Tai họa ập đến, chồng chị vừa chăm con, vừa kiếm tiền chi trả viện phí cho vợ, có những lúc anh phải nghỉ làm đi chăm vợ. Cháu lớn mới học lớp 2, cháu chỉ biết mẹ bị ốm chứ không biết mẹ bệnh nặng. Cứ mỗi lần mẹ sắp đi viện, cháu lại thủ thỉ: “Mẹ ơi, con chẳng muốn mẹ đi đâu, mẹ ở nhà với con”. Còn cháu bé mới được 5 tháng tuổi khóc suốt đêm.
Trân trọng từng ngày được sống
Mỗi đợt điều trị hóa chất, chị luôn tự nhắc mình: “Bản thân nghĩ mệt thì nó mệt, dần dần việc đó thành quen, truyền hóa chất như đi chơi”. Những khi bi quan chán nản, chị lại cố gắng suy nghĩ theo hướng tích cực: “Số phận mỗi người, ông trời cho ai khỏe mạnh thì người ấy hưởng, còn mình bệnh tật thì mình hãy chấp nhận. Bây giờ cố gắng ăn uống, mình phải lạc quan lên mà đấu tranh, được ngày nào hay ngày đấy, trân trọng từng ngày được sống. Bi quan chỉ càng thấy cuộc sống mình ngắn ngủi thêm. Mình bi quan đâm ra người nhà mình cũng chán.”
Không chỉ tự động viên mình, chị còn động viên cả người thân. Có lần ở nhà, chị rất mệt và nôn ra toàn máu đông. Mẹ chồng chị thương con, thương hai đứa cháu còn thơ dại cứ thế ngồi khóc nức nở. Thấy vậy, chị nói với bà: “Con bị bệnh, con còn không khóc thì mẹ làm sao phải khóc”.
Khi nằm viện, giữa những đợt truyền hóa chất, chị còn tranh thủ kết những cành hoa phalê, cắm hoa để bán. Người bệnh nằm viện là để chữa bệnh, để nghỉ ngơi nhưng chị vẫn không ngừng làm việc, đó vừa là niềm đam mê, vừa giúp chị có thêm thu nhập, chi trả một phần viện phí, đỡ đần cho gia đình.
Các chị em trong cùng phòng bệnh với chị Viện hàng ngày vẫn tay tiêm truyền, tay cùng nhau giúp chị Viện kết hoa, cắm hoa. Tuy rằng bệnh viện là nơi “Về nhà rồi không muốn lên”, nhưng các chị đã biến phòng bệnh thành ngôi nhà chung và ai cũng có cảm giác “Lên rồi không muốn về”.
Các chị thực sự luôn “sống như những đóa hoa”, tươi thắm và tiếp tục tô điểm cho cuộc đời như chính những giỏ hoa mà chị đã kết lên bằng đôi tay vừa mới tiêm truyền.
Theo Trương Hằng- Vân Anh ( Báo Lao động)