15 năm chiến đấu với bệnh ung thư máu mạn tính
Là một trong những người bệnh ung thư máu đầu tiên tại Việt Nam được điều trị bằng thuốc nhắm đích, 15 năm qua chị Đặng Thu Hoài vẫn kiên cường chiến đấu với căn bệnh tưởng chừng không thể vượt qua ấy.
Những ngày đầu suy sụp
Năm 2006, chị Đặng Thu Hoài bàng hoàng khi biết mình đã mắc phải bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (CML), nói theo cách mà ai cũng hiểu đó chính là bệnh ung thư máu mạn tính. Vào thời điểm đó, mắc bệnh ung thư máu gần như đồng nghĩa với việc “án tử” có thể đến bất cứ lúc nào.
“Cảm giác lúc ấy không đơn giản là buồn mà còn cả suy sụp và thất vọng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bị ung thư. Lúc ấy, tất cả những dự định trong tương lai của tôi đều sụp đổ. Tôi không còn dám mơ ước gì nhiều ngoài một cuộc sống bình thường khỏe mạnh” – chị Hoài tâm sự về khoảng thời gian đầu khi biết tin mình mắc bệnh.
Có lẽ bất cứ ai trong chúng ta đều sẽ có cảm giác như chị Hoài trước sự thật khủng khiếp ấy. Nhưng điều quan trọng là cách mà chúng ta vượt qua sự khủng hoảng về tinh thần như thế nào? Có người tuyệt vọng, có người chán chường buông xuôi, nhưng cũng không ít người như chị Hoài, mạnh mẽ và kiên cường đối mặt.
Không đầu hàng số phận, chị quyết tâm “sống chung với bệnh”, đồng thời cũng tìm mọi cách để tiếp cận với những phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Chị Đặng Thu Hoài đã chiến đấu với căn bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt được 15 năm.
May mắn mỉm cười
Cuối cùng, những cố gắng của chị Hoài cũng được đền đáp khi chị được tiếp xúc với thuốc điều trị nhắm đích – một trong những phương pháp điều trị bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt hiệu quả nhất.
Chị Đặng Thu Hoài bồi hồi nhớ lại cảm xúc của gần 15 năm trước: “Khi được tiếp cận với nguồn thuốc viện trợ, tôi có cảm giác vỡ òa trong hạnh phúc, giống như mình được tái sinh vậy. Uống thuốc đến đâu, tôi cảm thấy sảng khoái, nhẹ nhõm đến đấy. Trước đó, tôi chưa từng nghĩ đến việc mình có thể đẩy lùi được căn bệnh ung thư này”.
Từ những ngày tháng sống trong hoang mang, lo lắng, giờ đây chị Hoài đã có thể có một cuộc sống mới tràn đầy hi vọng. Tương lai mở ra trước mắt, chị có thêm động lực đế tiếp tục phấn đấu, tiếp tục học tập và làm việc. Kết quả là, đã 15 năm kể từ ngày phát hiện bệnh, cho đến nay không những sống khỏe mạnh, chị còn hoàn thành chương trình học Cao học và là một chiến sỹ kiên cường công tác tại Cục an ninh mạng, Bộ Công an.
Chị Hoài hiện tại vẫn luôn yêu đời và cố gắng mỗi ngày để điều trị bệnh và làm công việc mình yêu thích
Đầu năm 2020, chị Đặng Thu Hoài từ Bệnh viện Truyền máu – Huyết học (thành phố Hồ Chí Minh) chuyển ra điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội), chị tâm sự: “Đến Viện Huyết học, tôi thấy vô cùng thoải mái và thân thương. Tôi được các y, bác sĩ tư vấn vô cùng nhiệt tình như đang tư vấn cho người thân vậy. Tôi không hề cảm thấy mệt mỏi căng thẳng khi đi viện, mà ngược lại, mỗi khi tới Viện điều trị tôi lại càng thêm vui vẻ, đầy hi vọng vào tương lai.”
Căn bệnh ung thư vốn là cơn ác mộng của bất cứ ai không may mắc phải. Và khi đối mặt với một cơn ác mộng, những bệnh nhân như chị Hoài đã lựa chọn dũng cảm đối mặt, dũng cảm chiến đấu với bệnh đến cùng. Cuộc sống mới với những hạnh phúc ở hiện tại và tương lai chính là trái ngọt cho sức sống kỳ diệu ấy.
Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt (Chronic myeloid leukemia – CML) là một bệnh ác tính hệ tạo máu, chiếm 5% tổng số các bệnh tạo máu, 20-25% các bệnh máu ác tính.
Tiến trình tự nhiên của lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt bao gồm 3 giai đoạn: (1) Giai đoạn mãn tính; (2) giai đoạn tăng tốc; (3) giai đoạn chuyển lơ-xê-mi cấp. Nguyên nhân gây bệnh CML là do bất thường di truyền chuyển đoạn giữa nhiễm sắc thể số 9 và nhiễm sắc thể số 22. Chính vì vậy, các nhà khoa học trên thế giới đã lấy ngày 22/9 là Ngày Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt Thế giới. Hiện nay, tại Việt Nam có hai phương pháp điều trị CML tiên tiến nhất được lựa chọn, gồm điều trị nhắm đích và ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài. Tuy nhiên, do chi phí điều trị bằng thuốc nhắm đích tương đối cao (khoảng 500 triệu đồng/năm) và người bệnh phải sử dụng suốt đời nên từ năm 2009, tại Việt Nam đã triển khai 2 chương trình Hỗ trợ sử dụng thuốc nhắm đích cho người bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt là VPAP và GPAP để người bệnh có cơ hội tiếp cận với phương pháp điều trị này. Phụ nữ dùng thuốc điều trị nhắm đích không nên có thai còn nam giới có thể có con bằng cách dừng dùng thuốc 1-2 tháng ở thời điểm thụ thai. |
Thùy Trang – Ảnh: NVCC
Bài viết liên quan
Chiến binh 16 tuổi và 7 năm kiên cường chiến đấu với bệnh ung thư máu
03 Tháng Mười Một, 2020“Con ước mình và các em sẽ khỏi bệnh và con sẽ là một chú lái xe ô tô, rong ruổi khắp nẻo đường” Điều ước tưởng chừng như giản…
Ung thư máu mạn tính: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
22 Tháng Chín, 2020Ung thư máu mạn tính là bệnh gì? Ung thư máu mạn tính (hay còn gọi là Lơ-xê-mi kinh) là bệnh lý thuộc Hội chứng tăng sinh tủy mạn ác…
Hướng dẫn chế độ ăn cho người bệnh ung thư máu
21 Tháng Tám, 2020Chế độ ăn cho người bệnh ung thư máu cần tuyệt đối tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm (chú ý hạn sử dụng, nguồn gốc và được kiểm…