Chuyện bệnh nhân coi bệnh viện là… nhà
Bệnh viện không thể là nhà! Điều đó vẫn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người dân. Song thực tế, nhiều bệnh nhân coi bệnh viện như nhà, đơn giản vì đó là thời gian họ “sống” trong bệnh viện dài như ở nhà, họ được y, bác sĩ chăm sóc ân cần, chu đáo như những người thân…
Anh Đỗ Hải Châu (bệnh tan máu bẩm sinh, Hà Nội) đang điều trị bệnh tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ: “Các bác sĩ, điều dưỡng ở đây coi bệnh nhân như người nhà, quan tâm như con cháu. Chăm sóc hàng trăm bệnh nhân nhưng vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ về sức khỏe của từng người. Chúng tôi là những bệnh nhân cả cuộc đời phải gắn liền với bệnh viện, nên những chia sẻ, giúp đỡ của các y bác sĩ là sự cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn”.
Hay anh Lâm Tiến Bình (bệnh rối loạn sinh tủy, Lạng Sơn) đã rất tuyệt vọng khi biết bệnh. Sau quá trình điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, năm 2008, anh Bình được ghép tế bào gốc thành công. Đến nay, anh chỉ phải đến Viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhưng anh luôn suy nghĩ: “Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là ngôi nhà thứ hai của tôi trên đời này”.
“Chăm sóc bệnh nhân tại phòng bệnh”
Không chỉ bệnh nhân ghi nhận phong cách giao tiếp, ứng xử của y, bác sĩ của Viện, mà chính người nhà bệnh nhân cũng có chung cảm nhận tốt đẹp đó. 3 năm dài chăm sóc vợ bị bệnh máu hiểm nghèo, điều trị tại Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, anh Phạm Quang Nam (Gia Viễn, Ninh Bình) nhận được đầy đủ sự ấm áp, ân tình của y bác sĩ bệnh viện, anh cho biết: “Trong thời gian dài (03 năm) điều trị, vợ tôi đã được khám, chữa bệnh, chăm sóc, tư vấn tận tình chu đáo của các y bác sĩ, điều dưỡng trong khoa… Ai ai cũng cởi mở, nói năng nhẹ nhàng, lịch sự, tác phong làm việc lành mạnh, nhanh chóng trong mọi việc để phục vụ chăm sóc bệnh nhân… Không những vậy, cơ sở vật chất của Viện để phục vụ cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đầy đủ, chu đáo, phục vụ ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ, tôi cảm nhận như là ngôi nhà thứ 2 của gia đình tôi vậy”.
Đón tiếp bệnh nhân tại Khoa khám bệnh của Viện
Những nhận định tốt đẹp của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân dành cho cán bộ, y bác sĩ là động lực quan trọng hỗ trợ công tác điều trị, khám chữa bệnh. Do vậy, công tác chăm sóc, điều trị cho người bệnh, người hiến máu cũng như thái độ giao tiếp, ứng xử phù hợp sẽ là một trong những phương pháp góp phần hiệu quả cho công tác điều trị bệnh của bệnh nhân. Nhận thức rõ vai trò quan trọng của vấn đề giao tiếp, ứng xử trong bệnh viện, chiều ngày 06/10, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức hội nghị triển khai và ký cam kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài long của người bệnh và người hiến máu”. Đây là một chương trình được phát động rộng khắp toàn ngành y tế theo Quyết định số 2151/QĐ – BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW đã bày tỏ: “Theo quan điểm của cá nhân tôi cũng như tập thể cán bộ, nhân viên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, đây là chủ trương rất đúng, rất cần thiết và cần triển khai quyết liệt trong toàn ngành Y tế”.
Từ nhiều năm qua, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã triển khai các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, cũng như thái độ phục vụ người bệnh trong cán bộ, nhân viên của Viện như: “Mỗi tháng rèn một việc”, “Mỗi người làm những việc tốt vì người bệnh”, “Nói lời cảm ơn thân thiện với bệnh nhân và người hiến máu” hay tổ chức các cuộc thi hưởng ứng cuộc phát động “Tuyên truyền thực hiện quy tắc ứng xử trong ngành Y tế”…
Lễ ký cam kết và triển khai “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh và người hiến máu”
Tiếp nối những việc đã làm được trong thời gian qua, kết hợp thực hiện chủ trương của Bộ Y tế trong việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, chúng ta tin tưởng rằng sẽ tiếp tục đem lại sự hài lòng, thoải mái cho người người bệnh, để người bệnh thực sự cảm thấy “như ở nhà” khi đến với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương.
Trương Hằng – Lý Hảo, ảnh Vương Tuấn