắt trong thực đơn hằng ngày của trẻ.

– Bổ sung các loại quả có chứa nhiều vitamin C: nho, bưởi, cam, quýt, dâu tây… để giúp hỗ trợ hấp thu sắt.

Ô vuông thức ăn của trẻ.

Các nguồn thực phẩm giàu chất sắt

Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho con trẻ là điều các ông bố bà mẹ luôn mong muốn. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách lựa chọn thực phẩm như thế nào là hợp lý, giàu dinh dưỡng. ThS. Kim Dung gợi ý các nguồn thực phẩm giàu chất sắt mà cha mẹ nên sử dụng cho trẻ gồm:

– Thịt đỏ và nội tạng (thịt bò, thịt cừu, thịt lợn, thận, gan, tim, dồi tiết…).

– Trứng (mẹ nên cho trẻ ăn 3-4 quả trứng/tuần).

– Cá và động vật có vỏ (cá mòi, cá mòi cơm, cua, cá cơm, tôm, hến). Mẹ nên cho trẻ ăn 3-4 bữa cá/tuần.

– Các loại hạt (đậu phộng, quả hồ đào, quả óc chó, hạt mè, hạt hướng dương, hạt thông).

– Các loại rau có lá xanh (bông cải xanh, rau bó xôi, cải xoong, cải xoăn).

– Ngũ cốc và các sản phẩm ngũ cốc (bánh mì, bột ngô, bột cám, bánh yến mạch, lúa mạch đen)

– Đậu và các loại đậu (đậu nướng, đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu xanh, đậu mắt đen…).

Chuyên gia cũng lưu ý, người bệnh thiếu máu do thiếu sắt có thể gặp các triệu chứng như: mệt mỏi, khó tập trung hay giảm năng suất làm việc, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, đau ngực, khó thở, tim đập nhanh…

Xem thêm: Ý nghĩa các chỉ số xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu

Khi có các triệu chứng của bệnh thiếu máu thiếu sắt cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách giúp cho tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc bổ sung sắt mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể làm cho cơ thể quá tải sắt gây nguy hiểm vì khi đó lượng sắt dư thừa có thể gây tổn thương gan và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.

Cách phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt

Để phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt, ThS. Phan Kim Dung khuyến cáo chung cho người dân cần:

– Bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai: Đối với phụ nữ có thai, liều bổ sung là 60mg sắt/ngày và 400 µg folic acid trong suốt thời gian có thai.

Sau khi sinh bổ sung tiếp 3 tháng với liều tương tự như khi có thai đối với phụ nữ cho con bú.

Bổ sung sắt định kỳ cho phụ nữ không mang thai: bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên trong 3 tháng, 3 tháng nghỉ, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Nếu khả thi, lặp lại chu kỳ này trong năm.

Đối với phụ nữ có thai thiếu máu: bổ sung sắt/acid folic mỗi ngày một viên trong suốt thời gian mang thai (Theo khuyến cáo WHO năm 2011).

– Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt dành cho trẻ trong năm đầu đời, vì sắt trong sữa mẹ được hấp thu hơn sữa bột.

– Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,… Kết hợp các loại thực phẩm khác nhau làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.

– Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn.

– Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó, cần tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi. Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

Theo Dương Hải

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan