Mắc cúm hoặc tiêm vắc xin cúm phải trì hoãn hiến máu bao lâu?
Từ cuối năm 2024 và trong thời gian Tết Nguyên đán 2025, số trường hợp mắc cúm gia tăng. Thời tiết ở miền Bắc rét, nhiệt độ xuống thấp kèm theo khí hậu nồm ẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc cúm. Điều này có thể ảnh hưởng đến nguồn người hiến máu ở nhiều địa phương.
Khuyến cáo của Bộ Y tế về cúm và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp
Hôm nay 8/2, Bộ Y tế đã ký ban hành công văn về việc tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bộ Y tế cho biết, thời điểm hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số ca mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban…
Bên cạnh đó, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.
Để phòng bệnh hiệu quả, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, ăn uống đầy đủ dưỡng chất, hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh.
Theo các chuyên gia, cần phân biệt rõ triệu chứng cảm lạnh và bệnh cúm. Cảm lạnh (cold) là cơ thể bị nhiễm gió lạnh, mưa lạnh thường gây mệt mỏi qua loa vài ngày tự khỏi. Còn cúm (flu) là một bệnh do tác nhân là virus cúm gây ra các triệu chứng đường hô hấp như ho, sốt, ngạt mũi, hắt hơi, khó thở… và có thể gây biến chứng nguy hiểm cần phải điều trị.
Sau mắc cúm hoặc tiêm vắc xin cúm bao lâu có thể hiến máu
Theo quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BYT về Hướng dẫn hoạt động truyền máu, để đảm bảo an toàn cho người hiến máu cũng như chất lượng đơn vị máu truyền cho người bệnh, một số trường hợp sẽ phải trì hoãn trong thời gian nhất định mới có thể tham gia hiến máu.
Có thể hiến máu sau 7 ngày kể từ khi tiêm vắc xin cúm hoặc khỏi bệnh sau khi mắc một trong các bệnh: cúm, cảm lạnh, dị ứng mũi họng, viêm họng, đau nửa đầu Migraine.
Với trường hợp tiêm vắc xin phòng rubella, sởi, thương hàn, tả, quai bị, thủy đậu, BCG thì có thể hiến máu sau 4 tuần kể từ khi kết thúc đợt tiêm.
Bài viết liên quan
Sau tiêm vắc xin bao lâu có thể hiến máu?
11 Tháng Một, 2024Để đảm bảo an toàn cho người hiến máu cũng như chất lượng đơn vị máu và tùy cơ chế tác động phòng bệnh của vắc xin, mà mỗi loại…
Khỏi sốt xuất huyết bao lâu thì được hiến máu?
19 Tháng Mười, 2023Do đang vào cao điểm mùa mưa nên dự báo số ca mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu…
Trường hợp nào phải trì hoãn hiến máu
05 Tháng Chín, 2024Để đảm bảo an toàn cho người hiến máu cũng như chất lượng đơn vị máu truyền cho người bệnh, một số trường hợp sẽ phải trì hoãn trong thời…
Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh cúm mùa
07 Tháng Hai, 2025SKĐS – Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế trong năm 2024 ghi nhận 289.876 trường hợp mắc cúm mùa, 8 ca tử vong; số mắc giảm…