Điều ước giản dị ngày cuối năm
Không khí ngày xuân đang dần gõ cửa. Ở Viện Máu, những “chiến binh nhí” cũng chung niềm mong ước được về bên bếp lửa hồng nấu bánh chưng, được diện quần áo mới.
Trong ký ức của em Phạm Minh Quang (Tuyên Quang), cái Tết cách đây 6 năm vô cùng đáng nhớ. Đó là năm Quang phát hiện mình bị ung thư máu. Cậu bé phải ở lại điều trị qua Tết. Bên cạnh hai mẹ con là nhiều bạn nhỏ cũng đang điều trị ung thư. Viện trở nên thưa người hơn so với ngày thường.
Có quà bánh, có lì xì năm mới của các nhà hảo tâm trao tặng giúp các em nhỏ và nhiều người bệnh có thêm tình cảm ấm áp. Trong lòng cậu bé 9 tuổi khi ấy càng trào dâng nỗi nhớ gia đình, nhớ ông bà, nhớ bố và chị gái. Nghĩ về những ngày mẹ vất vả chăm sóc sớm khuya, đôi mắt Quang ánh lên niềm biết ơn vô hạn.
“Con yêu mẹ!”, Minh Quang dõng dạc nói.
Năm nay, Quang mong được về gói bánh chưng cùng mẹ và bà. Tết quây quần trông nồi bánh chưng, rồi mặc quần áo mới đi chơi, được hít hà hương thơm ngày xuân tươi mới. Nghĩ đến đây, cậu bé trở nên háo hức.
“Con muốn nhanh khoẻ để về ăn Tết” là điều ước giản đơn của em Ngô Kim Thanh (Bắc Giang). Tết đối với Kim Thanh là cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa, trang trí cây đào, cây quất, theo mẹ đi chợ Tết.
BSCKI. Trần Thanh Tùng (bác sĩ khoa Bệnh máu trẻ em) cho biết thông thường, bệnh nhi phải ở lại Tết thuộc diện mới được chẩn đoán bệnh và trong đợt điều trị hoá chất hoặc những bệnh nhi đã điều trị lâu năm và gặp tình trạng nhiễm khuẩn hoặc tái phát, diễn biến nặng như viêm phổi, thể trạng yếu… Những ngày Tết, việc điều trị của người bệnh vẫn diễn ra như ngày thường. Các kíp trực bàn giao và theo dõi người bệnh sát sao.
Về phần mình, bác sĩ Tùng cho rằng trực Tết là điều bình thường bởi đó là công việc hàng ngày của các y bác sĩ. Có đôi lúc công việc vất vả hơn, cũng có khi nhớ nhà nhưng trách nhiệm công việc, tình yêu thương của y bác sĩ dành cho người bệnh đã khiến những mệt mỏi dường như tan biến.
Bác sĩ Tùng cũng tỏ rõ sự yên tâm khi các hoạt động công tác xã hội luôn được thực hiện tốt. Người bệnh ra viện hay ở lại viện ăn Tết đều được các đơn vị hảo tâm thăm hỏi và tặng quà. Điều đó hỗ trợ không chỉ về mặt vật chất mà giúp động viên tinh thần người bệnh cũng như những người chăm sóc.
BSCKI. Trần Thanh Tùng luôn cố gắng tạo tinh thần vui vẻ khi thăm khám cho bệnh nhi.
Bác sĩ cũng chân thành bày tỏ nỗi thấu hiểu với gia đình các bệnh nhi. Đôi khi, người buồn vì cái Tết xa nhà không phải là bệnh nhi mà chính là bố mẹ các cháu. Bác sĩ thường dí dỏm trò chuyện mỗi lúc thăm bệnh để bệnh nhi và bố mẹ cảm thấy gần gũi, tinh thần thoải mái hơn khi gặp bác sĩ điều trị. “Những ngày này, các cháu ở lại viện thường đã nằm đây 1 – 2 tháng hoặc nhiều đợt hơn. Nếu không có diễn biến nặng thì các cháu vẫn chơi đùa với nhau. Các cháu còn ra chơi đùa cùng chúng tôi”. Đó là niềm vui và kỷ niệm đáng nhớ những ngày trực Tết của bác sĩ Tùng.
“Tôi chỉ có một mong muốn là các cháu điều trị đáp ứng tốt”, chia sẻ của bác sĩ Tùng cũng là điều mà các y bác sĩ luôn hy vọng. Năm mới sắp đến, chúc các em nhỏ sẽ đạt được mọi ước nguyện. Chúc các y bác sĩ luôn dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và mang đến thật nhiều mùa xuân an lành cho người bệnh!
Hải Yến – Ảnh: Quang Hải
Bài viết liên quan
Mong xuân về bình an bên người bệnh
23 Tháng Một, 2025Những ngày cuối năm, ai cũng hối hả thu xếp công việc còn dang dở để chuẩn bị về nghỉ Tết. Trong lịch trình đó, nhiều người để dành một…
Các y bác sĩ và người hiến máu đã đem đến mùa xuân cho người bệnh
25 Tháng Một, 2025Khi một năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến, bà Nguyễn Thị Xuân lại bồi hồi nhớ lại những ngày này cách đây 6 năm, bà đã từng là…
Báo Tuổi trẻ cùng Câu lạc bộ Bóng đá Hà Nội tặng quà Tết cho bệnh nhi tại Viện
22 Tháng Một, 2025Ngày 22/1, đại diện Báo Tuổi trẻ cùng hai cầu thủ Đội tuyển Quốc gia Việt Nam là Nguyễn Thành Chung và Phạm Xuân Mạnh (Câu lạc bộ Bóng đá…