“Xuân sum vầy – Tết sẻ chia”: Những giọt Xuân hồng
(NLĐO) – Cảm ơn những giọt máu hồng nhỏ bé mà đôi khi tạo nên những điều kỳ diệu lớn lao!
Những “thiên sứ”
“Với mỗi chúng ta, Tết đang đến rất gần, nhưng với người bệnh, Tết còn xa lắm!” Đó là thông điệp mà tôi nhận được qua mail từ Viện huyết học – Truyền máu Trung ương kêu gọi mọi người đi hiến máu vào ngày “Chủ nhật đỏ” 28/1/2024.
Nếu chưa từng trải qua thì khó ai có thể hình dung ra được đầy đủ cái cảm giác khi người thân của mình mắc bệnh hiểm nghèo và phải đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Lo lắng không yên và sợ hãi tột cùng là cảm xúc của tôi khi ấy. Chỉ vài tiếng đồng hồ chờ đợi trước cửa phòng mổ của mẹ mà thấy dài đằng đẵng ngỡ như cả ngàn ngày.
Đó là vào mùa Xuân năm 2006, mẹ tôi được phát hiện ung thư và phải cắt bỏ toàn bộ dạ dày. Sau khi phẫu thuật thành công còn phải đối mặt với quá trình hóa trị liệu kéo dài mà đi kèm với nó là vô số những phản ứng phụ không mong muốn. Mẹ sút cân chỉ còn hơn 30 kg, đầu rụng không còn một sợi tóc nào, thể lực yếu và thường xuyên thiếu máu. Khi thì thiếu hồng cầu, khi bạch cầu giảm, lúc lại cần phải truyền huyết tương hoặc chế phẩm máu khác.
Tôi hay nói đùa rằng mẹ là “người tình của bệnh viện” khi phải liên tục ra vào chốn đó. Mẹ mang trên mình không ít chứng nan y, ung thư đã đành còn bị sỏi phải cắt bỏ túi mật, zona thần kinh vùng đầu biến chứng và gần đây nhất là lao phổi phải điều trị dài ngày.
Cho đi mà không cần nhận lại
Sau bấy nhiêu lần cùng mẹ đi “chinh chiến” ở khắp các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến trung ương, tôi nhận thấy máu là một thứ “thần dược” có thể cải tử hoàn sinh mà rất nhiều người cần. Có không ít trường hợp người bệnh tử vong một cách vô cùng đáng tiếc chỉ vì thiếu máu.
Qua đó, tôi hiểu được rằng hoạt động hiến máu là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhất là trong những dịp cao điểm như những ngày giáp Tết. Nó không chỉ mang lại cuộc sống cho người bệnh mà còn có cả hạnh phúc của chính mình, thứ hạnh phúc được cho đi mà không cần nhận lại.
Người dân đến tham gia hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW chiều 25 Tết (ảnh: Hạnh Toàn).
Lúc này, ở miền Bắc đang phải trải qua những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, rồi những bữa tiệc tùng tất niên khiến nhiều người bị ảnh hưởng sức khỏe. Mật độ tham gia giao thông cận Tết tăng cao, một số người lái xe trong tình trạng say xỉn hoặc mệt mỏi và buồn ngủ dẫn đến gây tai nạn… Số lượng người nhập viện vì thế cũng tăng lên theo.
Nhưng nghịch lý là lượng máu dự trữ lại khan hiếm hơn ngày thường. Chính vì thế mà các trung tâm huyết học kêu gọi hiến máu để dự phòng cũng là điều cần làm. Sở dĩ, tôi nhận được thư mời do là người được bệnh viện “biết tên” qua một số lần hiến máu trước đây. Hơn nữa, tôi có nhóm máu O, nhóm máu có thể cho được tất cả mọi người nhưng chỉ nhận được chính nó mà thôi. Vậy nên lượng máu thuộc nhóm O lúc nào cũng thiếu.
Tết đến, Xuân sang ai cũng muốn trở về nhà để được sum vầy vui vẻ cùng gia đình, người thân, bạn bè, làng xóm. Nhưng đôi khi niềm mong ước giản dị ấy lại rất xa xôi với những người bị rơi vào hoàn cảnh rủi ro ốm đau, bệnh tật và tai nạn. Lúc đó cần lắm một phép màu.
“Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Mẹ tôi đã ở lại với cuộc đời này nhờ tấm lòng của những người xa lạ. Tôi muốn trả ơn họ bằng cách cho đi những giọt máu của mình để níu giữ những cuộc đời xa lạ khác. Và biết đâu rất nhiều người trong số họ lại tiếp tục trả ơn cuộc đời theo cách ấy. Và sự sẻ chia sẽ được nhân lên không ngừng nghỉ.
Vì một lý do liên quan đến sức khỏe nên tôi không thể tham gia hiến máu đúng ngày “Chủ nhật đỏ” được nhưng tôi sẽ thực hiện điều đó ngay khi có thể. Mong mùa Xuân ấm áp đến với tất cả mọi người.
(Theo báo Người lao động, bài do độc giả gửi về)