Chàng trai tí hon đỗ Đại học Y Hà Nội
Mắc bệnh tan máu bẩm sinh, phải cắt một phần phổi và chỉ cao 1,5 m, nhưng Minh Hiếu vẫn quyết theo đuổi giấc mơ làm bác sĩ.
Những ngày đầu tháng 9, ngôi nhà của gia đình chị Lê Thị Nhung (43 tuổi, ở phường Đông Thọ) nhiều tiếng cười hơn thường lệ. Hoàng Ngọc Minh Hiếu – “cậu học trò tí hon”, con trai chị, mới biết tin trúng tuyển trường Đại học Y Hà Nội.
Với tổng điểm 26,5 ở tổ hợp khối B (Toán 8,8 điểm, Hóa học 8,75, Sinh học 8,5 điểm), Hiếu đăng ký theo học ngành Y học cổ truyền và đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhập học.
Minh Hiếu tự tin vượt qua số phận để hoàn thành giấc mơ làm bác sĩ. Ảnh: Lê Hoàng
Minh Hiếu có dáng người nhỏ thó nhưng đôi mắt sáng. Ở tuổi 18, Hiếu chỉ cao 1,5 m và nặng chưa đầy 40 kg. Vì thế, ở trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, Hiếu được gọi là “cậu bé tí hon”. Dù thân hình bé nhỏ, sức khỏe yếu hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa song nam sinh luôn nỗ lực.
Chị Nhung sinh Hiếu bằng phương pháp mổ năm 2005. Cậu bé mập mạp, phát triển tốt, nhưng chỉ nửa năm sau thì bất ngờ dừng tăng trưởng. Thấy nước da con trai xanh xao, người mẹ đưa con đi khám. Hiếu được kết luận mắc mắc bệnh tan máu bẩm sinh.
“Khi đưa con về phòng điều trị, nhìn những bệnh nhân với khuôn mặt biến dạng đang nằm tại đây khiến tôi gần như sụp đổ. Hai vợ chồng ôm nhau khóc nghẹn”, người mẹ kể. Cặp vợ chồng trẻ sau đó động viên nhau chăm sóc con. Từ đây, mẹ con chị Nhung gắn bó với nhiều bệnh viện, từ tuyến tỉnh đến trung ương, có khi ăn cơm viện nhiều hơn ở nhà…
Dù được áp dụng nhiều phương pháp trị liệu song căn bệnh khiến Hiếu luôn ốm yếu. Cơ thể không hấp thụ được canxi nên cậu bé không thể phát triển bình thường. Ngoài ảnh hưởng chiều cao và cân nặng, căn bệnh mà Minh Hiếu mắc phải có nguy cơ chuyển biến xấu bất kể lúc nào. Chị Nhung bảo nếu không truyền đủ máu và bổ sung dinh dưỡng phù hợp, con trai có thể bị biến dạng khuôn mặt và ảnh hưởng toàn bộ hệ xương khớp.
Minh Hiếu bên em gái và mẹ những ngày trước khi nhập học Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Lê Hoàng
Đều đặn từ đó, chị Nhung đưa con đi bệnh viện truyền máu, điều trị theo y lệnh, mỗi đợt có khi kéo dài cả vài chục ngày. Dù bệnh tật dày vò nhưng Hiếu rất sáng dạ.
Suốt 12 năm học phổ thông, Minh Hiếu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm lớp 8, Hiếu từng đoạt giải nhất môn Vật lý toàn thành phố.
Khi đang học lớp 9, gia đình thấy sức khoẻ Hiếu yếu hẳn vì xuất hiện những cơn ho dai dẳng. Bác sĩ giải thích cậu bé bị viêm phổi do ảnh hưởng của bệnh tan máu bẩm sinh. Sau nhiều tháng điều trị bằng thuốc không hiệu quả, hè năm ngoái cậu buộc phải nhập viện cắt bỏ hai thùy của buồng phổi. Sau ca phẫu thuật, Hiếu liên tục phải uống thêm thuốc thải sắt, bổ gan và tăng cường sức đề kháng…
Người mẹ chia sẻ thêm, sau năm học lớp 11, thấy sức khỏe Hiếu không đảm bảo, quá trình học liên tục bị ngắt quãng nên gia đình bàn tính cho Hiếu thôi học nhưng con trai nhất định không chịu. Cậu quyết tâm lên mạng, tìm sách để học bù phần kiến thức thiếu hụt.
Thầy Lê Mạnh Hùng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12B1, trường THPT Hàm Rồng, nhìn nhận Hiếu là tấm gương sáng, giàu nghị lực. Hoàn cảnh của Minh Hiếu khó khăn nên suốt thời gian theo học, nhà trường đã miễn giảm hầu hết học phí và các khoản đóng góp khác. Học trò lớp 12B1 cũng được thầy chủ nhiệm nhắc nhở thường xuyên động viên, hỗ trợ Minh Hiếu mỗi khi em đến trường.
Minh Hiếu nói dù là học sinh khuyết tật nặng, thuộc diện được miễn thi tốt nghiệp, cậu vẫn đăng ký dự thi để “khẳng định bản thân”. Thời điểm ôn thi tốt nghiệp là giai đoạn rất vất vả nhất, bởi “thời gian ở nhà thì ít mà ở viện thì nhiều”. Hiếu chỉ còn cách mang theo sách vở vào viện, vừa điều trị vừa ôn thi.
Cậu học trò tranh thủ những lúc cơ thể khỏe mạnh là lại vùi đầu vào sách vở. Chỗ nào chưa hiểu, em hỏi thêm thầy cô và nhờ bạn bè hỗ trợ. Hiếu nói không bất ngờ với kết quả thi đại học bởi dự liệu được sức học của bản thân.
Hiếu lên mạng tìm hiểu kiến thức y khoa để chuẩn bị cho hành trình đại học sắp tới. Ảnh: Lê Hoàng
Suốt 18 năm chiến đấu với bệnh tật, song cậu học trò xứ Thanh không cảm thấy tự ti hay buồn tủi. Trái lại Minh Hiếu thấy may mắn khi luôn được bố mẹ yêu thương và đồng hành suốt những năm tháng qua.
Hiếu nói quyết tâm theo ngành y để “hiểu chính cơ thể mình”, có thể tự chăm sóc, nuôi sống bản thân và chữa bệnh cho những người chung cảnh ngộ.
Những ngày đợi ra Hà Nội học, Hiếu lên mạng tìm hiểu thêm kiến thức y khoa. Biết rằng bộ môn Y học cổ truyền gắn với nhiều kiến thức liên quan tiếng Trung, nam sinh cho hay sẽ học thêm ngôn ngữ này để đạt kết quả tốt nhất.
Theo Báo VnExpress
Bài viết liên quan
Tan máu bẩm sinh (thalassemia) là gì và điều trị như thế nào?
28 Tháng Tư, 2021Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu từ năm…
Người bệnh tan máu bẩm sinh nên ăn uống như thế nào?
03 Tháng Sáu, 2020Người bệnh tan máu bẩm sinh thường bị quá tải sắt. Sắt dư thừa này tích tụ trong gan, tim, tinh hoàn/ buồng trứng và tuyến yên, từ đó làm…
Chi phí xét nghiệm máu tổng quát
14 Tháng Mười Hai, 2020Lợi ích của việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm máu tổng quát là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đa số người Việt Nam…