Cúm A tăng, Bộ Y tế khuyến cáo 5 biện pháp phòng chống cúm
Theo Bộ Y tế, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Người dân không nên tự ý dùng thuốc Tamiflu điều trị cúm và tự test cúm ở nhà…
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện tại đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, do đó nhiều người mắc bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm mùa (bao gồm cả cúm A).
Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 – 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa, số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè – thu, đông – xuân.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số trường hợp mắc hội chứng cúm thời gian gần đây không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên, số nhập viện có xu hướng gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (không phải chủng độc lực cao). Từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A(H5N1), A(H5N6), A(H5N8), A(H7N9)…).
Tại Hội nghị trực tuyến Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị cần tăng cường giám sát, đặc biệt là giám sát trọng điểm, giám sát phát hiện các trường hợp mắc, ổ dịch cúm mùa. Đồng thời đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng do virus, các chùm ca bệnh cúm tại cộng đồng và bệnh viện để kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám sàng lọc.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo: 1. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. 2. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. 3. Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. 4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. 5. Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe. |
Theo báo SKĐS
Bài viết liên quan
Nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết lớn ở miền Bắc
11 Tháng Bảy, 2022Bệnh nhi T.M.T.(4 tuổi) bị mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng, gia đình đưa từ TP Hồ Chí Minh ra Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội)…
7 quan niệm sai lầm về sốt xuất huyết khiến bệnh dễ trở nặng
16 Tháng Năm, 2022Diễn tiến bệnh sốt xuất huyết phức tạp, khó tiên lượng. Bệnh có thể chuyển nặng ở bất kỳ người nào, bất kỳ lứa tuổi. Do đó, không được chủ…
Hơn 16.000 người trên thế giới mắc bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo 6 biện pháp phòng chống
26 Tháng Bảy, 2022Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập và gây bệnh ở Việt Nam là hoàn toàn có thể do bệnh dịch đã ghi nhận ở nhiều quốc…