Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Người bệnh ghép tế bào gốc nên ăn uống như thế nào?

Người bệnh ghép tế bào gốc cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của nhóm điều trị (Bác sĩ điều trị, điều dưỡng chăm sóc, cán bộ dinh dưỡng), ăn theo chế độ ăn dinh dưỡng của Khoa Dinh dưỡng.

người bệnh ghép tế bào gốc

Chế độ ăn với người bệnh ghép tế bào gốc chia 3 giai đoạn chính:

Giai đoạn trước khi người bệnh ghép tế bào gốc

Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ này cần tăng cường các chất dinh dưỡng cho người bệnh để đảm bảo người bệnh có đủ năng lượng và Protein dự trữ tạo thuận lợi cho quá trình ghép và điều trị sau ghép.

Nguyên tắc:

– Tăng Protein đây là điểm quan trọng nhất. Protein nên ở mức từ 1,2 – 1,5g/kg cân nặng/ ngày (hoặc năng lượng do Protein cung cấp khoảng từ 15 – 20% tổng năng lượng). Nguồn Protein động vật > 50% Protein tổng số.

– Tăng Glucid (Năng lượng do Glucid chiếm khoảng từ 65 – 70%) để ngoài cung cấp năng lượng, glucid còn làm cho gan tích tụ được nhiều glycogen và có tác dụng bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do sử dụng các loại thuốc hóa trị, kháng sinh…. liều cao.

– Lipid: 15 – 20%, nên sử dụng chất béo nguồn gốc thực vật: dầu đậu nành, dầu oliu,…

Trong giai đoạn ghép tế bào gốc

Trường hợp nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch cần lưu ý:

 + Được thực hiện theo sự chỉ định của bác sĩ điều trị, trong một số trường hợp như: người bệnh ăn đường miệng không dung nạp, người bệnh nôn nhiều, tiêu chảy nặng kéo dài…

+ Có thể sử dụng phương pháp nuôi dưỡng đường tĩnh mạch toàn bộ hoặc kết hợp với nuôi dưỡng đường tiêu hóa.

+ Tuy nhiên khi nuôi qua đường tĩnh mạch, các chất dinh dưỡng không qua hàng rào bảo vệ của thành ruột làm tăng nguy cơ gây độc hại cho cơ thể nên không an toàn bằng đường tiêu hóa. Mặt khác, do không có các chất dinh dưỡng kích thích nên làm teo các nhung mao đường ruột, tăng khả năng xâm nhập của vi khuẩn vào tế bào thành ruột.

+ Khi nuôi ăn đường tĩnh mạch cần lưu ý: nhu cầu các chất dinh dưỡng trong những ngày đầu chỉ cần cung cấp  40 – 50% nhu cầu sau đó tăng dần trong những ngày sau cho tới khi đạt mức theo nhu cầu.

+ Công thức dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch:

Đạm: 1,3 – 2,0/kg/ngày. Trong một số trường hợp bệnh đặc biệt, lượng đạm được điều chỉnh theo tình trạng bệnh lý.

Đường: 2-5g/kg/ngày và không nên truyền > 5mg/kg/phút ở bệnh nhân trưởng thành.

Lipid: Nên dùng các sản phẩm công thức có giàu acid béo Omega 9 (dầu oliu) và giàu acid béo Omega 3 (dầu cá) hoặc trigliceride chuỗi trung bình (MCT). Liều là 1,5g/kg/ngày, điều chỉnh dung nạp theo từng các cá thể.

Hoặc sử dụng các dung dịch túi 3 ngăn, 2 ngăn đóng sẵn.

– Trường hợp người bệnh nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa: Ăn tăng dần từ ít đến nhiều, mềm lỏng chia nhiều bữa trong ngày. Người bệnh không ăn các thức ăn lạ dễ gây dị ứng, rối loạn tiêu hóa, tốt nhất nên ăn thịt lợn và thịt bò, thịt gà nạc, các loại củ quả (bí xanh, bí đỏ, khoai tây, cà rốt, su hào, su su…).

Giai đoạn sau khi người bệnh ghép tế bào gốc

Ăn tăng dần từ lỏng đến đặc. Sau ghép ổn định có thể ăn được gần như người bình thường, đồng thời phải vẫn lưu ý đến các nguyên tắc chế độ ăn dành cho người bệnh mắc bệnh máu nói chung và các biến chứng gặp phải do sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch..

Tuân thủ chỉ định của nhóm điều trị (Bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc và tư vấn viên khoa dinh dưỡng) để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế

Viện Huyết học – Truyền máu TW

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan