Đau mắt đỏ có hiến máu được không?
Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang lây lan và bùng phát mạnh, đặc biệt tại một số thành phố lớn. Điều này đã gây ảnh hưởng tới nguồn người tham gia hiến máu. Nhiều người có băn khoăn là liệu đau mắt đỏ thì có hiến máu được hay không?
Đau mắt đỏ là gì?
Viêm kết mạc (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm lớp ngoài cùng của phần củng mạc của mắt và bề mặt bên trong của mí mắt.
Triệu chứng thường gặp là mắt có màu hồng hoặc hơi đỏ. Có thể xảy ra đau, rát, trầy xước hoặc cộm ngứa (thường gặp trong các trường hợp dị ứng), chảy nước mắt nhiều hoặc nhiều dử mắt. Một số trường hợp kèm theo triệu chứng sốt, đau họng, ho, hắt hơi, hay cảm cúm đi kèm.
Bệnh thường gặp khi nào?
Đau mắt đỏ là bệnh dễ mắc phải và có thể lan rộng thành dịch. Bệnh thường gặp khi thời tiết chuyển mùa hay mùa mưa bão do đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus phát triển.
Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi: trẻ em, người trưởng thành, người già.
Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ
Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân. Phổ biến nhất là do virus, sau đó là do vi khuẩn hoặc dị ứng.
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Trong phần lớn các trường hợp nhiễm virus, không có phương pháp điều trị cụ thể.
Hầu hết các trường hợp do nhiễm vi khuẩn cũng tự khỏi mà không cần điều trị; tuy nhiên, thuốc kháng sinh có thể rút ngắn thời gian bệnh.
Thông thường, viêm kết mạc có thể khỏi sau một hoặc hai tuần. Nếu mất thị lực, đau nhiều, nhạy cảm với ánh sáng hoặc có dấu hiệu bệnh mụn rộp xảy ra hoặc nếu các triệu chứng không cải thiện sau một tuần, có thể cần phải chẩn đoán và điều trị kéo dài.
Đau mắt đỏ có hiến máu được không?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, để đảm bảo an toàn truyền máu, người hiến máu phải đảm bảo khỏi các bệnh do nhiễm trùng trong ít nhất 14 ngày trước khi hiến máu.
Do đó, các trường hợp viêm kết mạc do vi khuẩn hoặc không rõ nguyên nhân cụ thể thì có thể hiến máu sau tối thiểu 14 ngày kể từ khi khỏi bệnh hoàn toàn và sau tối thiểu 07 ngày kể từ khi ngừng kháng sinh. Nếu việc khỏi bệnh và ngừng kháng sinh đồng thời thì thời gian trì hoãn áp dụng chung là 14 ngày.
Quý vị sẽ không được được tham gia hiến máu nếu đang bị viêm hoặc nhiễm trùng mắt, bao gồm: viêm kết mạc, tăng nhãn áp cấp tính, viêm mống mắt hoặc viêm củng mạc.
Các biện pháp phòng đau mắt đỏ
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang.
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh.
- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.
-
Bài viết liên quan
Hết F0 bao lâu thì được hiến máu?
25 Tháng Hai, 2022Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 không ngừng tăng nhanh trên cả nước, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vừa cập nhật một số nội dung trong…
Hiến tiểu cầu – bạn có biết?
22 Tháng Một, 2020Bên cạnh hiến máu, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến việc hiến tiểu cầu. Vậy hình thức này có khác gì so với hiến máu toàn phần…
Lưu ý trước và sau hiến máu
13 Tháng Bảy, 2021Hiến máu là hành động cao đẹp, giúp mang đến món quà sức khỏe vô giá cho người bệnh. Những lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn giữ sức khỏe…