Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

“Tôi đặt mục tiêu hiến máu đến lần thứ 100”

Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam là điển hình trong công tác xã hội, thiện nguyện của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung, Thái Lan nói riêng tại Việt Nam. Hàng năm, C.P. Việt Nam có rất nhiều chương trình thiện nguyện, hướng về cộng đồng, đền ơn Tổ quốc, một trong những hoạt động nổi bật nhất là hiến máu tình nguyện.

Báo Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông Chinoros Benjachavakul, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, được coi là một trong những người nước ngoài hiến máu nhiều nhất Việt Nam.

Ông Chinoros Benjachavakul, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam.

Hiến máu thiện nguyện như là thái độ sống với cộng đồng

Ông tham gia hiến máu nhân đạo từ khi nào và điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

– Từ lúc 18 tuổi, thời còn là sinh viên đại học ở Thái Lan, tôi đã tham gia hiến máu nhân đạo. Lúc ấy, trường tôi học gần bệnh viện nên được thấy những bệnh nhân có hoàn cảnh kém may mắn, cần máu để điều trị. Do đó, tôi thực hiện hiến máu với mong muốn sẽ giúp đỡ được những người bệnh. Tôi nghĩ việc hiến máu của mình mang lại nhiều ý nghĩa, vì thế mà trong các chương trình hiến máu do nhà trường phát động tôi thường xuyên tham gia. Từ đó, tôi luôn có tâm niệm phải hiến máu tình nguyện và tôi liên tục hiến máu, cách 3 tháng/lần.

Sau này, làm việc ở Tập đoàn C.P. tại Thái Lan cũng như Việt Nam thì tâm niệm đó của tôi vẫn giữ vững. Đặc biệt ở Việt Nam, tôi đã tham gia hiến máu tại nhiều địa phương khác nhau trên cả nước, cả ở những vùng sâu, vùng xa. Và không chỉ hiến máu mà nhiều chương trình thiện nguyện khác về y tế, tôi cũng hay tham gia.

Ông Chinoros Benjachavakul tham gia Ngày hội hiến máu Hành trình Đỏ.

Từ khi sang Việt Nam, ông nhận thấy tinh thần hiến máu nhân đạo trong cộng đồng có sự chuyển biến ra sao?

– Tôi ở Việt Nam năm nay đã là năm thứ 20. Từ khi sang Việt Nam, tôi cùng với ban lãnh đạo công ty thường xuyên tổ chức cho nhân viên hiến máu nhân đạo. Cách đây gần hai thập niên, tại Việt Nam hiến máu nhân đạo còn chưa được hưởng ứng rộng rãi và nói đến hiến máu là nhiều người còn e dè. Trong khi đó ở Thái Lan, việc hiến máu được coi là bình thường và tự nhiên.

Ban đầu, khi tổ chức các chương trình hiến máu nhân đạo có không nhiều nhân viên hưởng ứng, thế là ban lãnh đạo công ty làm gương, từ quản lý cấp cao cho đến người giữ chức vụ chủ chốt, cả người Việt Nam cũng như Thái Lan.

Dần dần sự hưởng ứng từ nhân viên, người lao động tăng lên nhanh và thậm chí có những chương trình số người đăng ký vượt qua kỳ vọng của chúng tôi. Trong rất nhiều chương trình hiến máu với quy mô cả nước, đến những cuộc vận động hiến máu của địa phương tại các địa phương mà công ty đang đầu tư, đều dễ dàng nhìn thấy màu áo hồng tình nguyện từ C.P. Việt Nam đến tham dự và cùng hiến máu.

Đó là riêng trong C.P, còn ở Việt Nam bây giờ cũng thay đổi nhiều, phong trào hiến máu nhân đạo được người dân quan tâm nhiều hơn. Nhiều tổ chức, chương trình hiến máu được thực hiện trên khắp cả nước và đó là điều đáng mừng.

Là người nước ngoài hiến máu ở nhiều địa phương của Việt Nam nhất, ông Chinoros Benjachavakul – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam kỷ niệm lần hiến máu thứ 54 của mình tại điểm hiến máu cố định Bệnh viện Nông nghiệp. 

Nếu có mong muốn trong công tác hiến máu và tinh thần tự nguyện, với ông là gì?

– Tại C.P. Việt Nam, mỗi lần công ty hay các đơn vị khác tổ chức hiến máu, mình vừa là người tổ chức vừa là tình nguyện viên tham gia hiến máu, tôi cảm thấy rất vui. Quan trọng hơn là việc làm của mình sẽ lan tỏa đến nhiều thanh niên, bạn trẻ và người dân cùng chung tay hiến máu, nâng cao trách nhiệm và nhận thức của mỗi người.

Tuy nhiên, nếu có điều gì đó thì tôi mong muốn rằng với những người hiến máu tình nguyện, nên đặt ra mục tiêu cho mình một cách tự nguyện. Hãy coi đó là một thói quen chứ không đợi đến lúc có những chương trình do cơ quan, đoàn thể tổ chức. Với cá nhân cũng có thể hiến độc lập và đặt lộ trình cho mình, coi hiến máu như là nghĩa vụ phụng sự xã hội. Đến nay, với bản thân tôi cũng đã có 60 lần hiến máu ở cả Thái Lan lẫn Việt Nam. Trong đó, riêng ở Việt Nam tôi có 34 lần. Tôi cứ đặt mục tiêu cho mình sau 3 tháng là sẽ hiến máu từ thiện và cố gắng thực hiện. Hy vọng rằng trong suốt cuộc đời mình, tôi có thể hiến máu đến lần thứ 100 (cười), đó cũng coi như là chút đóng góp của bản thân cho xã hội.

Ông Chinoros Benjachavakul, Phó tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, là một trong những người nước ngoài hiến máu nhiều nhất Việt Nam.

Làm việc tại Việt Nam, Đồng Nai đã 20 năm, ông nhận thấy công ty đã có bước phát triển ra sao?

– Khi mới đến Việt Nam, tôi làm việc tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom). Lúc ấy, xung quanh còn toàn là vùng cao su, chưa phát triển như ngày nay và C.P. Việt Nam mới có 3 ngàn nhân viên. Con số ấy ngày nay đã là 30 ngàn lao động, tức là đã phát triển lên 10 lần về quy mô, hiện diện tại nhiều địa phương của cả nước.

Doanh nghiệp phát triển được như hôm nay là nhờ có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các địa phương và nỗ lực của cán bộ, nhân viên của công ty. Nhiều năm qua, C.P. Việt Nam luôn hướng đến phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích cho đất nước, nhân dân và công nhân viên, công ty. Do đó, chúng tôi có Quỹ Hỗ trợ từ thiện C.P. Việt Nam và thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện khác bên cạnh hiến máu nhân đạo. Điều này khẳng định nỗ lực của C.P. Việt Nam trong sự phát triển chung của đất nước, góp phần xây dựng hình ảnh một doanh nghiệp lớn có trách nhiệm với cộng đồng.

Hai thập niên ở Việt Nam là cả quãng đường dài, ông có thể kể lại một số ấn tượng, nỗ lực, cống hiến của mình?

– Kỷ niệm thì có nhiều bởi mình làm việc, công tác trên nhiều tỉnh, thành của Việt Nam. Nhờ sự lớn mạnh của phong trào thiện nguyện trong công ty cũng như chương trình hiến máu nhân đạo, từ thiện mà chúng tôi có dịp được làm việc với những đơn vị, nhất là các cơ quan về y tế, thiện nguyện.

Mỗi lần được theo chân các đoàn thiện nguyện, đoàn y tế đi tặng quà, khám chữa bệnh cho người dân, tôi rất vui. Nhưng tên Thái Lan của tôi rất dài nên khó ai mà nhớ được, vì thế tôi được gọi với cái tên thuần Việt Nguyễn Bá Tý (được anh trai kết nghĩa Bác sĩ Nguyễn Bá Tĩnh – Bệnh viện K Tân Triều đặt cho) . Nhiều người hay nói, là người nước ngoài có nhiều “sổ đỏ” nhất Việt Nam. “Sổ đỏ” của tôi nói một cách đúng nghĩa nhất, là những gì mà bản thân cố gắng, đóng góp vào phong trào hiến máu.

Đã sống lâu năm ở Việt Nam, có thể coi đây là quê hương thứ 2 của mình, ấn tượng mà ông cảm nhận rõ nhất về Việt Nam và tương lai phía trước của đất nước?

– Đoàn kết và yêu nước là một tinh thần rất đáng quý của người Việt Nam. Chúng ta có thể thấy qua những đợt thiên tai vừa rồi, người dân khắp cả nước chung tay ủng hộ vùng bị ảnh hưởng. Điều khiến tôi và nhiều người nước ngoài ấn tượng nhất là hình ảnh những chiếc ô tô nối đuôi nhau che chắn cho những chiếc xe máy nhỏ bé di chuyển trong cơn bão đã lan tỏa trên mạng xã hội gây xúc động mạnh. Tinh thần đoàn kết, yêu nước là tài sản quý giá của người Việt Nam.

Những người trẻ ở Việt Nam rất tài năng và có tinh thần phát triển. Cả nước có Đoàn thanh niên, có Hội Liên hiệp thanh niên quy tụ sức mạnh tuổi trẻ. Những điều đó cũng đã đủ để thấy tương lai Việt Nam sẽ rất phát triển.

Theo Báo Đồng Nai

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan