Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

“Nữ sĩ xứ Đoài” dùng thơ ca chống chọi ung thư

Chị Nguyễn Thị Kim Sinh (56 tuổi, quê ở Sơn Tây, Hà Nội) là một bệnh nhân ung thư hạch đang điều trị tại Khoa Bệnh máu tổng hợp (Viện Huyết học- Truyền máu TW). Kể về hoàn cảnh của mình, chị cho rằng bản thân không được may mắn như các bạn cùng trang lứa. Cũng như nhiều cô gái mơ mộng khác, chị có tình yêu đẹp và nên duyên cùng một người đàn ông dịu dàng, yêu thương chị. Vậy mà vào một ngày định mệnh, anh bị tai nạn giao thông thành người tàn phế. Không chỉ bệnh tật, ốm đau, anh còn nhớ nhớ quên quên.

Luôn là người thua cuộc để chữa bệnh cho chồng

Khi ấy, chị tròn 30 tuổi, con trai chị mới vào lớp một, con gái chưa đầy một tuổi, cùng nợ nần mua căn nhà tập thể hiện đang ở. Bao nhiêu gánh nặng nhân sinh bỗng chỉ một ngày được trút lên vai chị, một cô giáo mầm non chân yếu tay mềm. Vì phải luôn ở bên cạnh chăm sóc chồng, các con lại còn nhỏ nên chị Sinh quyết định xin nghỉ công việc mà mình rất tâm huyết.

“Sau khi nghỉ việc, tôi được giải quyết lấy lương một lần để tiếp tục chữa trị cho chồng. Dạy mẫu giáo đi sớm về muộn thì không thể chăm sóc ông xã được và các con thì còn nhỏ quá. Quyết định như vậy chứ tương lai thế nào vẫn còn mông lung quá, nhưng nếu không có mình luôn ở cạnh thì 3 bố con biết xoay xở thế nào?”, chị Sinh chia sẻ.

Vậy là, nỗ lực phục hồi sức khỏe cho người bạn đời của chị Sinh bắt đầu. Chị gặp bác sỹ trưởng khoa thần kinh hỏi về cách chăm sóc phục hồi trí nhớ rồi tìm tòi, học hỏi cách chăm sóc tốt nhất cho chồng. Theo lời khuyên của bác sỹ, ngoài việc thuốc men cho anh, chị còn phải luôn dịu dàng, “luôn thua cuộc” khi chồng cáu gắt, để anh yên tĩnh nghe nhạc, tránh những chuyện xúc động…

Ngoài việc chăm sóc con, lo buôn bán mưu sinh, chị còn dành thời gian đọc sách để nghiên cứu thêm về căn bệnh trầm cảm, giúp đỡ chồng bớt đi lo nghĩ, căng thẳng. Chị luôn dặn các con phải bày trò chơi với bố, hỏi bố về những bài tập đọc để anh rèn luyện trí nhớ, mau khỏi bệnh.

“Dù thế nào cũng phải luôn luôn nghĩ tới những điều tốt đẹp, để có thể thấy, được sống mỗi ngày là sống có ý nghĩa. Tôi vẫn cứ lạc quan đón nhận, chiến đấu… và làm thơ …”. – “Nữ sĩ Xứ Đoài” Nguyễn Thị Kim Sinh

Không dám khóc vì có ai nghe khi con thơ dại, chồng ốm đau

Từ một cô giáo hay múa hát, làm thơ, đọc sách, quần là áo lượt, 10 ngón tay nuột nà, chị đã trải qua những ngày tháng “kinh hoàng” thật sự khi đối mặt với những khó khăn chồng chất của cuộc sống. Suốt những tháng năm ấy, chị bảo mình chưa bao giờ được khóc thành tiếng ngay cả khi đau khổ đến cùng cực. “Khóc cho ai nghe chứ? chồng ốm đau, các con nhỏ, sao hiểu thấu”, chị nói.

“Tôi chỉ còn 39kg, hai chân tôi lúc đó như hai cẳng sếu nhưng tôi không hề kêu than với gia đình nhà chồng một tiếng. Một mình buôn bán mưu sinh chăm chồng ốm và nuôi dạy hai con. Hoàn cảnh làm ước mơ được hun đúc, có thể tôi kém bạn bè về vật chất, về hạnh phúc, nhưng tôi nguyện nuôi dạy các con ngoan ngoãn thành đạt để bản thân mình có động lực, để chồng vui, để cuộc sống của các con sau này hạnh phúc. Tôi hạn chế việc la mắng các con, nếu các con mắc lỗi tôi sẽ viết mẩu giấy đặt vào bàn học của con, nói lên mong muốn của mình: học cho cả mẹ nữa nhé, ước mơ cho cả mẹ nữa, cuộc sống của mẹ không có gì để tự hào ngoài các con”, chị Sinh tâm sự.

Hai mươi năm qua, chị vẫn bươn chải với đời làm một “siêu nhân” che chở cho gia đình bé nhỏ, ở bên cạnh đã có anh, người đàn ông trầm tư luôn yêu thương chị, dù lúc trái gió trở trời, anh lại nhớ nhớ quên quên. Chị bắt đầu cảm nhận được sự thanh thản và hạnh phúc khi đi qua hết nửa đời người trong bận rộn lo lắng.

Lạc quan đón nhận

Rồi các con trưởng thành, kinh tế dần ổn định, các cháu muốn chị được nghỉ ngơi. Nhưng mới đón nhận cuộc sống thanh thản vài năm thì căn bệnh ung thư ập đến. Chị nhập viện điều trị mà lòng trĩu nặng lo lắng. Lại nhờ người nhà chạy qua, chạy lại chăm lo anh xã giúp chị.

Thế mà, căn bệnh ung thư lại tìm đến với chị đúng lúc chị bắt đầu được hưởng chút thư nhàn. Giờ đây, chị nằm trong bệnh viện với hai cánh tay mà ven gần như không lấy nổi nữa sau những đợt truyền hoá chất.

Chị Sinh tâm sự: “Tôi phát hiện bệnh cuối năm 2018, tháng 4/2019 bắt đầu truyền hoá chất. Mỗi lần truyền là một lần trải qua sự mệt mỏi đau nhức, miệng lở loét, ăn uống khó khăn. Tôi sợ tốn kém kinh tế tiền bạc, sợ sức khoẻ mình yếu không vượt qua được, sợ chồng không có mình bên cạnh sẽ lo lắng… Các con đã động viên tôi rất nhiều, trao đổi cùng bác sĩ để có phác đồ phù hợp nhất với sức khoẻ, chăm lo cho mẹ hết lòng làm tôi thấy rất yên tâm chữa bệnh”.

Chị Sinh cũng cho biết, hiện tại chị đang sinh hoạt trong hội thơ Xứ Đoài và cũng là hội viên của Trung tâm thơ ca Việt Nam. Chị được mọi người ưu ái đặt cho cái tên “nữ sĩ Xứ Đoài”. Chị làm thơ để trải lòng, để gửi cảm xúc, nỗi niềm vào trong đó. Thơ chị viết tặng các con, các cháu, thơ viết tặng mình tặng bạn bè về những câu chuyện của họ. Đó cũng là một thú vui, khi rảnh rang, khi mất ngủ, khi buồn tủi… viết xong để thấy lòng nhẹ nhõm, nỗi đau dịu lại và lên sẹo. Và rồi, trong một ngày đối diện với bốn bức tường trắng toát trong bệnh viện, chị lại viết những lời âu yếm gửi cho “ông xã”, người đã thầm lặng dõi theo người vợ kiên cường suốt bao năm: “Anh xã à! Nếu được sống một kiếp nữa em vẫn chọn gia đình mình, anh và các con. Tất cả những gì đã đi qua, đã nếm trải, khó khăn và đau đớn làm em biết yêu hơn những gì mình đang có”.

Vào buổi chiều chúng tôi gặp chị, khi nằm truyền máu, chị lại viết những vần thơ đầy nhân tình thế thái:

“Ta đợi gì sau cái nắng tháng tư

Chưa bỏng rát đã vào đông rồi nhỉ

Trời lạnh căm căm hay mình cũ kỹ

Ở nơi đây mọi thứ bỗng vô thường“…

Theo https://phunuvietnam.vn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan