Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

1.300 học sinh dân tộc của tỉnh Hà Giang được xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh

Từ ngày 07/11 đến 10/11/2023, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục – Đào tạo và các trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực hiện lấy máu xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho 1.300 học sinh.

Hơn 500 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang được tuyên truyền và lấy máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh.

Các em được hướng dẫn đối chiếu thông tin cá nhân trước khi nhận giấy xét nghiệm.

Đây là nội dung nằm trong chuỗi các hoạt động phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh được triển khai từ năm 2021 đến năm 2025 tại tỉnh Hà Giang nhằm thực hiện mục tiêu: Giảm số ca phù thai do bệnh thalassemia, giảm số trẻ sinh ra bị bệnh, từng bước nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở y tế cho bệnh nhân người dân tộc thiểu số, từng bước kéo dài tuổi thọ cho những bệnh nhân hiện tại.

Hoạt động này nằm trong Dự án 7: Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021.

Chỉ trong 4 ngày, các hoạt động tập huấn, đào tạo về chẩn đoán điều trị, phòng bệnh tan máu bẩm sinh đã được diễn ra tại Sở Y tế tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện: Bắc Quang, Yên Minh, Bắc Mê; tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý và giáo viên diễn ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.

Cán bộ y tế tỉnh Hà Giang tham gia tập huấn về tan máu bẩm sinh.

Đoàn công tác cũng đã tiến hành truyền thông, tư vấn kiến thức về bệnh tan máu bẩm sinh cho giáo viên và học sinh các trường: Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang, Phổ thông Dân tộc nội trú THCS & THPT: Bắc Quang, Yên Minh, Bắc Mê. Tổng số đã có gần 1.300 học sinh các dân tộc trên địa bàn tỉnh được xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh trong đợt này.

ThS. Lê Quang Chiêm, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ những thông tin cơ bản về bệnh tan máu bẩm sinh cho giáo viên và học sinh các trường Dân tộc nội trú.

Cô giáo Phạm Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang cho biết nhà trường đã nhận được chỉ đạo từ Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh từ tháng 7/2023 về việc phối hợp tuyên truyền và xét nghiệm cho học sinh.

“Hiện nhà trường có 527 học sinh thuộc đủ tất cả 19 dân tộc trên địa bàn tỉnh. Được bác sĩ có kiến thức, có phương pháp truyền đạt rất tốt những thông tin cơ bản về bệnh tan máu bẩm sinh nên các em học sinh đều hào hứng lắng nghe và tiếp thu. Đây là cơ hội rất ý nghĩa với học sinh vì các em sắp đến tuổi trưởng thành, có thêm hiểu biết trước kết hôn để phòng tránh, để về tuyên truyền cho gia đình, cho thôn bản. Các thầy cô cũng sẽ có thêm kiến thức để tuyên truyền cho học sinh và phòng bệnh trong cộng đồng”.

Cô giáo Phạm Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang động viên để học sinh đỡ sợ khi được lấy máu xét nghiệm.

Với đặc thù là tỉnh miền núi có đến hơn 87% dân số là người dân tộc thiểu số, việc đưa các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức tới các trường Dân tộc nội trú là một trong những kênh truyền thông rất hiệu quả tại tỉnh Hà Giang.

Hầu hết các em lần đầu được lấy máu xét nghiệm nên đều có chút lo lắng, nhưng được các thầy cô giáo và nhân viên y tế động viên, giải thích, các em đều háo hức và sẵn sàng tham gia xét nghiệm.

Được tuyên truyền, được kiểm tra sức khỏe để phòng bệnh cho thế hệ sau nên các em đều háo hức.

Em Dương Quỳnh Như Ngọc (dân tộc Pà Thẻn) chia sẻ: “Em đã được tuyên truyền và biết rằng tan máu bẩm sinh là bệnh có ảnh hưởng di truyền đến thế hệ sau. Nên em đi xét nghiệm máu để xem có bị gen bệnh này không, rất tốt để phòng tránh”. Ngọc cũng cho biết dân tộc Pà Thẻn hiện chỉ có 8.000 dân sinh sống ở Hà Giang và Tuyên Quang, riêng tại tỉnh Hà Giang thì sinh sống tại huyện Bắc Quang và Quang Bình.

Lần đầu lấy máu nên em Min Thị Mây (dân tộc Cờ Lao – dân tộc ít người nhất của tỉnh Hà Giang) hơi sợ nhưng em rất sẵn sàng vì “phải lấy máu xét nghiệm để biết mình có bị bệnh không, bệnh có ảnh hưởng đến thế hệ sau mà”. Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, dân số dân tộc Cờ Lao là 4.003 người, chỉ cư trú tại tỉnh Hà Giang. Riêng ở huyện Hoàng Su Phì của em Min Thị Mây, chỉ có xã Túng Sán nơi em gia đình em sinh sống có khoảng 400 người dân Cờ Lao.

Em Vừ Thị Hồng Hoa (dân tộc Mông) được lấy máu xét nghiệm sàng lọc tan máu bẩm sinh.

Hai cô gái dân tộc Dao – Phượng Mùi Khé và Lò Thị Sinh, đều là học sinh lớp 11A2, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hà Giang chờ đến lượt lấy máu xét nghiệm.

Thalassemia là bệnh lý di truyền phổ biến nhất trên thế giới, ước tính 7% dân số toàn cầu mang gen và bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Người bệnh thalassemia phải định kỳ truyền máu (khối hồng cầu), thải sắt và điều trị biến chứng tại các bệnh viện. Bệnh đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số và giống nòi, gây ra nhiều gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát của Viện Huyết học – Truyền máu TW năm 2017, người mang gen bệnh có mặt ở tất cả các dân tộc, ở tất cả các tỉnh/thành phố, ước tính trên 14 triệu người mang gen bệnh. Có nhiều dân tộc tỷ lệ mang gen thalassemia lên tới 30-40%.

Riêng tại tỉnh Hà Giang – tỉnh có 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ mang gen ở một số dân tộc khá cao như: dân tộc Tày (23,2%), dân tộc Dao (15%), dân tộc Nùng (10%), dân tộc Giáy (2%), dân tộc La Chí (1,8%).

Thảo Nguyên

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan