Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Sống bên những niềm vui

“Đối với điều dưỡng, thời gian tiếp xúc với bệnh nhân chiếm hầu hết thời gian làm việc trong ngày. Dường như, tất cả những tâm tư, vui buồn trong cuộc sống, bệnh nhân đều muốn chia sẻ với mình. Lắm lúc, mình như bạn thân, như người nhà của họ vậy”… Chị Nguyễn Thị Hoa Yên, Điều dưỡng trưởng, khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, tâm sự.

Trọn đời chẳng chán… những niềm vui!
Gắn bó với nghề 30 năm, chị Yên luôn bận rộn với rất nhiều công việc trong một ngày. “Lịch trình một ngày làm việc bình thường của chúng tôi suốt 30 năm nay ít biến động, tuy nhiên, 2 năm nay có dịch COVID-19, để bảo đảm an toàn, lượng công việc của điều dưỡng chúng tôi tăng hơn nhiều” – chị Yên chia sẻ.

Nhận bàn giao từ ca trực trước, hôm sau mỗi điều dưỡng lại tiếp nhận một nhóm bệnh nhân, chăm sóc, theo dõi từng chỉ số trên máy móc, ghi chép thông tin, thực hiện y lệnh của bác sĩ điều trị…

“Lặp đi lặp lại một quy trình công việc, chị có khi nào thấy nhàm chán?” – đáp lời chúng tôi, chị Yên vui vẻ cho biết: Chán sao được khi mỗi bệnh nhân là một câu chuyện, một cuộc đời. Không chỉ là người chăm sóc, chúng tôi còn là bạn của bệnh nhân, có khi chúng tôi hiểu mong muốn, tâm tư của họ hơn cả người nhà.

Chị Nguyễn Thị Hoa Yên, Điều dưỡng trưởng – Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Khoa Điều trị hoá chất nơi chị Yên làm việc thường xuyên có trên 220 bệnh nhân điều trị nội trú, công suất giường bệnh luôn đạt và vượt 100%. Trong khoa có trên 30 điều dưỡng, thay nhau chăm sóc người bệnh. Có những bệnh nhân gắn bó với khoa tận mấy năm trời.

“Bệnh nhân điều trị hoá chất vài tháng hoặc vài tuần lại vào viện một lần. Chúng tôi hay động viên bệnh nhân: Còn được gặp nhau là còn niềm vui sống” – chị nói.

Hầu hết bệnh nhân ung thư lúc mới nhập viện đều có suy nghĩ tiêu cực, thậm chí tuyệt vọng. Vì vậy, trong quá trình điều trị, người điều dưỡng còn cần an ủi, động viên để người bệnh có thêm niềm tin và dù có đau đớn, kiệt sức cũng quyết không bỏ cuộc…

Để đến khi họ chiến thắng được bệnh tật, khỏe mạnh ra viện, đó là niềm vui của người bệnh cũng là niềm vui của người điều dưỡng chúng tôi.

Hai năm nay, với ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc chăm sóc, đảm bảo an toàn cho người bệnh càng có nhiều áp lực hơn nữa. Nhưng áp lực, vất vả cũng là “điều kiện” để những trái tim dễ tìm được sự đồng cảm ở nhau hơn.

Tình yêu lớn… đặt ở người bệnh!

Hai vợ chồng anh Đỗ Xuân Dương (Khoa Khám bệnh và Điều trị ngoại trú) và chị Đỗ Thị Biên (Khoa Bệnh máu trẻ em) cùng làm điều dưỡng tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, bên cạnh những thuận lợi thì gia đình anh chị cũng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Chị Biên tâm sự hai vợ chồng chị luôn động viên cùng nhau cố gắng. “Có hôm, cả hai người đều gặp những ca bệnh khó, hay chăm sóc một số bệnh nhân đặc thù, chúng tôi đều trao đổi với nhau tìm hướng tốt nhất cho người bệnh. Ví như hôm nay, tôi vừa nói vui với chồng, đang có bệnh nhân khó lấy ven quá, mai chồng lên lấy hộ vợ nhé!” – chị Biên cười rất tươi.

Anh Dương, Khoa Khám bệnh và Điều trị ngoại trú trong một lần bàn giao ca bệnh cho chị Biên tại Khoa Bệnh máu trẻ em của Viện

Anh Dương tâm sự, mỗi người cố gắng một chút vì công việc và trách nhiệm chung với người bệnh, đồng nghiệp. Có những lần, cả hai anh chị đều trong diện phải cách ly phòng dịch, anh chị lại nhờ người trông hai đứa nhỏ. “Nhớ con, thương con nhưng hai vợ chồng vẫn sẵn sàng. An toàn cho cộng đồng phải đặt trên hết” – chị nói.

Hai vợ chồng cùng làm điều dưỡng, bệnh nhân đông, khó khăn nhất với chị Biên và anh Dương là đổi lịch trực để phù hợp với các công việc gia đình. Cứ đến ngày nhận lịch trực tháng mới, chị lại “lướt” thật nhanh để xem anh chị có trùng lịch trực hay không để xin đổi lệch ca. Không có người hỗ trợ, có hôm do phát sinh công việc, anh chị phải đi làm sớm, hai đứa con đành lạch cạch đi học sớm theo giờ bố mẹ.

TS.BS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Điều dưỡng, kỹ thuật viên có mặt đông đảo và là lực lượng chủ yếu thực hiện công tác chăm sóc người bệnh, người hiến máu cũng như triển khai các kỹ thuật xét nghiệm, xử lý máu”. Là Viện chuyên khoa đầu ngành nên việc nâng cao chất lượng chuyên môn của lực lượng này đóng vai trò vô cùng quan trọng. TS Khánh chia sẻ: “Với người điều dưỡng, giỏi chuyên môn chưa đủ, họ còn phải có những kỹ năng mềm để vừa là người chăm sóc tốt, vừa là người bạn, người chia sẻ buồn vui của người bệnh. Đây cũng là cách để họ nâng tầm nghề nghiệp của mình”.

Ngày 12/5/2021, Hội đồng điều dưỡng quốc tế đã đưa ra thông điệp: “Nurses avoice to lead – a vision for future healthcare” nhấn mạnh vai trò tiên phong của điều dưỡng, tầm nhìn cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tương lai. Trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của điều dưỡng đối với sức khỏe con người. Đặc biệt năm nay với tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19, vai trò làm giảm nhẹ sự đau đớn và cứu sống tình mạng nhiều người trên toàn thế giới trước đại dịch của các điều dưỡng viên càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

Vương Tuấn – Tạ Uyên

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan