Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Sử dụng 207 đơn vị huyết tương điều trị trường hợp bệnh lý hiếm gặp

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa sử dụng 207 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh (tương đương hơn 31 lít) để điều trị thành công trường hợp ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối bằng kỹ thuật thay huyết tương. Hơn 90% người mắc bệnh lý hiếm gặp này nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ tử vong.

Bệnh hiếm từ những nốt xuất huyết

Theo BSCKII. Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc , Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, đây là trường hợp đầu tiên bệnh viện điều trị thành công bệnh lý ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối bằng kỹ thuật thay huyết tương.

Trước đó, 17h ngày 15/4/2021, nam bệnh nhân Đ.T.H (72 tuổi, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng lơ mơ, yếu tay chân với chẩn đoán: theo dõi nhồi máu cơ tim cấp, nhồi máu não, giảm tiểu cầu nặng chưa rõ nguyên nhân.

Bệnh nhân hôn mê, sốt cao, xuất huyết dạng chấm, nốt ở 2 cẳng chân; tình trạng thiếu máu, giảm tiểu cầu mức độ nặng, tiến triển nhanh.

Ngay sau đó, bệnh nhân nhanh chóng được thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán xác định: Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP – Thrombotic Thrombocytopenic Purpura).

ThS. BS. Nguyễn Thị Minh Thy, Trưởng khoa Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ cho biết: “Bệnh nhân hội đủ “ngũ chứng” của trường hợp ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối điển hình: vừa thiếu máu mức độ nặng vừa biểu hiện tan máu qua chỉ số bilirubin tăng; số lượng tiểu cầu bệnh nhân giảm mức độ nặng, xuất huyết dạng chấm, nốt 2 cẳng chân. Bệnh nhân cũng liên tục sốt cao, hôn mê và suy thận. Các dấu hiệu này có thể gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân bất cứ lúc nào”.

Thay hơn 200 đơn vị huyết tương và truyền 17 đơn vị khối hồng cầu

Bệnh nhân đã được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc với các phương pháp: thay huyết tương cấp cứu, truyền khối hồng cầu, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, an thần, hỗ trợ hô hấp thở máy, dinh dưỡng nâng đỡ thể trạng, chăm sóc triệu chứng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân hôn mê sâu, co giật liên tục.

Nhờ nỗ lực của các bác sĩ và điều dưỡng, sau 13 ngày điều trị nội khoa và thay huyết tương nhiều đợt, bệnh nhân đã tỉnh táo, ngưng được máy thở, rút được nội khí quản, số lượng tiểu cầu cũng dần trở về giá trị bình thường.

Bệnh nhân đang được điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ (ảnh: BV Cần Thơ).

Tổng số chế phẩm máu bệnh nhân đã sử dụng là 207 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh (tương đương hơn 31 lít) và 17 đơn vị khối hồng cầu nhóm A, được cung cấp kịp thời từ Bệnh viện Huyết học – Truyền máu Cần Thơ.

Theo ThS. BS. Nguyễn Thị Minh Thy, đây là lượng huyết tương rất lớn bởi mỗi người bình thường chỉ có khoảng 3 lít huyết tương.

Việc lần đầu tiên bệnh viện điều trị thành công cứu sống ca ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối đã mở ra nhiều triển vọng mới trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý hiếm gặp này cho người dân đồng bằng sông Cửu Long.

“Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối là bệnh lý hiếm gặp với tỷ lệ mắc khoảng 3,7 ca trong 1 triệu dân. Trong bệnh lý nguy hiểm này, các cục máu nhỏ hình thành trên khắp cơ thể của người bệnh và có thể gây ra hậu quả rất nặng nề như chặn các mạch máu đến các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến làm tổn hại chức năng của các cơ quan quan trọng, chẳng hạn như tim, não và thận… Về cơ chế bệnh sinh được cho rằng do sự thiếu hụt enzyme phân hủy yếu tố Von Willebrand còn được gọi là ADAMTS13”, ThS. BS. Nguyễn Thị Minh Thy, Trưởng khoa Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ cho biết.

Huyết tương tươi đông lạnh được điều chế từ máu toàn phần trong 18 giờ sau lấy máu, làm đông đến -25 độ C hoặc lạnh hơn để bảo toàn hầu hết các yếu tố đông máu. Một đơn vị huyết tương tươi đông lạnh với các thể tích khác nhau, chứa các protein huyết tương bao gồm các yếu tố đông máu, albumin và immunoglobulin.

Thay hoặc trao đổi huyết tương là liệu pháp loại bỏ một lượng huyết tương trong máu người bệnh và thay thế vào một lượng huyết tương khác tương tự; quá trình này thường cần sử dụng số lượng lớn huyết tương.

Thay huyết tương được sử dụng trong điều trị ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối nhằm loại kháng thể và cung cấp enzyme ADAMTS13. Trao đổi huyết tương sớm giúp giảm tỷ lệ tử vong của ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối từ 90% xuống còn khoảng 10 – 30%.

Thanh Hằng (tổng hợp), theo BV TW Cần Thơ

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan