Gương sáng giữa đời thường
Những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã được lực lượng CAND tổ chức thường xuyên, liên tục. Xuất hiện nhiều tấm gương sáng tình nguyện hiến máu nhiều lần, hiến máu đột xuất để cứu người qua cơn nguy kịch… Đối với những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) này, hiến máu chỉ là việc làm bình dị song phương châm cứu người được đặt lên hàng đầu.
Thượng úy Công an hiến gần 16.000 ml máu
Đó là Thượng úy Phạm Văn Chung, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Truyền thông CAND, người từng 45 lần hiến máu tình nguyện và chuẩn bị ghi danh lần thứ 46 vào tháng 5 tới đây. Bắt đầu tham gia hiến máu từ năm 2009, từ khi còn là sinh viên, đến nay anh trải qua chục năm đều đặn hiến máu.
Tính sơ sơ mỗi lần đều hiến máu toàn phần (khác với hiến tiểu cầu) thì Thượng úy Chung đã tham gia hiến gần 16.000 ml máu – một con số không nhiều người đạt được. “Mỗi lần Bộ Công an tổ chức hiến máu là mình ưu tiên tham gia, nếu khi đó đủ điều kiện mà không đúng dịp đơn vị tổ chức thì mình sẽ “hiến ké” ở các học viện, trường CAND hoặc Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương”, anh chia sẻ.
Thượng úy Phạm Văn Chung
Gần như “dành cả thanh xuân” để hiến máu tình nguyện, năm 2017 Thượng úy Phạm Văn Chung vinh dự đại diện lực lượng CAND góp tên trong danh sách top 100 người hiến máu tiêu biểu nhất Việt Nam. Còn nhớ, năm 2010, khi công tác tại Báo Điện Biên Phủ, đồng chí Chung tình cờ biết thông tin một người Mông bị tai nạn đang cần máu gấp để mổ cấp cứu.
Anh liền vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đăng ký hiến máu. Không chỉ hiến máu nhiều lần, bản thân anh còn vận động gia đình tham gia hiến máu. Vợ anh cũng đã gần 10 lần hiến máu, hai em gái của anh khoảng 15 lần tham gia. Ngoài ra, nhiều cán bộ từng công tác với anh ở Cục Tham mưu, Tổng cục Chính trị CAND (trước đây) cũng đã được anh vận động, nhiệt tình tham gia hiến máu.
“Mình nghĩ, không riêng hiến máu mà bất cứ việc gì có thể cứu người, giúp ích cho cuộc đời mà ở phạm vi mình làm được sẽ cố gắng làm bằng được khi có thể” – Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cục Truyền thông CAND khẳng định.
Hiện với vai trò của mình, anh đang tham mưu cho Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị tổ chức phong trào hiến máu tình nguyện trong tuổi trẻ Cục Truyền thông CAND, thiết thực hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Tô Lâm, nối dài những hành động đẹp vì sức khỏe cộng đồng.
Nữ giảng viên U50 vẫn tích cực hiến máu
Ở Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND), Thượng tá Đàm Thị Thu, giảng viên chính Khoa nghiệp vụ Cảnh sát kinh tế là một trong những cán bộ điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện. Lần đầu tiên hiến máu năm 2009, đến nay chị đã nhận được 26 thư ngỏ cảm ơn của bệnh viện và giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Khi được đề nghị phỏng vấn viết bài, nữ giảng viên sinh năm 1966 này nhiều lần từ chối. Chị bảo, đây là việc làm hết sức bình thường, xuất phát từ tâm, từ niềm vui trong lòng mình chứ không phải công việc “đao to búa lớn”. Song chính những nhân vật bình dị giữa đời thường như chị lại là những tấm gương thuyết phục nhất về phong trào hiến máu tình nguyện trong CAND.
Qua cuộc trò chuyện ngắn, Thượng tá Đàm Thị Thu kể rằng, chị thường xuyên hiến máu tình nguyện, mỗi năm 3 lần. Trong năm nay, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng từ tháng 1 chị đã tham gia hiến máu và ngày 16/4 vừa qua hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo các cấp, chị đã hiến máu lần thứ hai trong năm.
“Nếu sức khỏe tốt, mọi việc thuận lợi thì khả năng năm nay mình sẽ hiến máu được 4 lần”, Thượng tá Thu chia sẻ.
Ngoài thói quen hiến máu tình nguyện đều đặn, những lần lên lớp đúng thời điểm nhà trường tổ chức hiến máu, nữ giảng viên cũng tuyên truyền, vận động sinh viên tham gia nghĩa cử cao đẹp này.
Có những lần, tranh thủ giờ nghỉ giữa các tiết dạy, chị từ bục giảng xuống sân trường hiến máu, sau đó lại tiếp tục lên lớp bình thường. Ở nhà, chứng kiến mẹ hiến máu nhiều lần, ngay từ khi còn bé, người con trai thứ hai mỗi dịp xem ti vi hay nghe loa phát thanh tuyên truyền về hiến máu lại nhắc: “Mẹ ơi, mẹ hiến máu đi”.
Và thấy mẹ dù nhiều tuổi vẫn hăng hái tham gia hiến máu, con trai và con dâu của chị (con trai đang công tác tại Trung tâm an toàn giao thông của Học viện CSND) cũng noi gương mẹ, thường xuyên hiến máu tình nguyện.
Theo một cán bộ Phòng Công tác chính trị Học viện CSND, nói đến hiến máu tình nguyện khá nhiều người còn e dè. Nên phong trào hiến máu tình nguyện chủ yếu vận động người trẻ. Song đối với chị Thu, tuổi tác không phải vấn đề, chị vẫn luôn nhiệt tình vì sức khỏe cộng đồng. “Hiến máu là việc làm có ý nghĩa nhân đạo, có thể chưa phục vụ ngay nhu cầu trước mắt nhưng ý nghĩa lâu dài, có thể cứu sống một người lúc nguy cấp”, Thượng tá Đàm Thị Thu lý giải.
Học viên 4 lần hiến máu đột xuất cứu người
Bên cạnh những cán bộ Công an hiến máu thường xuyên như Thượng úy Phạm Văn Chung hay Thượng tá Đàm Thị Thu còn có những học viên trẻ của các học viện, trường CAND cũng nhiệt tình với phong trào hiến máu theo cách riêng của mình. Phan Thành Đạt, sinh viên năm cuối Khoa An ninh xã hội, Học viện ANND là một ví dụ. Bén duyên với hoạt động hiến máu tình nguyện từ năm thứ nhất (tháng 11-2016), đến nay học viên này đã 8 lần tham gia hiến máu.
Học viên Phan Thành Đạt
Đặc biệt hơn, Đạt từng 4 lần hiến máu đột xuất để cứu đồng đội, bạn bè, người dân qua cơn nguy kịch. Đó là khoảng tháng 5/2017, từ thông tin về một người phụ nữ ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An có hoàn cảnh khó khăn bị xơ gan, sỏi mật cần truyền máu gấp, Đạt lập tức đến bệnh viện đăng ký.
Người phụ nữ này hoàn cảnh khó khăn, chồng cũng ốm đau, công ăn việc làm không ổn định. Người con đầu của anh chị mất từ nhỏ, con thứ hai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, con út đi học trong miền Nam nên lúc bệnh tật không ai đỡ đần, chăm nom. “Thực sự mình rất thương cảm hoàn cảnh của cô và đã hiến 350ml nhóm máu A để giúp cô phẫu thuật”, Đạt nhớ lại.
Lần khác, một em bé ở bệnh viện Việt Đức bị bệnh tan máu bẩm sinh cần nhiều máu để thay máu thường xuyên, một học viên cùng quê Hà Tĩnh bị tai nạn, hay người nhà của thầy giáo trong Học viện ANND mổ dạ dày cần bổ sung máu thì học viên này đều sẵn sàng dành phần máu của mình để giúp đỡ. Đội thanh niên tình nguyện hiến máu của Học viện ANND sau này đổi tên thành CLB tình nguyện C500 gồm hơn 40 thành viên và Phan Thành Đạt từng là Phó Chủ nhiệm CLB.
Không lập kỷ lục về hiến máu nhưng anh và các thành viên gần như là “đội phản ứng nhanh” về hiến máu, hễ nhận được yêu cầu từ các bệnh viện thì có thể hiến bất cứ lúc nào.
“Thực tế CAND có nhiều lực lượng trực tiếp chiến đấu, dễ gặp rủi ro, bị thương khi làm nhiệm vụ. Nên chúng tôi muốn trở thành những người luôn sẵn sàng có mặt khi đồng đội cần”, nam học viên tâm sự.
Năm 17 tuổi, bố Đạt mất. Ông bị ung thư dạ dày, cần truyền máu gấp để mổ và cũng chính mẹ anh đã hiến máu cho bố. Bản thân Đạt lúc đó chưa đủ điều kiện hiến máu, mình mẹ cũng không đủ, gia đình phải mua thêm nhiều máu để điều trị. Rồi cơn bạo bệnh đã cướp bố đi…
Cũng chính khoảng thời gian bố nằm trên giường bệnh, chàng thanh niên Phan Thành Đạt đã quyết tâm dành tuổi trẻ của mình để tình nguyện hiến máu đột xuất cứu người, cũng như vận động thêm ngày càng nhiều người tham gia hiến máu. Hơn ai hết, anh hiểu sự cấp thiết khi một người thiếu máu là như thế nào…
Theo Báo CAND