Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Phút trải lòng của chuyên gia xét nghiệm máu

“Làm bác sĩ xét nghiệm huyết học vừa khó, vừa nghèo, ít bác sĩ theo ngành này lắm”, TS.BS Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng khoa Tế bào – Tổ chức học, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương trầm ngâm…

Ảnh và thiết kế: Công Thắng

Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1998, chàng trai trẻ 24 tuổi Nguyễn Ngọc Dũng mang trong mình nhiều ước mơ. Ngày ấy, sinh viên y khoa ra trường đều mong được làm bác sỹ lâm sàng, trực tiếp điều trị cho người bệnh, đơn giản vì… “trông oai oách”.

6 năm học tại trường Y, Dũng là thành viên tích cực tham gia hoạt động câu lạc bộ hiến máu tình nguyện (tiền thân của Hội Thanh niên vận động hiến máu tình nguyện TP Hà Nội ngày nay). Cậu sinh viên ấy hiểu rõ máu vô cùng quan trọng. Với bệnh nhân huyết học, máu còn là “sống còn”.

“Làm bác sĩ xét nghiệm thì nghèo và vất vả, ít bác sĩ theo ngành này lắm”, TS.BS Nguyễn Ngọc Dũng trải lòng. Nghèo, khó, vất vả, nhưng chuyên khoa Huyết học với BS Nguyễn Ngọc Dũng lại có nhiều điều thú vị. 90% xét nghiệm tế bào tổ chức học giúp chẩn đoán ra bệnh về máu, điều khó xảy ra ở các loại xét nghiệm khác chỉ hỗ trợ chẩn đoán. Cũng vì khó, ít ai theo, lại là ngành “ngách”, BS Dũng đặt mục tiêu phải thật giỏi để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực này, dưới sự dìu dắt của các vị tiền bối như GS.TS Nguyễn Anh Trí, TS Bạch Quốc Khánh. TS Trương Công Duẫn…

Năm 2008, BS Nguyễn Ngọc Dũng là người đầu tiên ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương được cử đi công tác dài ngày thực hiện Đề án 1816. Anh được phân công hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu trong 3 tháng. Hồi đó, bệnh viện miền núi ấy khó khăn và thiếu thốn trăm bề.

Một bệnh nhân nhi 18 tháng tuổi mắc xuất huyết giảm tiểu cầu, xét nghiệm cho thấy tiểu cầu của cháu bé chỉ có 1 (bình thường trung bình khoảng 200.000 tiểu cầu/μl máu). Gia đình muốn đưa con xuống Hà Nội điều trị, nhưng lúc đó nếu đưa đi thì bé có thể tử vong bất kỳ lúc nào. Bởi đường xa, đèo núi gập ghềnh, cậu bé mới 1,5 tuổi ấy rất dễ dẫn đến xuất huyết não.

Động viên được gia đình cho bé ở lại tỉnh điều trị được rồi, lại “nảy” ra cái khó khác. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu không có máy tách tiểu cầu và thiết bị liên quan. BS Dũng đề xuất huy động các cán bộ trẻ của bệnh viện tham gia hiến máu. Hàng chục con người khẩn trương xử lý thủ công để tách huyết tương giàu tiểu cầu truyền cho cháu bé, song song kết hợp dùng thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Được khoảng 15 ngày, tiểu cầu của cậu bé đã trở về bình thường. Đến nay, bé đã 14 tuổi, phát triển bình thường.

3 tháng có bác sĩ Trung ương “nằm vùng”, tỉnh miền núi cách Hà Nội 500km cũng là lần có ngày hiến máu tình nguyện đầu tiên tại đây.

Ảnh: Vương Tuấn, Thiết kế: Công Thắng

Là nơi xét nghiệm, chẩn đoán bệnh về máu, BS Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ, mỗi lần đọc tiêu bản, các bác sĩ khoa Tế bào-Tổ chức học lại nhắc nhở nhau rằng “chúng ta chẩn đoán bệnh ác tính nên phải thật tỷ mỷ, chính xác, tuyệt đối tránh sai sót. Đặc biệt là lúc nào cũng phải trung thực với kết quả đưa ra. Chỉ một chút bất cẩn, số phận người bệnh sẽ rẽ hướng khác ngay”.

Nhưng buồn nhất là khi phát hiện bệnh nhân ung thư, thậm chí lắm lúc còn mất ngủ. Nếu bệnh nhân đó là mình, là người thân của mình, thì mình sẽ phải làm sao? Điều đó cứ ám ảnh mãi… BS Dũng kể, có những ngày, các bác sĩ đọc và phát hiện ra vài chục bệnh nhân mắc ung thư máu. “Không ngôn từ nào diễn tả được cảm xúc từng người và tâm trạng của chúng tôi lúc đó”, anh trầm ngâm…

Vì thế, khi “đọc” ra một ca ung thư, các bác sĩ tại Khoa phải xem lại nhiều lần, thậm chí có trường hợp phải hội chẩn cùng bác sĩ khác để chẩn đoán chính xác. Chẩn đoán đúng, bệnh nhân được điều trị kịp thời. Nếu sai, sẽ nguy hiểm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người bệnh…

Với người thầy thuốc 47 tuổi đời, 23 tuổi nghề ấy, điều ám ảnh nhất là mỗi lần chẩn đoán cho các bệnh nhân nhi. Nhiều bé chỉ mới mấy tháng tuổi, có bé còn chưa nổi nửa tháng đầu sau sinh, đã mắc ung thư máu. Con hãy còn quá bé nhỏ, mầm sống vừa đâm chồi bật lá, sao số phận nỡ nhẫn tâm bẽ gãy? “Đau đớn, thậm chí có phần bất lực”, BS Dũng nhớ lại.

Một đứa trẻ đang khoẻ mạnh, cớ sao lại ung thư máu? BS Dũng nhiều đêm trăn trở mỗi lần chẩn đoán ra bệnh. Anh bảo, nếu một bác sỹ xét nghiệm ngày nào cũng “đọc” ra ung thư, chắc chắn ít nhiều sẽ gây sang chấn tâm lý. Ở nước ngoài, bác sỹ đối diện với các chẩn đoán bệnh lý ác tính hiểm nghèo hoặc các bác sỹ trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân này phải có bác sỹ tâm lý để củng cố lại tinh thần. Ở Việt Nam, do nhiều yếu tố, chưa có điều đó. “Nhưng quả thật đó là những ngày dài khủng khiếp”, anh chia sẻ.

Bởi các bác sỹ cũng là người bị “chất vấn” nhiều nhất bởi bệnh nhân khi “đùng một cái”, đang hoàn toàn khỏe mạnh lại mắc ung thư? Bác sỹ có chẩn đoán sai không. Không ai muốn tin rằng mình, con em mình đã mắc ung thư. Họ muốn mượn tiêu bản để đến bệnh viện khác kiểm tra. “Chúng tôi lại động viên, tư vấn với họ rằng việc phát hiện sớm ung thư cũng là điều may mắn. Bệnh nhân sẽ có cơ hội được điều trị sớm, khả năng đáp ứng thuốc và lui bệnh sẽ rất cao”, BS Dũng nói.

Ảnh: Vương Tuấn, Thiết kế: Công Thắng

Lĩnh vực khó, khổ, các bác sĩ xét nghiệm của khoa Tế bào – Tổ chức học vẫn đùa nhau mình không bao giờ được hưởng vầng “hào quang”. Có những bệnh phẩm bác sỹ xét nghiệm phải mày mò mất vài ngày để chẩn đoán ra được một bệnh ác tính nào đó. Trong khi đó, người thông báo kết quả cho bệnh nhân lại là bác sỹ lâm sàng. Nhiều người không biết, không hiểu, để có được chẩn đoán chính xác đó, người bác sỹ xét nghiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng.Nhưng các bác sỹ xét nghiệm như BS Nguyễn Ngọc Dũng luôn thấy tự hào khi đã giúp cho đồng nghiệp ở lĩnh vực lâm sàng có chẩn đoán tốt nhất, góp phần thành công trong điều trị.
“Không thiệt thòi đâu! Chúng tôi còn thấy vinh dự bởi dù gián tiếp hay trực tiếp, chúng tôi vẫn đồng hành cùng người bệnh trong suốt quá trình điều trị của họ”, Trưởng khoa Tế bào- Tổ chức học nói.

Làm bác sỹ xét nghiệm phải cố gắng tìm tòi, cập nhật được những tiêu chuẩn chính xác để chẩn đoán bệnh và phân loại thể bệnh chính xác giúp cho bác sỹ lâm sàng đưa ra liệu trình điều trị phù hợp, mỗi bệnh ác tính còn được phân ra nhiều thể bệnh nhỏ có tiên lượng và phác đồ điều trị rất khác nhau. Bởi điều đặc biệt của huyết học là không phải cứ mắc ung thư máu thì đều điều trị giống nhau. Cách điều trị khác nhau ở mỗi thể loại bệnh, giúp bệnh nhân đáp ứng thuốc tốt hơn nhiều. “Nếu mình chẩn đoán xong, chuyển cho bác sỹ điều trị thì thực sự chưa làm hết trách nhiệm của mình”, BS Nguyễn Ngọc Dũng nói.

Theo Vương Tuấn – giadinh.net.vn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan