Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Người phụ nữ có số lần hiến máu gấp đôi tuổi đời

39 tuổi, 78 lần hiến máu và các thành phần máu, nữ đảng viên Lê Thanh Nam đã góp phần cứu sống nhiều cuộc đời trước ngưỡng cửa thần chết. Không chỉ tự mình hiến máu, chị còn “truyền lửa” cho hàng ngàn người tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo.

Được cha truyền cảm hứng

Nhớ lại lần đầu tiên đi hiến máu khi 19 tuổi, chị Nam (công tác tại Viện Huyết học truyền máu TƯ), kể, khi đó cảm thấy hồi hộp lắm vì không biết bản thân có đủ điều kiện và sức khỏe để tham gia hiến máu hay không, rồi lại sợ đau vì nghe nói chiếc kim lấy máu… rất to. Rồi lo lắng không biết hiến máu có hại cho sức khỏe không… Nhưng sau lần hiến máu đầu tiên ấy, chị bắt đầu cảm thấy vui vì việc làm của mình sẽ giúp được ai đó khỏe mạnh hơn.

Nói về việc truyền cảm hứng và năng lượng cho bản thân theo đuổi công  tác thiện nguyện, chị Nam không khỏi xúc động khi nhắc đến bố, người đã vượt qua mọi rào cản để dẫn dắt chị những bước đi đầu tiên trên con đường giúp đỡ cộng đồng.

Chị Thanh Nam trong một lần hiến máu

“Bố tôi là người truyền cảm hứng và năng lượng cho tôi tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương khi còn là học sinh cấp 2. Tôi hoạt động tình nguyện nhiều hơn từ năm 1998. Lần đầu tiên tôi đi hiến máu cũng một phần do bố vận động và cùng đến điểm hiến máu. Bố tôi là bộ đội nghỉ hưu, ông là người gây dựng hoạt động tại khu dân cư từ Chi bộ Đảng, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh và Chi đoàn thanh niên khu dân cư. Những ngày đầu ông gây dựng hoạt động thật vất vả và từng “mang danh” là “vác tù và”, “lắm chuyện”, “phiền phức”… Khi ông đến vận động các gia đình cho con cháu đi hiến máu còn bị người lớn xua đuổi, cấm luôn con cháu tham gia hoạt động Đoàn thanh niên tại khu dân cư vì sợ bị “ông ấy lừa đi hiến máu”, chị Nam kể về những ngày đầu khó khăn của hai bố con khi tham gia vận động hiến máu.

Trải qua biết bao vui buồn, đến nay tròn 20 năm gia đình chị đồng hành cùng phong trào hiến máu tình nguyện, bố chị luôn tích cực vận động con, cháu trong gia đình, dòng họ tham gia hiến máu cứu người. Tính đến nay, ông đã vận động được hơn 750 lượt người tham gia hiến máu thành công.

“Trao giọt máu hồng” đã thành thói quen

Là cán bộ của Khoa Vận động và tổ chức hiến máu, Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, công việc chính của chị Nam là làm việc với các đơn vị, cơ quan đề xuất tổ chức hiến máu. Làm công tác vận động hiến máu, chị phải thức khuya dậy sớm, buổi sáng đến các điểm hiến máu ở tỉnh xa; tối đi tập huấn, tuyên truyền cùng các tình nguyện viên vận động hiến máu. Có khi thứ 7, Chủ nhật cũng phải đi tổ chức hiến máu. Thời gian dành cho gia đình vì thế mà cứ ít dần nhưng vì hiểu được công việc của chị là để giúp người nên chồng thông cảm, các con tự lập và ngoan ngoãn. Nhờ đó, chị cũng yên tâm công tác và ngày càng cống hiến hết mình với công việc thiện nguyện. Mỗi ngày nhìn những mảnh đời được cứu sống từ những giọt máu mà chị và đồng nghiệp vận động hiến tặng, chị lại càng có động lực để phấn đấu, để làm tốt công việc và yêu nghề hơn.

Kể về những năm tháng khó khăn trong quãng đường thiện nguyện vận động hiến máu, chị Nam cho biết, trước năm 2004, nhiều người cho rằng tất cả người đi hiến máu là bán máu, là “thèm tiền bán sức khỏe”, song hiểu rõ tầm quan trọng của việc hiến máu, chị vẫn quyết tâm đi đến cùng. Đến bây giờ, mọi người đã hiểu về hiến máu tình nguyện hơn trước nên không còn thành kiến với người hiến máu. Ngày càng có nhiều người ủng hộ hoạt động hiến máu, bằng chứng là số người tham gia hiến máu tình nguyện năm sau cao hơn năm trước, có nhiều người hiến máu trên 2 lần/năm.

Không chỉ “nghiện” hiến máu, chị Nam còn tích cực vận động nhiều người cùng hiến máu

Tuy nhiên, chị Nam vẫn trăn trở: “Việc vận động hiến máu tình nguyện lúc nào cũng khó. Một số người vẫn nghĩ hiến máu ảnh hưởng đến sức khỏe nên đưa ra lý do công việc của mình bận rộn, vất vả, hiến máu xong không làm việc được. Có thủ trưởng đơn vị còn từ chối tổ chức hiến máu vì sợ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, sợ chậm tiến độ sản xuất”.

Hiến máu vừa giúp người bệnh cần máu, vừa giúp mình giữ gìn sức khỏe bản thân – đó là điều mà chị Nam luôn cố gắng tuyên truyền để nhiều người tham gia. Chính bản thân chị cũng là một người “nghiện hiến máu”, bởi làm việc trong môi trường bệnh viện luôn phải chứng kiến những người bệnh cần máu để duy trì sự sống là lý do thôi thúc chị.

“Bệnh nhân ở Viện Huyết học đa dạng, có người lớn, trẻ con, có những bé mới được mấy tháng tuổi đã mắc bệnh hiểm nghèo. Dịp Tết và hè là thời điểm khan hiếm máu, bệnh nhân phải nằm Viện lâu để chờ có máu truyền. Đây cũng là thời gian Viện Huyết học cần phải tổ chức nhiều sự kiện hiến máu để có thêm máu phục vụ bệnh nhân. Đôi lúc tôi cũng mệt, cũng muốn nghỉ ngơi nhưng khi nhìn những mảnh đời ấy, bao nhiêu trong số họ đang trông chờ những giọt máu từ sự nỗ lực của mình, tôi lại tiếp tục lặn lội, tiếp tục vận động…, có lẽ cho đến khi bản thân không còn đi được nữa”, chị Nam chia sẻ.

Hơn 20 năm qua, nghĩa cử trao giọt máu hồng đã thành thói quen trong chị, đơn giản chỉ để sẻ chia những giây phút đáng sống trong cuộc đời cho những người xa lạ…

(Theo Kiều Trang, báo Phụ nữ Việt Nam)

Cảm phục về tấm lòng và nghĩa cử tốt đẹp của chị Nam đối với sự sống của người bệnh cần máu, bác Hoàng Nghĩa Tạc (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã viết thư tay gửi cho chị Thanh Nam với tất cả tình cảm chân thành của mình. Do không rõ địa chỉ cơ quan công tác của chị Thanh Nam, bác Tạc còn ghi rõ ngoài phong bì để nhờ bưu điện hỗ trợ tìm địa chỉ và gửi giúp bức thư. Nội dung bức thư xúc động như sau:

 

Thân gửi đồng chí Lê Thanh Nam!

Thân thưa đồng chí Nam!

Tôi là Hoàng Nghĩa Tạc, 85 tuổi đời, hơn 50 năm tuổi Đảng, nghề làm cầu đường, hồi Mỹ leo thang miền Bắc, mỗi chúng tôi đều có giấy ghi nhận nhóm máu. Tôi nhóm máu O, chưa dùng đến lần nào. Năm 1966, do làm được việc tốt, Bác Hồ thưởng cho tấm huy hiệu “Chủ tịch Hồ Chí Minh” với danh hiệu “Người tốt việc tốt”. Tôi giữ vững danh hiệu cao quý đó. Đọc báo biết đồng chí đã làm việc tốt, tôi coi đồng chí có ý tưởng, tôi gửi lưu niệm đồng chí sách “Đời sống mới” do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết, đồng chí vui lòng nhận cho. Tôi đa tạ đồng chí.

Thân chúc sức khỏe đồng chí cùng quý quyến. Chúng ta đều thực hiện điều [MONG] của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tiến bộ hơn.

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan