Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Hướng đến hoạt động tiếp nhận máu và cung cấp máu năm 2021 hiệu quả, thực chất và bền vững

Vừa qua, từ ngày 20/10 đến 17/11/2020, Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) Vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) và ngành y tế của các tỉnh, thành phố: Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn.

      

Các cuộc làm việc này nhằm hướng đến sự phối hợp chặt chẽ, bài bản trong công tác vận động, tổ chức HMTN và cung cấp máu, chế phẩm máu cho các cơ sở y tế.

Năm 2020, vượt qua những khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã tiếp nhận được trên 320.000 đơn vị máu. Kết quả này có sự vào cuộc đầy tâm huyết, trách nhiệm của hệ thống BCĐ Vận động HMTN các cấp và nhiều cơ quan, đơn vị. Tại các cuộc làm việc với thường trực BCĐ Vận động HMTN các địa phương, Viện và thường trực BCĐ đã có những phân tích, đánh giá, chỉ ra những điều đạt được, những hạn chế trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động và tổ chức HMTN trên địa bàn năm 2020.

Viện và BCĐ các tỉnh/thành phố đã thống nhất tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế và đề ra kế hoạch, phương hướng hoạt động năm 2021. Công tác phối hợp cần chặt chẽ hơn nữa trên cơ sở chung sức và tôn trọng lẫn nhau để đưa hoạt động HMTN ngày càng mang lại hiệu quả, thực chất và bền vững, tiến tới việc lấy “người hiến máu làm trung tâm” và phục vụ người hiến máu một cách chu đáo nhất.

Ông Trần Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Ninh khẳng định: “Năm 2021, BCĐ Vận động HMTN tỉnh Bắc Ninh thống nhất với Viện xây dựng kế hoạch tiếp nhận máu là 17.500 đơn vị. BCĐ sẽ xây dựng kế hoạch sớm, phân chỉ tiêu cho các đơn vị theo từng tháng, tiến tới theo tuần, theo ngày, tập trung vào những thời điểm khan hiếm máu như dịp Tết Nguyên đán, dịp hè”.

BSCKII. Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng phát biểu tại buổi làm việc với BCĐ Vận động HMTN tỉnh Hòa Bình.

Là tỉnh có đến trên 70% dân số là người dân tộc thiểu số, nhiều huyện miền núi gặp nhiều khó khăn nhưng trong năm qua, hoạt động HMTN tại tỉnh Hòa Bình đạt được kết quả rất đáng khích lệ với gần 8.000 đơn vị máu. Ông Bùi Quốc Việt, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hòa Bình chia sẻ: “Nhận thức của bà con, người dân trong tỉnh về HMTN ngày càng cao, có nhiều người hiến máu nhiều lần, đặc biệt tỷ lệ hiến máu thể tích 350ml của tỉnh đã đạt 86%, cao nhất trong các tỉnh Viện Huyết học – Truyền máu TW tiếp nhận máu”.

Tại các cuộc làm việc với Sở Y tế và các bệnh viện/trung tâm y tế có sử dụng máu trên địa bàn tỉnh, Viện cũng đề nghị các đơn vị cần có kế hoạch, dự trù máu và chế phẩm máu theo tuần, theo tháng, theo năm; bám sát với nhu cầu sử dụng thực tế. Bên cạnh đó, Viện cũng lắng nghe những đề xuất, kiến nghị từ các bệnh viện để việc cung cấp máu trong thời gian tới được đầy đủ, kịp thời, chất lượng máu và hiệu quả sử dụng máu được nâng cao hơn.

Trung tâm Máu quốc gia làm việc với Sở Y tế và các bệnh viện sử dụng máu tại các tỉnh.

“Năm 2020, toàn tỉnh Lạng Sơn vận động được 5.800 đơn vị máu thì các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã sử dụng trên 7.600 đơn vị máu. Dự kiến, số đơn vị máu sử dụng năm 2021 sẽ là trên 11.500 đơn vị. Ngành y tế tỉnh Lạng Sơn đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ rất đắc lực, kịp thời từ Viện Huyết học – Truyền máu TW; nhờ đó người bệnh của tỉnh đã được sử dụng các chế phẩm máu có chất lượng”, ông Phan Lạc Hoài Thanh (đứng phát biểu) – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Từ những đề xuất của các bệnh viện/trung tâm y tế các huyện, TS. BS. Trần Ngọc Quế – Phó Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia khẳng định: “Trung tâm máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu TW ghi nhận những đề xuất của các tỉnh và sẽ cố gắng đảm bảo việc cung cấp máu và chế phẩm máu theo kế hoạch, đề xuất của tỉnh. Ngoài ra, khi các bệnh viện có nhu cầu sử dụng các chế phẩm máu thể tích nhỏ (30ml, 50ml…) để truyền cho bệnh nhân nhi hay cần các chế phẩm máu đặc biệt như: tiểu cầu máy, hồng cầu rửa, cryo, huyết tương AB… thì Viện Huyết học – Truyền máu TW hoàn toàn có thể điều chế và cung cấp khi có dự trù. Do đây là các chế phẩm máu không có sẵn nên các bệnh viện cần có chỉ định và dự trù sớm để Viện điều chế các sản phẩm phù hợp”.

TS. Quế (áo vest đen, đeo kính) cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát công tác đảm bảo an toàn truyền máu, sử dụng máu tại các cơ sở y tế trên địa bàn. Viện sẽ tiếp tục hỗ trợ tập huấn kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế để đảm bảo công tác an toàn truyền máu (nếu tỉnh có nhu cầu).

Trung tâm Máu quốc gia cũng đề nghị Sở Y tế tiếp tục phối hợp với BCĐ Vận động HMTN các địa phương tổ chức chương trình hiến máu của riêng ngành y tế, đặc biệt là vào sau Tết nguyên đán, trùng với dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, đồng thời chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở tăng cường hỗ trợ công tác tiếp nhận máu tại các ngày hiến máu của địa phương.

Năm 2021, dự kiến Viện Huyết học – Truyền máu TW cần tiếp nhận khoảng 375.000 đơn vị máu để cung cấp cho hơn 170 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Trước diễn biến dịch bệnh COVID – 19 vẫn còn rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên việc hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận và cung cấp máu cho địa bàn rộng với dân số đông là rất nặng nề.

BSCKII. Phạm Tuấn Dương (áo đen) làm việc với các cơ sở truyền máu.

BSCKII Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia kêu gọi: “Chúng tôi mong rằng năm tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, chung sức đồng lòng của hệ thống BCĐ Vận động HMTN các cấp, của các cơ quan, đơn vị và người dân đối với hoạt động HMTN. Viện sẽ phối hợp chặt chẽ với BCĐ Vận động HMTN, Sở Y tế, và các bệnh viện để việc tổ chức các điểm hiến máu cũng như công tác cung cấp, sử dụng máu ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững”.

Quốc Huy (ảnh tổng hợp)

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan