Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Tình yêu đương đầu nghịch cảnh của người vợ chăm chồng 2 năm chiến đấu với ung thư máu

Chiều tạnh mưa, hai vợ chồng nhặt rau, đuổi gà, chuyện phiếm. Cậu con trai nhỏ í ới chạy chơi cùng mấy đứa trẻ trong xóm, thỉnh thoảng sẽ chạy vào bất ngờ ôm hôn mẹ thật chặt và hỏi “mẹ có giật mình không”… Từng khoảnh khắc hạnh phúc đời thường khiến chị Nguyễn Thị Thiên (34 tuổi, Nghi Đức, Vinh, Nghệ An) mềm lòng, muốn ngưng đọng thời gian mãi mãi.

Chị Thiên cùng chồng mình – anh Nguyễn Trọng Hùng (35 tuổi) vừa trải qua đợt điều trị kéo dài liên tục 50 ngày Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, tròn 100 ngày “cắm chốt” tại Hà Nội vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Họ mới xin bác sĩ được ra viện, không phải vì sức khỏe đã khá hơn.

Hai vợ chồng về nhà để được đoàn tụ cùng con trai, được nghỉ ngơi vài hôm sau những ngày triền miên đối diện với phòng bệnh, thuốc, hóa chất, tiêm truyền và những lần lấy máu xét nghiệm cho kết quả không nhiều triển vọng. Họ cần được tiếp sinh khí, trước khi tiếp tục nhập viện điều trị tích cực.

 

Anh Hùng bị ung thư máu cấp tính, khởi bệnh từ tháng 11/2019. Dù bệnh tình của anh tiên lượng xấu, chị Thiên xác định “còn nước, còn tát”. Chị quyết tâm làm tất cả những gì có thể giữ anh ở lại.

Họ đã bán đi mọi tài sản trong nhà từ chiếc xe máy đến thửa đất nhỏ ở quê bố mẹ cho. Chị vay mượn họ hàng, người thân quen và được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ, nhưng chi phí ước tính khoảng 800 triệu đến gần 1 tỷ đồng cho phương án ghép tế bào gốc vẫn là rất xa vời. Nhằm trang trải cuộc sống và tích cóp cho cuộc chiến chống ung thư còn dai dẳng trước mắt, chị vẫn cố làm thêm các công việc bán thời gian, nhưng cũng phải nghỉ việc hoàn toàn khi bệnh tình anh trở nặng.

 

 

Chị Thiên nhớ mãi những ngày đầu biết chồng mang trọng bệnh, trời đất như sụp đổ. Nhưng suốt hai năm qua, chị không đầu hàng, luôn kề bên cùng anh chiến đấu với bệnh tật, nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng cho mái ấm của hai người. Đến nay, anh đã trải qua 7 đợt điều trị. Cơ thể kiệt quệ vì hóa chất, vì những cơn đau, nhưng anh chị vẫn nỗ lực và tin tưởng mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn.

Chị tâm sự, mỗi lúc ngắm gương mặt của chồng, chị thường tự nhủ phải cố gắng vững vàng nhất trong khả năng của mình. Càng thấy anh đau đớn, chị càng phải mạnh mẽ hơn. Càng thấy anh bình thản, chị càng khâm phục và yêu anh nhiều hơn. Chị học cách cầm tông đơ cắt tóc húi cua cho chồng và cho cả những bệnh nhân nằm cùng phòng bệnh. Chị kề bên cầm ô che mưa, che nắng cho anh. Trên giường bệnh, trong lúc anh ngủ, chị tranh thủ nép mình như con mèo con trong lòng anh, tận hưởng niềm hạnh phúc nhỏ nhoi bên cạnh người đầu ấp tay gối, thấy mình hạnh phúc nhất đời khi được ở bên người chồng trân trọng, yêu thương.

Yêu nhau 2 năm 6 tháng thì kết hôn, cưới nhau hơn 8 năm, hơn một thập kỷ đến với nhau bằng tình yêu chỉ có thể lý giải bằng “duyên nợ”, tình cảm của anh Hùng và chị Thiên không suy chuyển mà thậm chí chỉ càng thêm sâu nặng trong nghịch cảnh.

Chị mồ côi cha từ nhỏ. Một mình mẹ chị gồng gánh nuôi các con thành người. Từ khi yêu và lấy anh, chị luôn thầm vui khi nghĩ rằng mình đã được ông Trời ban cho một người đàn ông tuyệt vời, bù đắp cho thiệt thòi của số phận.

“Với tôi, anh là chồng, là bạn, là thầy, là cha và là tất cả trong suốt cuộc đời này. Mọi sự lựa chọn quyết định trong đời tôi luôn có anh bên cạnh. Sống với anh, tôi được chỉ bảo, được khích lệ, được yêu thương và tự do là chính mình.

Giữa hai đứa chưa từng có bí mật, chỉ có những chuyện dài bất tận mà chúng tôi luôn cảm thấy chưa có đủ thời gian để được nói cùng nhau” – chị Thiên nói về chồng, về tình yêu hơn một thập kỷ mà mình may mắn có được.

Và cũng bởi luôn thấy chưa có đủ thời gian cho nhau, nên từng ngày qua họ vẫn “chạy đua” với số phận. Họ không nao núng tinh thần dù ngày ngày chứng kiến những gì trần trụi, đau thương nhất của thân phận con người.

Chị bảo, từ khi yêu, cưới cho đến nay, ngay cả những lúc đau đớn dằn vặt nhất, anh chưa từng một lần nặng lời với vợ. Sự kiên cường, lạc quan của chồng khi đối diện với bệnh hiểm nghèo khiến chị được học và được truyền động lực.

Hai năm chiến đấu với K máu, ăn dầm ở dề trong bệnh viện, chứng kiến những gì trần trụi và đau thương nhất của số phận con người không làm anh Hùng, chị Thiên tuyệt vọng. Họ luôn nhìn cuộc sống với con mắt hóm hỉnh, tìm niềm vui trong những khoảnh khắc còn được bên nhau: Những cái ôm riêng tư chỉ có trong giờ đi tắm ở bệnh viện. Cái nắm tay đằm thắm giữa những đợt tiêm truyền. Câu chuyện đùa tếu táo lúc cơn sốt vừa qua…

Trong phòng bệnh quen thuộc, chị thường gọi chồng là “anh trai mưa”. Họ thường xuyên “thả thính”, pha trò khiến phòng bệnh rộn ràng. Cũng nhiều lúc bâng quơ, anh bàn với chị hay là ở nhà luôn, không đi viện nữa. Anh khao khát được hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn cây cối ướt đẫm trong mưa, tắm mình trong ánh nắng ban mai… Nhưng rồi những suy nghĩ ấy vụt xa, hai vợ chồng như mọi khi, thường “chốt”: Ta cứ sống trọn vẹn ngày hôm nay, ngày mai chưa biết sẽ thế nào nên đừng phí thời giờ lo nghĩ.

“Chúng tôi vẫn nói với nhau và nói với con về cái chết, nhưng không phải để bi lụy, mà để hiểu rằng – như lời anh Hùng “Rồi ai cũng sẽ chết! Anh không sợ chết. Dẫu cái chết có xảy đến, thì anh vẫn luôn ở bên hai mẹ con, là trời đất, gió lửa ở bên hai mẹ con mãi mãi” – chị Thiên day dứt nói.

Theo Báo Dân trí

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan