Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Tâm sự ngày 20/11 của những nhà giáo gắn bó với hiến máu

Nghề giáo là nghề gieo trồng những hạt giống yêu thương, trí tuệ. Bằng sự tâm huyết với nghề, các Thầy giáo, Cô giáo đã đào tạo nên những thế hệ học trò ưu tú, đủ đức, đủ tài để góp phần dựng xây đất nước ngày càng lớn mạnh, xã hội ngày càng nhân văn hơn.

Trong hành trình “gieo hạt giống tâm hồn”, hình ảnh các Thầy giáo, Cô giáo hiến máu nhiều lần và vận động nhiều người cùng hiến máu đã trở thành tấm gương sáng về đạo đức, về lòng nhân ái tới biết bao thế hệ học trò.

Trải lòng tâm huyết về nghĩa cử hiến máu cứu người

Gắn bó cả thời gian tuổi trẻ tươi đẹp, sôi nổi với Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội, ký ức của PGS. TS. Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền còn vẹn nguyên những ngày khát khao đưa hiến máu đến với sinh viên và người dân.

“Hình ảnh những buổi vận động hiến máu ở ngoại thành biến thành buổi dạy chữ cho các em thơ, thành buổi gặt lúa cùng dân huyện… vẫn hiện về trong những giấc mơ! Thật tự hào khi trở thành thành viên thế hệ đầu của phong trào hiến máu nhân đạo và là một trong những người đầu tiên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia Hội Máu!”

Từ sinh viên, phóng viên, giảng viên và giờ đây là lãnh đạo của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, PGS. Giang vẫn đam mê cống hiến cho các hoạt động cộng đồng và hiến máu như vậy, nhất là khi sứ mệnh của Nhà trường là đào tạo những người làm công tác tuyên truyền, làm báo chí.

PGS. TS. Nguyễn Trường Giang tham gia hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên vào tháng 4/2020.

PGS. Giang khẳng định: “Báo chí có vai trò đi đầu trong việc vận động người dân về hoạt động thiện nguyện, đặc biệt là hiến máu. Chúng tôi luôn mong muốn các em sinh viên sau này trở thành nhà báo sẽ đóng góp tiếng nói với hoạt động này. Vạn lời nói không bằng một hành động, cứ bằng hành động sẽ nhân lên những hành động tốt đẹp hơn, nên Nhà trường luôn đồng hành với các hoạt động ý nghĩa như vậy”.

Là sinh viên rồi công tác tại trường, PGS. TS. Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại thương trong suốt 25 năm gắn bó với trường luôn ấn tượng với tinh thần sáng tạo, sự năng động của sinh viên, kể cả khi hoạt động đào tạo diễn ra online trong bối cảnh dịch bệnh.

“Dù không thể đến trường nhưng Câu lạc bộ Máu của trường đã nhiệt tình phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức sự kiện hiến máu Trung thu cho em. Điều đặc biệt là tôi rất ấn tượng với những sinh viên năm thứ nhất đã kịp kết nối với các anh chị để cùng tới tham gia hiến máu. Tôi hi vọng tinh thần trách nhiệm của sinh viên với các hoạt động cộng đồng này sẽ được tiếp nối và duy trì suốt cuộc đời các em”.

Gần 10 lần tham gia hiến máu, PGS. Thủy luôn hi vọng đóng góp nhỏ nhoi của mình và cán bộ, giảng viên Đại học Ngoại thương có thể đem đến sức khỏe, niềm hạnh phúc cho những cá nhân, gia đình khác.

Trong sự kiện ấy được tổ chức ngay sau thời gian dài giãn cách xã hội, lượng máu dự trữ tại Hà Nội vẫn đang khan hiếm, cảm phục tinh thần của sinh viên, PGS. Thủy đã cùng đồng nghiệp tới Viện tham gia hiến máu.

Nếu như nói đến hiến máu tại Ngoại thương là nói đến Happy Day thì nhắc đến Bách khoa Hà Nội, không thể không kể đến ngày hội Chủ nhật Đỏ với sự tham gia tự nguyện, tích cực của đông đảo cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Ấn tượng với ngày hội này, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tự hào chia sẻ: “Màu của Bách khoa là màu đỏ, đồng phục của sinh viên là màu đỏ. Những ngày hiến máu thì Hội trường C2 hay Thư viện Tạ Quang Bửu, cả trường đều rợp màu đỏ. Màu đỏ nói lên nhiều điều: tinh thần tận tụy cống hiến của giới trẻ – trong đó có sinh viên Bách khoa, khi hiến máu, chúng ta làm được việc có ích, một giọt máu thôi, đôi khi vào thời điểm nhất định có thể cứu mạng cả con người”.

PGS. Thắng luôn tin rằng màu đỏ của những túi máu và màu áo trắng của nhân viên tiếp nhận máu sẽ tạo ra ý tưởng nhân văn trong mỗi người Bách khoa. “Đối với sinh viên, luôn có 2 điểm như Bác Hồ từng nói “vừa hồng vừa chuyên”, vừa giỏi nghề, vừa cần rèn luyện nhân cách. Các hoạt động cộng đồng rất có ích, nuôi dưỡng và khơi dậy cho các em sinh viên tinh thần chia sẻ, yêu thương”, thầy Hiệu trưởng nhấn mạnh.

Mong ước giản dị ngày 20/11

Trong năm học đầy khó khăn với ngành giáo dục, thầy trò ở nhiều nơi đều không thể gặp nhau, không thể tổ chức hoạt động đào tạo trực tiếp tại Nhà trường, mà chỉ có thể gặp nhau trực tuyến.

Nói về những tác động của dịch bệnh tới Nhà trường, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề cập đến 2 chữ “thích ứng”. Thích ứng với sự thay đổi do tác động của dịch bệnh của cả thầy lẫn trò và trong sự thích ứng ấy, thầy trò nào cũng mong mỏi trở lại như ngày xưa, để được thấy lại những hình ảnh sân trường đông vui, hân hoan, hồ hởi qua từng gương mặt.

Trong ngày đặc biệt của giáo dục Việt Nam năm nay, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trăn trở: “Đối với các nhà giáo, chúng tôi nghĩ rằng cần tiếp tục học tập, thay đổi, thích ứng tốt hơn với sự thay đổi của công nghệ và ứng phó tốt hơn với đòi hỏi phát triển của giáo dục. Tôi mong các em sinh viên kiên cường rèn luyện, ở nhà học tập tốt hơn, qua đó chứng minh mình là con em của dân tộc Việt Nam”.

Cũng chung mong ước giản dị như vậy trong mùa dịch, PGS. TS. Lê Thị Thu Thủy – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Các thầy cô giáo và sinh viên đều rất nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn để đảm bảo hoạt động đào tạo, học tập được diễn ra bình thường, đảm bảo chất lượng. Chúng tôi mong các thầy cô và các em sinh viên giữ gìn sức khỏe, hi vọng dịch sắp kết thúc để thầy trò lại được gặp nhau”.

Không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có ngày dành riêng cho các nhà giáo. Bởi vậy, với nhiều thầy cô giáo, ngày 20/11 luôn là dịp đặc biệt để nhìn nhận thêm sâu sắc hơn nữa ý nghĩa của giáo dục.

“Bản thân mình, các thầy cô và sinh viên vào những dịp này một lần nữa nghĩ về ý nghĩa của giáo dục và chắc chắn là chúng tôi muốn mong muốn làm thế nào để cuộc sống tốt đẹp hơn, làm thế nào cho sự phát triển của đất nước và đồng hành trong những hoạt động cộng đồng”, PGS. TS. Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương tâm sự.

Thảo Nguyên, Trần Chiến, Lâm Tùng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan