Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

30 năm – cuộc cách mạng thay đổi nhận thức của hàng triệu người dân về hiến máu

“30 năm qua thực sự là cuộc cách mạng thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện (HMTN). Hoạt động HMTN đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội”.

Đó là khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tại Lễ Kỷ niệm 30 năm Ngày Phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam (24/1/1994 – 24/1/2024) diễn ra sáng nay 20/1.

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Ủy viên BCH TW Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN; đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư thường trực TW Đoàn, Chủ tịch TW Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; đại diện các Ban Chỉ đạo Vận động HMTN một số tỉnh/thành phố; lãnh đạo các Trung tâm Truyền máu khu vực; các cán bộ, tình nguyện viên làm công tác vận động hiến máu qua các thời kỳ… Dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Các vị đại biểu thăm khu triển lãm, nhìn lại những hình ảnh ấn tượng từ sự khởi đầu, lan tỏa và phát triển bền vững của phong trào HMTN.

Thập kỷ 90, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhu cầu truyền máu tại tất cả các tuyến tăng cao. Lúc này sự bùng nổ của căn bệnh HIV/AIDS khiến nguy cơ không bảo đảm an toàn truyền máu rất trầm trọng. Tình trạng thiếu máu điều trị thường xuyên diễn ra tại các cơ sở y tế trên cả nước, lượng máu tiếp nhận phần lớn dựa vào những người bán máu chuyên nghiệp. Mặc dù giai đoạn này đã có những hoạt động vận động hiến máu, tuy nhiên còn nhỏ lẻ và gặp muôn vàn khó khăn.

Đứng trước tình hình đó, ngày 24/01/1994, được sự ủng hộ của Ban Khoa giáo Trung ương, Viện Huyết học – Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) đã tổ chức phát động hiến máu nhân đạo. Sự kiện nhận được sự quan tâm, tham dự của nhiều đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể Trung ương, các đại sứ quán tại Hà Nội; sự hưởng ứng tích cực của các giáo sư, bác sĩ trong ngành Huyết học – Truyền máu, cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.

Là một trong những sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội tham gia vận động hiến máu từ những ngày đó, anh Nguyễn Đức Thuận cho biết đã được tham gia buổi nói chuyện với GS.TSKH Đỗ Trung Phấn, được nghe về hoạt động hiến máu và tình trạng thiếu máu đang xảy ra khi đang là sinh viên năm thứ 3.

Anh Thuận nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, hiến máu chủ yếu đến từ những người hiến máu chuyên nghiệp, rất ít người HMTN. Bản thân anh Thuận cũng phải đến Viện Huyết học – Truyền máu hai lần để chứng kiến tận mắt hoạt động tiếp nhận máu thì mới bắt đầu hiến máu.

Giao lưu giữa người vận động hiến máu, Ban Chỉ đạo Vận đông HMTN và người hiến máu.

Đồng cảm với những khó khăn chung của ngày đầu phong trào hiến máu, bà Nông Bích Thuận, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Vận động HMTN tỉnh Lạng Sơn cho biết thời kỳ đầu, tỉnh chỉ có 13 người tham gia hiến máu, bao gồm đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Theo thời gian, nhờ sự vào cuộc của nhiều ban, ngành các cấp, các bệnh viện, trung tâm y tế đã tìm cách tuyên truyền, vận động tiếp nhận máu đến từng người dân. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đạt gần 10.000 đơn vị máu mỗi năm. Hiến máu tình nguyện cũng được đưa vào nhiệm vụ lớn trọng tâm của Hội Chữ thập Đỏ tỉnh trong suốt 10 năm qua.

Nhìn lại những kết quả sau 30 năm, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Phong trào HMTN tại nước ta đã vươn mình lớn lên và phát triển từng ngày, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân”.

Năm 1994, năm đầu tiên chúng ta phát động phong trào, lượng máu tiếp nhận được của cả nước đã tăng hơn nhiều so với những năm trước đó với 138.000 đơn vị máu, tỷ lệ HMTN đạt 14,5%. Từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm cả nước đều đã tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ HMTN đến nay đã đạt 99%. Trong 30 năm, toàn quốc đã vận động và thu được trên 21,3 triệu đơn vị máu.

Bộ trưởng Bộ Y tế trao biểu trưng và tặng hoa tới GS.TSKH. Đỗ Trung Phấn, người đã khởi xướng và tổ chức ngày hiến máu nhân đạo 24/1/1994.

“Chúng ta đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động HMTN từ Trung ương đến địa phương; Đã thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu; Do đó, người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như các bệnh viện ở tuyến trung ương”, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh.

Ghi nhận sự lớn mạnh của hoạt động HMTN 30 năm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN khẳng định: “Sau 30 năm, đến nay cả nước ta đã có trên 21,3 triệu lượt người HMTN, hàng vạn cá nhân hiến máu trên 30, 50 lần, thậm chí trên 100 lần. Tôi xúc động khi hôm nay được gặp người hiến máu, hiến tiểu cầu tới 170 lần. Nhờ có nguồn máu an toàn và chất lượng mà công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh được kịp thời, giúp ngành y tế có thể triển khai, áp dụng nhiều kỹ thuật mới hiện đại như ghép tạng, ghép tế bào gốc…”

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bí thư thường trực TW Đoàn Nguyễn Ngọc Lương và các đại biểu hết sức ấn tượng với 170 lần hiến máu, hiến tiểu cầu của thanh niên này.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng quà cảm ơn người hiến máu.

Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế và các đại biểu cảm ơn người hiến máu đã đồng hành với ngành y tế để có đủ máu điều trị.

Đại diện người hiến máu giao lưu trong chương trình là chị Huỳnh Thị Mỹ An (Hoàng Mai, Hà Nội). Gia đình chị Mỹ An được biết đến là một gia đình hiến máu tiêu biểu khi bản thân chị hơn 90 lần hiến máu & tiểu cầu, em trai chị An hiến 99 lần, chồng và các con cũng đóng góp vài chục đơn vị máu.

Cơ duyên hiến máu đến với cả gia đình vào năm 2009 khi người thân trong gia đình chị An nằm viện cần truyền máu. “Người thân của mình cần máu thì chắc chắn có rất nhiều người ngoài kia cũng đang cần”, đó là suy nghĩ thôi thúc chị Mỹ An đi hiến máu lần đầu tiên. Đến nay, hành động này đã duy trì đều đặn trong suốt 14 năm.

Nhìn thấy rõ sự thay đổi trong công tác hiến máu nhiều năm qua, chị Mỹ An đánh giá cao vai trò của App Hiến máu và những thay đổi trong công tác tiếp nhận, chăm sóc người hiến máu của Viện Huyết học – Truyền máu TW. Chị xúc động khi theo dõi hành trình đơn vị máu của mình đến Bệnh viện Nhi hay những vùng xa xôi của đất nước… Từ đó, chị càng có thêm động lực để hiến máu.

Những kết quả của hoạt động HMTN có được nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; của Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện, các ban, bộ, ngành Trung ương; sự chung tay của toàn hệ thống chính trị, xã hội, của các cơ quan, đơn vị; đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước đối với hoạt động HMTN.

“Tôi đặc biệt ấn tượng, ngay trong những thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19 diễn ra, nhiều địa phương bị phong tỏa nhưng vẫn có hàng chục ngàn người vượt mọi khó khăn để tham gia hiến máu; nhiều trường hợp hiến máu cấp cứu khẩn cấp ngay trong đêm, hiến máu tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Điều này càng khẳng định ý nghĩa nhân văn cao đẹp của phong trào hiến máu tình nguyện, góp phần tô thắm truyền thống “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”… đáng tự hào của dân tộc Việt Nam ta”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao các hoạt động của Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp, của các cơ quan, đơn vị… đối với phong trào hiến máu ở nước ta. 

Đặc biệt, Bộ trưởng biểu dương, ghi nhận sự tiên phong, sáng tạo và tâm huyết của tập thể các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Viện Huyết học – Truyền máu TW đã phối hợp với các đơn vị gây dựng, duy trì và phát triển phong trào hiến máu, góp phần quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trao biểu trưng cho các cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của phong trào HMTN thời gian qua.

Để tiếp tục duy trì và phát triển bền vững phong trào HMTN, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN Đào Hồng Lan đề nghị phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội, các nhà lãnh đạo, nhà quản lý đối với công tác vận động và tổ chức hiến máu.

Tại buổi lễ cũng diễn ra ký kết hợp tác giữa Viện Huyết học – Truyền máu TW, Công đoàn Y tế Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam trong hoạt động HMTN với chương trình “Blouse trắng – Trái tim hồng”.

Đồng thời tập trung đề xuất xây dựng các giải pháp và triển khai để duy trì và phát triển nguồn người hiến máu tình nguyện ngày càng ổn định, thực chất và bền vững hơn, đảm bảo nguồn máu an toàn, chất lượng điều trị cho người bệnh từ tuyến TW đến các địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Bộ trưởng cũng đề nghị quan tâm việc ứng dụng chuyển đổi số y tế vào quản lý người hiến máu và các đơn vị máu.

Thảo Nguyên – Hải Yến, ảnh: Trần Chiến, Gia Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan