Giới thiệu Khoa Điều chế các thành phần máu
I. Giới thiệu chung
1. Địa chỉ: Tầng 3, nhà T, Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
2. Điện thoại: 024.37821895, số máy lẻ 305 hoặc 586.
3. Email: dieuchetpm.2017@gmail.com.
4. Lãnh đạo khoa:
- Trưởng khoa: ThS. Võ Thị Diễm Hà
- Phó trưởng khoa: ThS. Đỗ Thị Hiền, ThS. Trần Thị Thủy
- Kỹ thuật viên trưởng: KTV. Mẫn Thị Anh Kim
5. Số cán bộ, nhân viên: 77
II. Lịch sử hình thành và phát triển
- Năm 1984, tổ sản xuất thuộc phòng truyền máu được thành lập có nhiệm vụ điều chế các chế phẩm từ máu do DS. Nguyễn Thị Kim Hoa là người phụ trách đầu tiên. Mặc dù điều kiện khó khăn, vẫn thực hiện điều chế các chế phẩm máu bằng chai thủy tinh, các chế phẩm máu chủ yếu gồm Khối hồng cầu, huyết tương tươi, huyết tương giàu tiểu cầu, hồng cầu rửa, gạn và thay huyết tương.
- Năm 1995, do BS. Phạm Tuấn Dương phụ trách, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc áp dụng và chuyển đổi công nghệ điều chế các thành phần máu từ chai thủy tinh sang túi dẻo đơn, thực hiện điều chế nhiều loại chế phẩm mới như Khối tiểu cầu, tủa lạnh giàu yếu tố VIII. Ngoài ra, còn sản xuất các sinh phẩm phục vụ cho chuyên môn như huyết thanh mẫu, hồng cầu mẫu và dung dịch bảo quản hồng cầu.
- Năm 1999 – 2004, đổi tên thành khoa sản xuất các chế phẩm máu và có tên khác như khoa Chế phẩm máu, khoa Điều chế các thành phần máu, áp dụng chuyển đổi túi đơn bằng hệ thống túi đôi, túi ba để thực hiện điều chế khối tiểu cầu bằng phương pháp buffy coat nhằm loại bỏ tối đa bạch cầu trong chế phẩm máu, tiết kiệm được nguồn nguyên liệu, cải thiện an toàn truyền máu và hiệu quả trong điều trị bệnh.
- Từ năm 2007 đến nay, ThS. DS. Võ Thị Diễm Hà là trưởng khoa Điều chế các thành phần máu, áp dụng điều chế bằng hệ thống túi dẻo bộ bốn, kín hoàn toàn. Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật về truyền máu ra đời, các chế phẩm máu được điều chế trên dây chuyền đồng bộ, công nghệ và trang thiết bị hiện đại; chất lượng chế phẩm máu được nâng tầm, đáp ứng các quy định theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; số lượng và chủng loại chế phẩm máu đa dạng, đáp ứng và phục vụ kịp thời cho nhu cầu sử dụng tại các bệnh viện.
- Từ năm 2015 đến nay, Khoa Điều chế các thành phần máu đã áp dụng và thực hiện tách các thành phần máu bằng hệ thống máy ép tách máu tự động, phần mềm quản lý để dán nhãn tự động theo xu thế của sản xuất công nghiệp, nhằm tăng năng suất điều chế từ 1500 – 2000 đơn vị máu/ngày; tăng số lượng các chế phẩm máu mới được điều chế lọc và loại bỏ bạch cầu như khối tiểu cầu lọc bạch cầu, khối hồng cầu lọc bạch cầu phục vụ cho bệnh nhân có nhu cầu ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tạng.
III. Chức năng, nhiệm vụ
- Tham mưu cho Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo Trung tâm Máu Quốc gia về các nội dung, hoạt động chuyên môn, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều chế các thành phần máu.
- Điều chế các chế phẩm máu và chế phẩm huyết tương.
- Điều chế các chế phẩm phục vụ công việc xét nghiệm.
- Đảm bảo chất lượng chế phẩm máu an toàn.
- Thực hiện kiểm tra chất lượng máu và các chế phẩm máu.
- Đảm bảo an toàn cho nhân viên và môi trường xung quanh; phòng chống cháy nổ, lây truyền bệnh.
- Quản lý trang thiết bị, vật tư theo đúng quy chế quản lý, sử dụng, bảo quản thiết bị, vật tư y tế.
- Nghiên cứu khoa học về lĩnh vực điều chế các chế phẩm máu và huyết tương.
- Tham gia đánh giá chất lượng túi máu và chế phẩm máu theo yêu cầu.
- Tham gia đào tạo cán bộ trong lĩnh vực điều chế các chế phẩm máu.
IV. Một số thành tích nổi bật
- Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2017)
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012)
- Bằng khen của Bộ Y tế (các năm 2009, 2010, 2011, 2012, 2015, 2016, 2018, 2019)
- Bằng khen của TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (năm 2010, 2014)
- Bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam (năm 2012)