Ngân hàng máu cạn kiệt
Lượng máu và tiểu cầu dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, ngân hàng máu TP HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đều ở ngưỡng thấp đáng báo động. Nguồn máu hiến tình nguyện giảm mạnh trên khắp cả nước do ảnh hưởng Covid-19.
Tại Hà Nội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng cảnh báo chiến dịch hiến máu lớn nhất trong năm là Hành trình Đỏ đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có, chỉ tiếp nhận được 30% lượng máu dự kiến.
Tính đến ngày 20/7, chỉ 18 tỉnh, thành phố tổ chức xong các ngày hiến máu chính thức của Hành trình Đỏ với hơn 14.000 đơn vị máu được tiếp nhận. Nếu tính thêm cả các ngày hiến máu khác, cả chiến dịch cũng mới tiếp nhận được 33.500 đơn vị máu.
Lượng người đến hiến máu trong những ngày gần đây tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, ngày 22/7 cho biết ngân hàng máu dự trữ còn dưới 5.000 túi máu, ở ngưỡng báo động. Bình thường, số dự trữ đạt khoảng 8.000-10.000 túi.
Tất cả tua lấy máu lưu động đăng ký trước, từ ngày 9/7 đến nay bị hủy, sau khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo chỉ thị 16.
Hiện, mỗi ngày chỉ khoảng 30-50 người tình nguyện đến hiến trực tiếp tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học và Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM. Trong khi đó, mỗi ngày ngân hàng phải cấp phát khoảng 300-350 túi. Lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 1/10 lượng máu máu cần để cung cấp cho gần 150 bệnh viện trong thành phố, trong đó có các bệnh viện đang điều trị Covid-19.
“Dự kiến trong một tuần tới, kho dự trữ máu sẽ giảm đến ngưỡng rất báo động, khoảng 2.000-3.000 túi”, bác sĩ Dũng nói. Tình trạng thiếu máu cục bộ theo nhóm sẽ xảy ra nếu không kịp thời bổ sung lượng máu dự trữ trong vài ngày tới, đặc biệt là nhóm máu O.
Bác sĩ Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy, ngày 21/7, cho biết lượng tiểu cầu dự trữ tại bệnh viện chỉ còn vỏn vẹn 13 đơn vị. Số lượng máu dự trữ tại trung tâm cũng chỉ còn 2.198 đơn vị. Trong khi đó, lượng máu sử dụng trong cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân tại bệnh viện cần trung bình 200-300 đơn vị mỗi ngày.
“Mỗi ngày, chúng tôi chỉ tiếp nhận được khoảng từ 15-17 người đến hiến máu”, bác sĩ Oanh cho biết. “Việc đảm bảo nguồn máu để cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân, trong đó có cả những bệnh nhân mắc Covid-19 cần phải truyền máu, trở thành thách thức lớn với Chợ Rẫy”.
Lượng máu dự trữ tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện còn rất ít. Ảnh: bệnh viện cung cấp.
Ngành y tế đang đề xuất lãnh đạo các quận huyện duy trì lịch hiến máu tại địa phương với quy mô phù hợp, tổ chức hẹn người hiến máu chia theo nhiều khung giờ để vừa đảm bảo an toàn cho người hiến, vừa giúp người bệnh có đủ máu cho cấp cứu và điều trị.
Tình trạng thiếu máu hiến tại TP HCM xảy ra từ cuối tháng 5, khi Covid-19 bùng phát mạnh, thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách. Hồi đầu tháng 6, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức từng ký văn bản gửi các sở ngành, địa phương, về tình trạng thành phố thiếu máu “đáng báo động” và “thấp nhất trong 9 tháng qua”, “lượng máu dự trữ không đủ cấp phát trong 5 ngày tới”.
Khu vực đăng ký hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vắng người.
Ít nhất 16 tỉnh, thành phố phải chuyển lịch hiến máu từ tháng 6, tháng 7 sang tháng 8 và vẫn chưa chốt thời gian tổ chức chính thức. Nhiều địa phương chỉ tổ chức các điểm hiến máu nhỏ nhằm đảm bảo nguồn máu cho điều trị như tại TP HCM, Đà Nẵng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bến Tre, Tây Ninh.
Tại Bình Định, Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh hoãn lịch hiến máu tại huyện Phù Mỹ. Thành phố Quy Nhơn thay vì tổ chức tiếp nhận máu trong một ngày thì điều chỉnh phương án tiếp nhận máu trong 5 ngày theo từng cụm xã, phường để giảm tập trung đông người.
Nghệ An, Thanh Hóa chọn phương án duy trì tổ chức tiếp nhận máu tại Trung tâm Huyết học – Truyền máu hoặc tại điểm hiến máu cố định liên tục trong cả tháng.
Khánh Hòa điều chỉnh kế hoạch tiếp nhận máu kéo dài trong 2 ngày, số lượng người hiến máu có thể huy động giảm 50% so với dự kiến.
Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ, cho biết: “Hầu hết ngân hàng máu đều rơi vào tình trạng báo động. Thiếu máu theo nhóm máu, thiếu chế phẩm tiểu cầu, nhiều nơi có thời điểm chỉ cung cấp được 50-70% nhu cầu máu là thực trạng lúc này”.
Viện Huyết học – Truyền máu TW và các Trung tâm Truyền máu mong muốn các cấp lãnh đạo quan tâm, duy trì lịch hiến máu tại địa phương với quy mô phù hợp, tổ chức chia giờ cho người hiến máu để vừa an toàn, vừa giúp người bệnh có đủ máu cho cấp cứu và điều trị.
Đồng thời Viện cũng kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe vừa có trách nhiệm tham gia phòng chống dịch, vừa góp sức chống thiếu máu bằng cách tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu.
ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU 1. Tại Hà Nội
2. Tại TP. Hồ Chí Minh
|
Theo VnExpress.net
Bài viết liên quan
Dịch diễn biến phức tạp, máu cho điều trị cần hơn lúc nào hết
22 Tháng Bảy, 2021Đợt dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ở nước ta lần này đã tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nói chung, trong đó có hoạt động tiếp…
Nửa chặng đường, Hành trình Đỏ chỉ tiếp nhận được 30% lượng máu dự kiến
21 Tháng Bảy, 2021Hành trình Đỏ năm nay đang phải đối mặt với khó khăn chưa từng có khi mới chỉ tiếp nhận được 33.500 đơn vị máu, đạt hơn 30% so với…
Thái Nguyên: Nhiều bệnh nhân khắc khoải chờ máu
20 Tháng Bảy, 2021Khắc khoải trông đợi, lo lắng rồi lại hi vọng… đó là tâm trạng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Thái…
Máu hiến tặng có đến được với người nghèo? – Câu chuyện số 2
16 Tháng Bảy, 2021“Máu hiến tặng có đến được với người nghèo?” Đó là câu hỏi, là nỗi hoài nghi mà bạn có thể bắt gặp ở đâu đó. Còn ở Viện Huyết…