Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Phép màu có thật đến với cậu bé ung thư máu

Mỗi một ca ghép tế bào gốc là một cuộc chiến cam go với tử thần để sinh ra lần thứ 2, vậy mà có một cậu bé đã vượt qua 3 lần ghép tế bào gốc khi mới 7 tuổi, đó là Phạm Nguyên Hà.

Năm lên 3 tuổi, Nguyên Hà được chẩn đoán bị Lơ – xê – mi cấp (ung thư máu). Sau 3 năm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Nguyên Hà bị tái phát bệnh ở thần kinh trung ương. Gia đình lại đưa con sang Viện Huyết học – Truyền máu TW, may mắn con đã lui bệnh sau những đợt truyền hoá chất.

Cậu bé Phạm Nguyên Hà trong những ngày điều trị tại Viện (ảnh: gia đình cung cấp).

Lúc này, hy vọng của gia đình con được thắp lên khi con có cơ hội được ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (nguồn TBG miễn phí từ đề tài Nhà nước). Lần ghép đầu tiên, con bị nhiễm khuẩn nặng. Cơ thể bé nhỏ ấy qua biết bao đợt điều trị đã yếu đi rất nhiều.

Nhưng “Còn người là còn hy vọng”, Nguyên Hà và bố mẹ lại tiếp tục bước vào một cuộc chiến mới, ghép tế bào gốc lần thứ 2. Lần này, con được ghép tế bào gốc từ bố. Trớ trêu thay, sau nhiều tuần chờ đợi, con vẫn chưa có dấu hiệu mọc mảnh ghép.

Khi thần chết dường như giành được phần thắng, chị Cúc (mẹ Nguyên Hà) đã nghĩ đến việc xin đưa con về. Nhưng có lẽ trên cuộc đời này không có gì mãnh liệt hơn tình yêu thương con của cha mẹ và khát vọng sống của con người, bởi vậy, dù ở Việt Nam chưa từng có trường hợp nào ghép tế bào gốc đồng loài đến 3 lần, dù hy vọng đã bị dập tắt phần nào từ hai lần ghép trước đó, anh chị vẫn quyết tâm cho con ghép lần thứ 3 từ nguồn tế bào gốc của mẹ.

Nguyên Hà (ngồi ngoài cùng bên phải) cùng các bệnh nhân và điều dưỡng của Viện (ảnh: NVCC)

Nhưng cũng như 2 lần trước, con lại bị biến chứng nhiễm trùng. Và khi không còn nhiều niềm tin thì phép màu đã xảy ra, trong thời gian ghép lần thứ 3, nguồn tế bào gốc của bố ở lần ghép thứ 2 đã mọc trong cơ thể con. Mầm non bé nhỏ đã phải trải qua những đau đớn mà đến người lớn đôi khi còn muốn bỏ cuộc. Những điều này chỉ có thể giải thích bằng sự nhiệm màu của sức sống và tình yêu thương.

Đó là người mẹ nhiều đêm thức trắng, chăm sóc con trong phòng cách ly suốt mấy tháng ròng. Đó là người cha 9 lần phải kích và lọc bạch cầu truyền cho con, chỉ mong con có thể chống chọi với biết bao nguy cơ nhiễm khuẩn luôn rình rập.

Đó cũng là cậu bé kiên cường không đầu hàng số phận, nằm bên bờ vực của sự sống vẫn không ngừng băn khoăn: “Bạch cầu hôm nay có lên không mẹ? Thuốc này bao nhiêu tiền? Dây truyền này bao nhiêu tiền?” vì lo bố mẹ chữa bệnh cho mình tốn kém.

Và đó còn là sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ tại Viện Huyết học – Truyền máu TW. BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc chia sẻ: “Nguyên Hà là một ca bệnh chưa từng có tiền lệ khi cháu phải ghép đồng loài đến 3 lần, và cả 3 lần đều xảy ra biến chứng nhiễm trùng vi khuẩn đa kháng. Chúng tôi cũng có những lúc hoang mang, có những phút giây cân não…”

Nguyên Hà (áo đỏ đứng thứ hai từ phải qua) chụp ảnh cùng BSCKII. Võ Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (ảnh: NVCC).

Nhưng tập thể y bác sĩ của Viện đều đồng lòng quyết tâm cứu bệnh nhân, thường xuyên hội chẩn với các chuyên gia Mỹ, Nhật để tìm phương án tốt nhất cho cháu. “Đến nay, sau ca ghép 1 năm rưỡi, chúng tôi rất hạnh phúc khi nhìn thấy Nguyên Hà khỏe mạnh, được đến trường học tập, vui đùa như bao cháu bé khác” – BSCKII. Võ Thị Thanh Bình hào hứng cho biết.

18 tháng sau khi điều trị thành công, Nguyên Hà đã khỏe mạnh và cùng mẹ tham gia chương trình Gặp mặt và Thành lập Câu lạc bộ Ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (ảnh: Công Thắng).

Ánh sáng chỉ xuất hiện ở phía cuối đường hầm, năng lực kỳ diệu của con người cũng sẽ được bộc lộ vào những thời khắc khốn khó. Câu chuyện về cậu bé bệnh nhân ung thư máu Phạm Nguyên Hà với 3 lần ghép tế bào gốc chính là minh chứng cho điều kỳ diệu ấy.

Thùy Trang – Trương Hằng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan