5 năm sống chung với bệnh ung thư máu, vẫn khát khao “sống để cho đi”
Mắc bệnh ung thư, như ai đó từng ví chẳng khác gì bị “thần chết điểm danh”. Nhưng với anh Nguyễn Hải Sơn (làm việc tại Công ty Du lịch VietPlus, TP Hạ Long) cánh cửa cuộc đời, tương lai không bao giờ đóng lại. Bởi anh đang xây nó bằng niềm tin và khao khát sống mãnh liệt…
Dù không còn phải nằm viện điều trị bệnh ung thư máu, anh vẫn thường xuyên kêu gọi và ủng hộ người bệnh khó khăn trong những lần đi tái khám
Cuộc chiến chống ung thư
Tháng 9 năm 2015, anh Nguyễn Hải Sơn cảm thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường, dễ bị bầm tím, rồi xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng…
Anh đến Bệnh viện Bãi Cháy để kiểm tra, khi xét nghiệm máu, tiểu cầu chỉ còn 4 G/L (trong khi tối thiểu phải đạt 150 G/L). Anh được đưa lên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhập viện gấp và truyền tiểu cầu cấp cứu ngay. Anh nhớ lại: “Sau này, tôi được các bác sĩ cho biết mình là người quá may mắn. Với lượng tiểu cầu giảm còn thấp như vậy, khó có thể sống qua đêm hôm đó…
Ngày hôm sau, mặc dù chưa ai nói với tôi về bệnh tình cụ thể, nhưng khi bác sĩ chỉ định truyền hóa chất, trong giây lát, đầu óc tôi trống rỗng. Tôi linh cảm được mình đã mắc căn bệnh quái gở ấy, nhưng không thể thốt nên lời. Tôi đã sợ giây phút này biết bao nhưng khi nó đến, tôi lại thấy mình chẳng có nổi một giọt nước mắt.
Sau 6 ngày truyền hóa chất liên tục, chỉ mất 2 ngày đầu hơi mệt. Tôi cảm thấy không còn sợ nữa mà đã bình tĩnh, hỏi bác sĩ về bệnh tình và phương pháp điều trị. Bởi vì với tôi chuyện gì đến sẽ đến, ở đời “sinh – lão – bệnh – tử” là lẽ thường tình”.
Mặc dù, vẫn biết điều trị ung thư giống như khi ta buộc phải đi vào một đường hầm đầy những khúc cua và ngõ cụt, nhiều chông gai, vất vả, càng đi càng tối nhưng không thể dừng lại, bởi chỉ có bước tiếp mới có cơ hội đến được ánh sáng phía cuối con đường. Những giọt hóa chất chảy xuống như những trận lũ cuốn đi nguồn nhựa sống. Hệ miễn dịch ngày nào vẫn khỏe là thế, sung mãn là thế, ấy vậy mà chỉ 1 đợt hóa chất cũng có thể quật ngã tất cả. Hiểu được điều đó càng thôi thúc anh phải sống và làm việc tốt hơn.
Qua tìm hiểu anh Sơn được biết, ung thư máu có nhiều thể khác nhau, riêng thể M3 mà anh mắc phải lại là thể có phác đồ điều trị và có thuốc uống để đào thải các tế bào máu ác tính. Một số thể khác có thể có thuốc uống nhưng đang trong giai đoạn thử nghiệm. “Mình thật may mắn so với nhiều người khác” – anh tâm sự.
Sau gần 7 tháng điều trị, kết quả mang lại rất khả quan, tất cả các chỉ số trong máu đều ổn định. Đến thời điểm này, anh Sơn vẫn đều đặn lên Viện Huyết học – Truyền máu TW lấy thuốc và kiểm tra sức khỏe định kỳ, kết quả đều đảm bảo giới hạn cho phép. Anh hạnh phúc vì luôn có người vợ thầm lặng sát cánh bên anh. Mỗi lần truyền hóa chất, người mệt nhưng có vợ đồng hành, lo lắng, tận tâm chăm sóc, mọi mệt mỏi như tan biến hết. Tình nghĩa vợ chồng đôi khi chẳng cần đến lúc đầu bạc răng long mà chỉ cần đồng hành cùng nhau những lúc khó khăn nhất.
“Tôi không sợ chết, không sợ đau đớn nhưng tôi sợ làm những người thân của tôi đau lòng”. Từ suy nghĩ đó, anh Sơn nghĩ mình phải chiến thắng bệnh tật và làm những điều có ý nghĩa hơn với cuộc sống này.
Mặc dù đã từng điều trị ung thư máu, anh Nguyễn Hải Sơn (áo xanh) vẫn làm việc như bao người khỏe mạnh khác
Sống là “cho đi”…
Trong quá trình điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, anh Sơn gặp rất nhiều hoàn cảnh éo le, khó khăn. Có những người gần như lấy bệnh viện làm nhà. Sau khi truyền hóa chất, cứ thiếu gì truyền đó. Thiếu tiểu cầu truyền tiểu cầu, thiếu hồng cầu truyền hồng cầu, cốt để duy trì cuộc sống, được ngày nào hay ngày đó.
Anh thường xuyên kêu gọi ủng hộ suất ăn cho người bệnh
Những người bị bệnh, sau khi truyền hóa chất cần được chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng, nhưng bữa cơm của họ lại rất đạm bạc, chỉ cơm và rau, thậm chí có người chỉ trông chờ vào những suất ăn từ thiện… “Tôi đã day dứt khi bắt gặp ánh mắt thất vọng của một bệnh nhân giường bên cạnh khi mang chiếc cặp lồng về không. Chị ấy xếp hàng lấy cháo nhưng đúng đến lượt chị thì hết” – anh Sơn kể.
Viện Huyết học – Truyền máu TW thường xuyên có trên 1.200 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó rất nhiều người phải chung thân với bệnh và định kỳ phải đến Viện điều trị. Mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động, kinh tế gia đình ngày càng khánh kiệt, nhiều người đành phải chịu những cơn đau do bệnh tật giày vò mà không thể tiếp tục điều trị. Tận mắt chứng kiến nhiều số phận bất hạnh, anh Sơn nghĩ: “Mình tuy không khá giả gì nhưng vẫn may mắn hơn so với nhiều người. Phải làm gì đó để giúp cuộc sống của họ bớt khổ hơn!”
Mỗi lần tổ chức tour cho khách du lịch, anh đều vận động mỗi người trích từ 20.000 đến 30.000 đồng ủng hộ Ngân hàng suất ăn dinh dưỡng cho những bệnh nhân ung thư của Viện Huyết học – Truyền máu TW. Những lần đi khám định kỳ anh lại mang sự may mắn của bản thân để chia sẻ với bệnh nhân khó khăn của Viện.
Trong những tháng dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động du lịch hết sức khó khăn. Đến nay, anh lại mở quán cà phê “Ngày khác” và ở đó anh dành một góc trân trọng để tiếp tục quyên góp ủng hộ Ngân hàng suất ăn từ thiện.
Anh Nguyễn Hải Sơn dành riêng một góc tại quán cà phê của mình để quyên góp ủng hộ Ngân hàng suất ăn từ thiện của Viện Huyết học – Truyền máu TW
Càng đi nhiều, gặp thêm nhiều người, anh Sơn thấy mình may mắn. Anh đem sự lạc quan, niềm vui tươi truyền thêm nghị lực cho mỗi bệnh nhân mình gặp. Anh chia sẻ với họ kinh nghiệm đương đầu với bệnh tật của bản thân. “Đôi khi, trong lúc điều trị bệnh, liều thuốc tinh thần lại quan trọng nhất!” – anh bảo.
Anh Sơn cho rằng sống là để trao và nhận. Trao tình thân, sự sẻ chia với mọi người và nhận về niềm vui, niềm tin, khát vọng sống. Cuộc đời anh giống như ngọn nến nhỏ nhưng ngọn lửa vẫn cháy không ngừng, tỏa sáng và nhen lên hy vọng cho bao người cùng cảnh ngộ. Nghị lực của anh, việc làm đầy ý nghĩa của anh đã trao cho cuộc đời này những hy vọng, niềm tin khiến chúng ta mạnh mẽ hơn, nhân hậu hơn.
Thu Trang – Trương Hằng