Cô gái hỏng mắt sau cắt mí do bị rối loạn đông máu
Theo thông tin từ TS.BS. Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW, Trung tâm đã từng tiếp nhận một trường hợp đau lòng. Đó là một bạn nữ mới 22 tuổi bị chảy máu sau cắt mí, hậu quả là bị mù cả 2 mắt. Cô gái này đi cắt mí tại một cơ sở làm đẹp và chảy máu không cầm do bị rối loạn đông máu (DIC mạn tính) trên nền u máu bẩm sinh mà không được chẩn đoán trước khi phẫu thuật.
Từ câu chuyện trên, TS.BS. Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW khuyến cáo: “Trên thế giới cũng như tại Việt Nam, có nhiều phụ nữ và trẻ em gái mắc các rối loạn chảy máu như: bất thường chức năng tiểu cầu (Glanzman), von Willebrand, giảm fibrinogen, thiếu một trong các yếu tố đông máu I, II, V, VII, X, XI, XIII… Cho đến nay, nhiều phụ nữ bị rối loạn chảy máu vẫn chưa được chẩn đoán, chăm sóc đầy đủ dẫn tới nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt thậm chí là khả năng làm mẹ và tính mạng của họ.
Có những việc tưởng chừng đơn giản và rất phổ biến hiện nay là làm đẹp, nhưng nếu phụ nữ không đủ tỉnh táo để lựa chọn các cơ sở thẩm mỹ uy tín, chuyên nghiệp thì việc làm đẹp có thể để lại hậu quả khôn lường”.
TS.BS. Nguyễn Thị Mai khám và tư vấn cho người bệnh rối loạn chảy máu (ảnh Gia Thắng)
Chủ đề của ngày Hemophilia Thế giới – 17/4/2025 là “Tiếp cận cho tất cả: Phụ nữ và trẻ em gái cũng bị chảy máu”. Qua thông điệp này, Liên đoàn Hemophilia thế giới mong muốn cộng đồng quan tâm hơn đến các vấn đề rối loạn chảy máu ở phụ nữ và trẻ em gái.
Rối loạn chảy máu là một nhóm bệnh có biểu hiện chảy máu kéo dài, lâu cầm mà nguyên nhân do cơ thể người bệnh có khó khăn trong việc tạo ra cục máu đông. Theo thống kê, trên thế giới cứ 1.000 người lại có 1 người mắc các rối loạn chảy máu. Nếu người bệnh không được phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị đúng cách sẽ dẫn tới những hệ quả không mong muốn như suy nhược, đau đớn, biến chứng và tổn thương khớp vĩnh viễn, hoặc nặng hơn là tử vong do chảy máu ở những vị trí nghiêm trọng.
Rối loạn chảy máu có thể gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, rất nhiều người lầm tưởng rằng rối loạn chảy máu thường chỉ có ở đàn ông. Theo TS.BS. Nguyễn Thị Mai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lầm tưởng này.
Nguyên nhân đầu tiên là trong các rối loạn chảy máu, hemophilia (bệnh máu khó đông) là bệnh di truyền hay gặp nhất (với khoảng 10.000 người bệnh tại Việt Nam) với các biểu hiện khá nổi bật. Người bệnh hemophilia nếu không được điều trị đầy đủ có thể gây ra những biến chứng nặng nề như: biến dạng khớp, teo cơ, xuất huyết não… khiến nhiều người bệnh trở thành tàn tật. Đại đa số người bệnh hemophilia là nam giới nên nhiều người nghĩ rằng phụ nữ ít bị ảnh hưởng bởi rối loạn chảy máu.
Bên cạnh đó, bệnh hemophilia đã được biết đến từ rất lâu trên thế giới và còn được gọi là “căn bệnh hoàng gia”. Trong quá khứ đã từng có nhiều nam giới trong hoàng tộc Châu Âu bị bệnh. Nữ hoàng Victoria và hai con gái của bà (Alice và Beatrice) được cho là người mang gen hemophilia. Người con trai thứ 8 của Nữ hoàng – Lepold mất năm 31 tuổi do xuất huyết não sau khi bị ngã. Bệnh này cứ thế truyền qua nhiều thế hệ hoàng tộc ở Châu Âu.
Người bệnh nổi tiếng nhất trong gia đình Hoàng tộc Nga có lẽ là Hoàng tử Alexei, con trai của Tsar Nicholas II. Các thần y Nga thời đó nhận định Hoàng tử Alexei bị bệnh loãng máu kinh niên do di truyền từ bà cố là nữ hoàng Victoria. Đó cũng là một trong những lý do khiến từ cách đây rất nhiều năm, người ta thường cho rằng hemophilia là căn bệnh chỉ có ở đàn ông.
Một nguyên nhân nữa là do triệu chứng thường gặp của các rối loạn đông máu ở phụ nữ là xuất huyết nhiều trong kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ thường nghĩ đây là chuyện thầm kín nên ngại ngần khi đi khám hoặc chia sẻ với người khác. Bên cạnh đó, trong gia đình người bệnh có thể có thành viên nữ khác như mẹ, chị gái, em gái… cũng bị ra máu nhiều nên họ coi đó là bình thường. Từ sự chủ quan, e ngại đó mà các rối loạn chảy máu ở phụ nữ thường được phát hiện muộn kéo theo nhiều hậu quả đáng tiếc.
Do vậy, chúng ta rất cần nâng cao nhận thức và năng lực chẩn đoán, điều trị rối loạn chảy máu ở phụ nữ nhằm phòng ngừa những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Trương Hằng, thiết kế: Mỹ Hạnh
Bài viết liên quan
Người phụ nữ trải qua gần 10 lần phẫu thuật do một rối loạn đông máu hiếm gặp
17 Tháng Tư, 2025Vì không biết mình bị một căn bệnh rối loạn đông máu hiếm gặp (thiếu yếu tố X), chị Trần Minh T. đã trải qua giây phút cận kề cửa…
Bệnh von Willebrand là gì và điều trị như thế nào?
16 Tháng Tư, 2025Bệnh von Willebrand là gì và tại sao lại mắc bệnh? Bệnh von Willebrand (vôn-guyn-lơ-bờ-răng) là một rối loạn chảy máu di truyền hay gặp nhất do thiếu hụt hoặc bất…
Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt 100 điển hình tiêu biểu Chương trình “Việc tử tế”
16 Tháng Tư, 2025Chiều 16/4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt thân mật 100 đại biểu đại diện cho các điển hình tiêu biểu trong Chương trình “Việc…
Rối loạn chảy máu ở phụ nữ và trẻ em gái cần được chẩn đoán và chăm sóc đầy đủ
17 Tháng Tư, 2025Nhân kỷ niệm Ngày Hemophilia Thế giới 17/4, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phối hợp với Hội Rối loạn đông máu Việt Nam tổ chức chương…