50 lần hiến máu, làm theo Đức Phật dạy và tạo thói quen cho cả gia đình
“Hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết giọt máu của mình đang hòa chung vào sinh mệnh, vào nhịp thở của ai đó đã từng được ta cứu sống”, chị Huỳnh Thị Mỹ An (Công ty Điện lực Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi khi nói về những điều tốt đẹp của cuộc sống, về những điều căn dặn của Đức Phật và cả hành động bình thường mà cao quý của chị – hiến máu cứu người.
Cơ duyên lần đầu đi hiến máu
Vào cuối năm 2009, bố đẻ của chị nằm viện và phải phẫu thuật. Nhưng sức khỏe của chị không đảm bảo, chỉ có em trai của chị đủ tiêu chuẩn hiến máu cho bố. Sau đợt đó, chị cảm thấy lo lắng cho người thân của mình, nếu một lần nữa chuyện này xảy ra thì mình phải làm như thế nào. Ngay lập tức chị Mỹ An bắt đầu tập thể dục, chạy bộ để cải thiện cân nặng và sức khỏe, chị còn phát hiện mình có sở thích leo núi và đã chinh phục được 3 ngọn núi cao nhất Việt Nam (trong đó có đỉnh Fansipan).
Gặp gỡ chị Huỳnh Thị Mỹ An, người phụ nữ với 50 lần hiến máu tình nguyện
Năm 2010, chị đã quyết định tham gia hiến máu lần đầu tiên tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương trong niềm phấn khởi xen lẫn bồi hồi. Đến nay trải qua 11 năm và tròn 50 lần hiến máu cứu người, việc hiến máu đã trở thành một thói quen và là việc làm “hết sức bình thường” đối với chị.
Luôn nghe theo lời răn của Đức Phật
Theo Thượng tọa Phật giáo Việt Nam Thích Nhật Từ: “Trong kinh phật, Đức Phật và Chư Bồ tát đã trải qua hàng ngàn kiếp “bố thí nội tài” (một trong những hạnh Bố thí Ba la mật) để làm gương cho các Phật tử, trong đó có hiến tặng giọt máu của mình cho sinh linh để cứu mạng sống đang bị đe dọa. Nghĩa là người bố thí sẵn sàng chịu đau, chịu mất mát để cứu lấy cuộc đời của người khác”.
Như vậy, “bố thí nội tài” thì những người giàu lòng từ bi, bác ái mới làm được. Còn nếu xem thân mạng mình là quý, là quan trọng hơn thân mạng kẻ khác thì chắc chắn không bao giờ thực hiện được hạnh bố thí này.
Với tâm niệm luôn hướng về Đức Phật, chị Mỹ An thường xuyên nghe các bài giảng về đạo Phật. “Càng nghe tôi lại càng thấm thía những lời răn của Phật. Trên đời này, mất đi rồi sẽ hóa vào hư vô. Nếu sự ra đi của người này lại là sự tái sinh của người khác thì tại sao mình không làm?”. Chị cho rằng người nhà mình cần máu thì chắc chắn nhà khác cũng sẽ cần máu. Không do dự, chị quyết tâm đi hiến máu, sau này là hiến tiểu cầu để đóng góp sức mình cho người bệnh điều trị.
Chị tâm sự rằng “sự sẻ chia với những người khác là điều răn dạy của đức Phật, những điều mình cho đi cũng là cái phước của mình nhận được. Lòng mình cảm thấy thanh thản, vui vẻ và hạnh phúc hơn, đó là niềm vui ngay tức thời mình nhận lại”. Quả thật vậy, hơn 10 năm thực hiện nghĩa cử cao đẹp này là từng ấy thời gian chị cởi mở đón nhận cuộc sống, đón nhận sự dẻo dai của đôi chân để chinh phục giấc mơ leo núi của mình. Đặc biệt, ông trời ban tặng cho chị đầy đủ sức khỏe để tiếp tục đi hiến máu, hiến tiểu cầu tới khi đủ tuổi về già.
Lan tỏa thói quen hiến máu cho cả gia đình, đồng nghiệp
Với tinh thần “một giọt máu cho đi – một cuộc đời ở lại”, chị Mỹ An đã hô hào, vận động nhiều người thân, đồng nghiệp cùng đi hiến máu mỗi khi đủ ngày hoặc nhận điện thoại kêu gọi hiến máu từ Viện Huyết học – Truyền máu TW. Thậm chí một vài đồng nghiệp của chị sau đó còn tham gia hiến máu đều đặn nhiều hơn cả chị, điều này khiến chị thực sự xúc động vì hành động của mình.
Đằng sau niềm hạnh phúc đó, chị Mỹ An cũng gặp không ít khó khăn. Vào thời điểm cách đây 10 năm, trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, rất ít người nói đến việc hiến máu tình nguyện, việc nắm bắt được lịch trình hiến máu thực sự mất nhiều thời gian, đồng nghĩa với việc vận động người thân, đồng nghiệp xung quanh mình đi hiến gặp nhiều trở ngại.
“Nhiều người vẫn quan niệm rằng cơ thể của mình do bố mẹ ban cho, nếu lấy máu của mình cho người khác sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, không biết máu sẽ cho ai, có kinh doanh hay không…, những quan niệm cũ đã cản trở họ tham gia vào việc làm tình nguyện này” – Chị An bộc bạch.
Nhưng may sao, trong gia đình nhỏ của mình, tất cả mọi người đều hưởng ứng hành động của chị, đặc biệt là con trai chị An đang tham gia Đội tình nguyện viên vận động hiến máu tại Đại học Bách khoa, còn bản thân chồng chị cũng đã hiến máu trên dưới vài chục lần. Đặc biệt, cậu em trai ruột – người đã hiến máu cứu bố, cũng có hơn 70 lần thực hiện nghĩa cử cao đẹp này.
Đến nay, trong cơ quan của chị (Công ty Điện Lực Thanh Trì, Hà Nội) đã có vài chục người tham gia hiến máu thường xuyên. Đây thực sự là chất xúc tác mạnh mẽ lan tỏa đến cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Mỗi khi tổ chức những điểm hiến máu ở gần chỗ làm, chị đều nhắn tin thông báo cho mọi người sắp xếp thời gian chuẩn bị.
Chị Mỹ An cho rằng: “Trong tình hình dịch bệnh kéo dài như thế này, điều duy nhất tôi có thể làm là đi hiến máu, hiến tiểu cầu đều đặn, ít nhiều sẽ giúp cho chính bệnh nhân đang cần máu có thể kịp thời điều trị và kéo dài sự sống”.
Chuyển sang hiến tiểu cầu để giúp đỡ được nhiều người hơn
Tin vui dành cho chị khi vài năm gần đây, các bác sĩ thấy số lượng tiểu cầu của chị trong máu khá cao và khuyên chị nên đi hiến tiểu cầu. Chị có thể giúp đỡ được nhiều người hơn vì tiểu cầu lúc nào cũng trong tình trạng thiếu và thời gian mỗi lần hiến chỉ cách nhau 3 tuần, thay vì chờ đợi 3 tháng như hiến máu. Vì vậy, chị quyết định chuyển sang hiến tiểu cầu để mong rằng sẽ cứu giúp được nhiều người bệnh hơn.
Hơn thế nữa, qua App Hiến máu, chị Mỹ An có thể theo dõi được đơn vị máu của mình vừa hiến đã được vận chuyển đến đâu, truyền cho ai. Thậm chí có lần máu của chị còn được vận chuyển lên tận Hà Giang – nơi địa đầu Tổ quốc. Chỉ nghĩ đến giọt máu của mình đang giữ nhịp đập trái tim cho hàng trăm bệnh nhân đã khiến chị cảm thấy thực sự mãn nguyện và an lành trong tim.
Nhờ những giọt máu kịp thời của mình, chị Mỹ An đã nhiều lần giúp người bệnh trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” thoát khỏi bàn tay tử thần. Điều trân quý hơn là chị chưa bao giờ đòi hỏi “tôi trao đi bao nhiêu, phải nhận lại bấy nhiêu” cho riêng mình. Chị Mỹ An sẽ vẫn tiếp tục hiến máu, hiến tiểu cầu và kêu gọi mọi người cùng tham gia cho đến khi nào chị không thể tiếp tục được nữa.
Ngày 14/6 được Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Truyền máu Quốc tế và Liên đoàn Quốc tế các tổ chức người hiến máu chọn là Ngày Quốc tế Người hiến máu. Đây là dịp đặc biệt để tri ân, tôn vinh người hiến máu và khuyến khích nhiều người hơn tham gia hiến máu tình nguyện (HMTN), nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự cần thiết của các chế phẩm máu an toàn. Ngày này cũng là dịp để cộng đồng tưởng nhớ nhà bác học đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO – giáo sư Karl Landsteiner (người Mỹ gốc Áo), ông sinh ngày 14/6/1868. Thông điệp được Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn cho Ngày Quốc tế người hiến máu năm nay là “Giữ nhịp đập trái tim”. Thông điệp nhằm khuyến khích mỗi người hãy duy trì và giữ sức khỏe của mình luôn ổn định để làm được nhiều việc, trong đó có hiến máu thường xuyên. Hiến máu và kêu gọi nhiều người cùng hiến máu sẽ giúp cứu được tính mạng và giữ được sự sống cho những người khác, giữ được nhịp đập của người bệnh, cũng là giữ nhịp đập của cả cộng đồng. Khi cộng đồng cùng chung tay thì chúng ta có một dòng chảy đầy tình nhân ái. TS. BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cảm kích chia sẻ: “Mỗi đơn vị máu có giá trị như phao cứu sinh của người bệnh. Tôi mong muốn mỗi người luôn khỏe mạnh để có thể giữ nhịp độ hiến máu thường xuyên, để dành cho người bệnh nguồn máu an toàn nhất”. |
Ảnh: NVCC, Bài và thiết kế: Gia Thắng
Bài viết liên quan
Giọt máu nghĩa tình
08 Tháng Sáu, 2021Hà Nội những ngày nắng nóng đỉnh điểm! Trong khi có những người khoác trên mình bộ đồ bảo hộ có thể khiến người mặc sốc nhiệt và kiệt sức…
“Mỗi đơn vị máu như phao cứu sinh của người bệnh”
08 Tháng Sáu, 2021“Mỗi đơn vị máu có giá trị như phao cứu sinh của người bệnh. Tôi mong muốn mỗi người luôn khỏe mạnh để có thể giữ nhịp độ hiến máu…
Hành trình Đỏ 2021 khởi đầu thắng lợi với 1.402 đơn vị máu tiếp nhận tại Lai Châu
09 Tháng Sáu, 2021Sáng nay 9/6/2021, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lai Châu, chương trình hiến máu Hành trình Đỏ lần thứ IX năm 2021 chính thức khởi động. Lai Châu là…