Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Hội nghị Tổng kết Dự án Bệnh viện vệ tinh năm 2020

Ngày 12/01/2021, tại Viện Huyết học – Truyền máu TW đã diễn ra Hội nghị Tổng kết Dự án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Huyết học – Truyền máu giai đoạn 2017 – 2020, công tác chỉ đạo tuyến, đề án 1816 năm 2020 và kế hoạch hoạt động năm 2021.

Tham dự Hội nghị có TS. Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế, TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, TS. Khương Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Bộ Y tế và đại diện của các bệnh viện vệ tinh.

Phát biểu tại chương trình, TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Mặc dù Dự án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Huyết học – Truyền máu triển khai muộn hơn các chuyên ngành khác và gặp một số khó khăn về nhân lực, trang thiết bị… nhưng về cơ bản chúng ta đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới, Viện Huyết học – Truyền máu TW luôn sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, giúp cho người dân các tỉnh giảm bớt khó khăn, vất vả trong quá trình khám chữa bệnh”.

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW phát biểu tại chương trình

Trong thời gian triển khai Dự án, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã tổ chức trên 30 lượt khảo sát, làm việc tại các bệnh viện nhằm đánh giá thực trạng hệ thống Huyết học – Truyền máu tại các bệnh viện; tư vấn về công tác tổ chức hệ thống Huyết học – Truyền máu; đánh giá nhu cầu và đề xuất kế hoạch hỗ trợ về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện.

Viện đã tổ chức biên soạn, cập nhật và chuẩn hóa 37 bộ tài liệu đào tạo theo quy định của Bộ Y tế về các lĩnh vực: Tế bào, đông máu, huyết thanh học nhóm máu, xét nghiệm sàng lọc, miễn dịch, di truyền – sinh học phân tử, hemophilia, thalassemia, huyết học lâm sàng. Viện đã tổ chức 43 lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật (trong đó có 18 lớp về chẩn đoán, điều trị bệnh máu và 25 lớp về xét nghiệm – an toàn truyền máu), vượt 104,9% kế hoạch được giao. Nhờ đó, gần 100 lượt kỹ thuật đã được chuyển giao cho các bệnh viện và 100% kỹ thuật sau khi chuyển giao đã được các bệnh viện triển khai.

Về hoạt động truyền thông, Dự án đã cung cấp hơn 3.000 sách, ấn phẩm về bệnh thalassemia cho 10 bệnh việ, in ấn và cung cấp khoảng 11.000 tài liệu truyền thông về bệnh hemophilia cho các tỉnh thuộc dự án, hoàn thành 10 video truyền thông cho 10 bệnh viện vệ tinh…

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức đối với cả bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh nhưng dự án đã đạt được những kết quả rất tích cực, hoàn thành cơ bản các mục tiêu theo kế hoạch. Việc đầu tư dự án là 1 giải pháp khá toàn diện nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến dưới góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Nhờ có sự đầu tư của Dự án, các bệnh viện đã xây dựng và có kế hoạch bố trí, sắp xếp nhân lực, cơ sở vật chất một cách tổng thể cho chuyên khoa Huyết học – Truyền máu.

Hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của dự án đã góp phần cập nhật lại các kiến thức về lĩnh vực HH-TM cho cán bộ tại các tỉnh giúp các bệnh viện triển khai kịp thời nhiều kỹ thuật cần thiết phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh tại địa phương.

Việc triển khai Dự án lồng ghép với các chương trình, dự án khác của Bộ Y tế như: Đề án 1816, công tác chỉ đạo tuyến, Dự án Norred… góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn tại các bệnh viện tuyến dưới một cách đồng bộ từ cơ bản đến nâng cao và chuyên sâu. Một số bệnh lý huyết học có nguy cơ cao đã được truyền thông và phổ biến kịp thời cho người dân tại các tỉnh, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) và bệnh máu khó đông (hemophilia).

TS. Khương Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế báo cáo kết quả đánh giá hiệu quả thực hiện Dự án Bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Huyết học – Truyền máu

Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã tiến hành đánh giá hiệu quả thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành Huyết học – Truyền máu của Viện Huyết học – Truyền máu TW giai đoạn 2017 – 2020 một cách độc lập. Kết quả đánh giá cho thấy Dự án đã thiết lập được mạng lưới bệnh viện vệ tinh về chuyên khoa Huyết học – Truyền máu; 100% cán bộ, nhân viên y tế trong nhóm tiếp cận kỹ thuật được đào tạo về chuyên môn phù hợp; đảm bảo 100% các kỹ thuật đã chuyển giao được các bệnh viện vệ tinh thực hiện tốt, thường xuyên và duy trì bền vững; giảm tối thiểu 50% bệnh nhân có bệnh lý liên quan đến các kỹ thuật đã được chuyển giao phải chuyển tuyến trên so với trước khi thực hiện đề án; thực hiện chuyển bệnh nhân giai đoạn hồi phục về bệnh viện vệ tinh; thiết lập hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa Viện với 10 bệnh viện vệ tinh (Telemedicine); tăng cường công tác quản lý chất lượng; tăng cường đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, trang thiết bị y tế cho chuyên ngành huyết học để đảm bảo việc chuyển giao, tiếp nhận kỹ thuật có hiệu quả cao và bền vững.

ThS. Ngô Huy Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Chỉ đạo tuyến, Viện Huyết học – Truyền máu TW báo cáo công tác chỉ đạo tuyến và Đề án 1816 năm 2020, phương hướng triển khai năm 2021

TS. Nguyễn Hữu Chiến, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp phổ biến quy trình triển khai hoạt động Hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện tuyến dưới

Phát biểu tại chương trình, TS. Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã đánh giá cao kết quả đạt được của dự án với hàng chục lớp tập huấn được tổ chức bài bản, nhiều gói kỹ thuật tiếp tục được triển khai…

Đại diện các bệnh viện vệ tinh chia sẻ những tiến bộ đạt được sau quá trình triển khai dự án cũng như những khó khăn còn tồn tại của cơ sở, đồng thời gửi lời cảm ơn tới dự án Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế và Viện Huyết hộc – Truyền máu TW đã hỗ trợ các bệnh viện phát triển chuyên khoa Huyết học – Truyền máu

Thời gian triển khai dự án tuy chưa dài nhưng dự án đã kịp thời phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị các bệnh lý Huyết học, hoạt động truyền máu tại các bệnh viện vệ tinh, giảm tải cho tuyến trên, qua đó giúp hàng ngàn người bệnh tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, sinh hoạt, giảm bớt những vất vả khi được điều trị ngay tại địa phương.

Trương Hằng (tổng hợp), ảnh: Công Thắng – Gia Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan