Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Nỗi lòng của người mẹ không thể về nước chăm con bị bệnh máu do dịch Covid

Vì muốn có tiền chữa bệnh cho con, chị Hoàng Thị Hương ở Mỹ Đức (Hà Nội) đã liều trở lại Malaysia để làm việc sau thời gian nghỉ Tết. Nhưng kẹt nỗi, dịch Covid-19 và cách ly xã hội khiến chị vừa không có việc làm, vừa không có tiền gửi về cho con chữa bệnh và không thể trở về Việt Nam.

Con thứ 2 của chị Hương bị bệnh Hemophilia (máu khó đông) đã 25 năm. Cháu tên là Nguyễn Tiến Đạt, sinh năm 1995, điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Để có tiền chạy chữa cho con, chị đã quyết định sang Malaysia lao động.

 

Chị Hoàng Thị Hương và con trai Nguyễn Tiến Đạt, một người bệnh Hemophilia điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW (ảnh: NVCC)

25 năm cùng con chữa bệnh

Chị Hương đi Malaysia được 6 năm, làm thuê tại một bệnh viện dưỡng lão. Cả 3 đứa con của chị đều phải gửi gắm cho bà ngoại trông nom. Đến nay, bà ngoại đã 84 tuổi. Năm vừa rồi, chị về thăm nhà và lo tổ chức đám cưới cho con gái đầu vào dịp Tết. Gom góp được một chút vốn liếng, chị dự định mở một cửa hàng để Đạt có thể làm việc và cũng để hai mẹ con ổn định cuộc sống.

Nhưng do dịch bệnh kéo dài, chị không tìm được địa điểm để thuê. Sốt ruột, chị lại quyết định trở lại Malaysia để tiếp tục công việc. Nhưng thật không may mắn, chị bị mắc kẹt ở Malaysia và hơn 3 tháng nay, chị vẫn chưa được đi làm. Chị phải lấy số tiền dành dụm ra để chi tiêu. Hiện tại, chị đang làm thuê cho một quán ăn để kiếm tiền đủ sống với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng.

“4 tháng nay không có việc làm nên không có tiền để gửi về nhà. Bà ngoại phải đi vay mượn để trang trải bữa ăn hàng ngày và chữa bệnh cho Đạt. Giờ cháu lớn nên tự đi xe bus đến bệnh viện, mỗi tháng 1- 2 lần, mỗi lần ở viện điều trị 1 tuần. Đạt lại bị bệnh thể nặng, chỉ có chưa đến 1% yếu tố đông máu nên rất khó tìm được việc làm phù hợp. Mặc dù cháu đã học thiết kế website nhưng do bệnh tật và không được học bài bạn nên chưa kiếm được tiền”, chị Hương buồn bã chia sẻ.

Nguyễn Tiến Đạt học thiết kế Website trong những ngày nằm viện (ảnh: Vương Phú)

Theo lời chị kể, từ khi 9 tháng tuổi, Đạt đã nổi nhiều vết tím trên người. Do không biết bệnh của con, chị đưa con đi các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, nhưng không phát hiện ra bệnh gì. Khi lên 3 tuổi, chị đưa con đi Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị nhưng cũng không tìm ra bệnh vì không đủ tiền làm tất cả các xét nghiệm. Hôm ấy, hai mẹ con chị ôm nhau ngồi ở cổng bệnh viện thì vô tình gặp được Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Bách đến các cơ sở để làm việc, ông dừng lại hỏi tình hình. “Giáo sư Tôn Thất Bách nói rằng có thể cậu bé bị bệnh về máu, liền bảo mẹ con tôi xuống Viện Huyết học – Truyền máu. Đến đó, làm xét nghiệm máu, tôi mới biết con mình bị Hemophilia A và điều trị từ ngày đó đến giờ”, chị Hương cho biết.

Nguyễn Tiến Đạt và điều dưỡng của Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW (ảnh: Vương Phú)

Vì con bị bệnh nan y, vợ chồng chị Hương gặp nhiều khó khăn nên hai người chia tay. Cứ vậy, chị một mình tất tả ngược xuôi, làm đủ thứ việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho con từ việc gánh phân, buôn ngô khoai sắn… đến bốc vác. “Trước kia, Đạt đi học tới lớp 3 thì phải nghỉ do cháu đi chữa bệnh quá lâu nên nhà trường không nhận. Ngày các cháu còn bé, tôi ở quê làm ruộng, một mình trông 3 đứa. Có một thời gian do không có bảo hiểm y tế nên tôi không có điều kiện đưa con đi bệnh viện. Phải ở nhà 4 tháng liên tục không được truyền máu, Đạt bị co quắp các khớp, không đi lại được. Nhìn con mà lòng đau như cắt, tôi phải nhờ bà ngoại về chăm 2 con, để tôi ra Hà Nội làm thuê mướn, mang theo Đạt để tiện chữa bệnh.

Suốt những năm tháng làm ở Hà Nội, mẹ đi làm ở đâu con đi theo đó, nắng mưa, gió bão dãi dầm khổ sở biết bao nhưng không làm thì chỉ có cách nhìn con chết dần, chết mòn”, chị Hương sụt sùi nhớ lại.

Nỗi lo nơi xứ người

Tuy khó khăn là vậy nhưng chị vẫn gắng gượng nuôi cô con gái lớn học xong đại học, lập gia đình và giờ là cậu út đang học trường Đại học Mở, năm thứ nhất ở Hà Nội. Có thời gian, vì thương mẹ vất vả, cô con gái đầu của chị đã có ý định nghỉ học. Lúc ấy chị chỉ biết ôm con mà khóc nói: “Nếu con nghỉ học mẹ không còn động lực để sống tiếp đâu con”…

Nghe mọi người nói bệnh này đến 13 tuổi là hết nên chị dồn hy vọng, sức lực, thể chất để chữa cho con. Nhưng đến giờ đã 25 năm trôi qua, Đạt càng lớn chị càng nhận ra con chị phải sống chung với căn bệnh này cả đời. Tuy ốm đau, bệnh tật nhưng Đạt rất hiểu chuyện, cố chịu đau, không kêu ca với mẹ. Chị luôn an ủi nói với con: “Chị lớn đi lấy chồng rồi, mẹ cố gắng nuôi em đi học đại học đến lúc có công việc, sau này mẹ già, mẹ vẫn ở với con, dù con có vợ hay không mẹ luôn bên con”.

Hiện nay do dịch bệnh, Viện Dưỡng lão tại Malaysia nơi chị Hương làm việc vẫn đang đóng cửa. Chị làm thuê ở hàng ăn chỉ tạm đủ cho cuộc sống ở nước bạn. Chị Hương vô cùng lo lắng, bởi với căn bệnh của Đạt, nếu có điều kiện đi viện thường xuyên thì sẽ khỏe mạnh, nếu không sẽ để lại di chứng không đi lại được. Ở nhà hiện nay có mỗi 2 bà cháu, tiền không có, chị Hoa không biết rồi đây cuộc sống sẽ ra sao, xoay sở thế nào để con không phải chịu đau đớn, tàn tật vì bệnh máu khó đông…

Theo Báo Phụ nữ Việt Nam

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan