Chuyện cảm động ở bệnh viện Bài 2: Thương “người dưng” như người thân
Cụ bà hơn 70 tuổi đã 5 năm tất tả với niềm vui vận động cộng đồng quyên góp hỗ trợ người bệnh. Một người mẹ có con bị bệnh tan máu bẩm sinh, đi bệnh viện nhiều hơn ở nhà, không màng đến khó khăn của bản thân, san sẻ bất hạnh với nhiều người dưng như với người thân… họ đang làm cho cuộc sống trở nên nhân ái hơn.
Suốt năm 5 qua, bà Đào Thị L. – người phụ nữ ngoài 70 tuổi đã cố công kết nối các tấm lòng từ thiện đến với người bệnh Viện Huyết học – Truyền bằng những suất ăn ấm lòng. Cứ mỗi sáng thứ bảy hoặc chủ nhật, hàng trăm người bệnh được đón nhận những chiếc bánh mì nóng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Câu chuyện về những chiếc bánh mì của bà L. chứa đựng tâm và sức của bà. Đó là sự kì công đi tìm lò bánh mì ít bột nở, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi giữ nóng trong cả quãng đường dài vận chuyển từ Minh Khai đưa đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Rồi không chút mệt mỏi, bà và các thành viên nhóm Chân Tâm đến từng phòng bệnh trao tận tay người bệnh món ăn bình dị.
Nhiều người từ thiện dành dụm lương hưu chia sẻ với người bệnh (ảnh Vương Tuấn)
Ở tuổi ngoài 70, bà L. xứng đáng được hưởng tuổi già an nhàn bên con cháu, nhưng yêu thích công việc từ thiện, bà đã dành tình thương dành cho người bệnh “dưng” như với người thân. Những chiếc bánh mì đến được tay bệnh nhân, bà dã phải kiên trì 2 tháng trời gọi điện cho người chủ lò bánh mì để mua được hàng ngon, đảm bảo, bà không chọn chỗ khác vì đã biết chắc chỉ ở nơi đó mới có bánh mì đảm bảo cho người bệnh. Và việc không gọi được điện thoại cho chủ bánh mì vì “số điện thoại lạ người chủ đó không nghe”.
Câu chuyện của chị Phạm K.A.(Hà Nội), mẹ một bệnh nhân bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) khiến nhiều người xúc động. Mặc dù, kinh tế gia đình không khá giả, có con bị bệnh phải gắn cuộc đời với bệnh viện cũng gian nan như bao gia đình bệnh nhân Thalassemia khác, “có khi con vừa ra viện đã trực chờ vào lại” – chị K.A nói.
Một trong nhiều status chị K.A kêu gọi giúp đỡ bệnh nhân
Trong những ngày đưa con đi điều trị, chị K.A thấu hiểu hơn những hoàn cảnh khó khăn quanh mình, “có nhiều đứa bé ở miền núi xuống điều trị, nhìn rất thương, quần áo không có, ăn uống cũng không đủ bữa. Chúng cũng bằng tuổi con tôi, có cháu nhỏ hơn, nhìn không cầm lòng được”. Chưa hết, có người mẹ chỉ mới mười tám đôi mươi, lấy chồng sớm, sinh con bị bệnh đi điều trị, nhưng chưa biết chăm sóc con, chị K.A luôn hướng dẫn, giúp đỡ họ chu đáo. Đồng cảm khó khăn của người bệnh quanh mình, khiến chị như quên đi căn bệnh chính con chị đang mang để luôn là “chỗ dựa tinh thần” của nhiều bà mẹ có con bị bệnh ở Trung tâm Thalassemia, VHH. Không những vậy, chị vẫn thường xuyên chia sẻ số tiền tiết kiệm cho những bữa ăn của các em bé trong Viện thêm phần đầy đủ. Ngoài ra, chị K.A còn hỗ trợ Trung tâm Thalassemia và phòng Công tác xã hội thu thập thông tin về hoàn cảnh bệnh nhân gặp khó khăn để có cách hỗ trợ họ tốt nhất.
Việc làm nhỏ xuất phát từ tấm chân tình của chị K.A san sẻ cho người bệnh khổ hơn mình bởi, “những người bệnh thalassemia đi viện quanh năm, nên dễ trở thành người thân, giúp họ đôi chút chính mình cũng được động viên” – chị K.A chia sẻ.
Mỗi ngày, nhiều tin tức ảm đạm, chết chóc, đâm chém, hại nhau… được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, mang đến nỗi bất an, lo sợ… thì ở nơi “bất an nhất” như bệnh viện vẫn thấy an lòng, bởi mỗi người tốt như chị K.A, như bà L… đang tự làm cho nơi đây trở nên bình yên hơn, thân thiện hơn. Và họ là một số trong hàng trăm tấm lòng nhân ái đang góp sức chia sẻ cho người bệnh khổ, cho cuộc sống thêm nhiều việc tốt.
Chi Mai