Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Ăn gì để giải nhiệt trong mùa nắng nóng?

Thời tiết nắng nóng rất dễ khiến cho cơ thể mất nước, mệt mỏi, khó chịu… Không khí hầm hập của mùa hè còn làm chúng ta có cảm giác chán ăn, ăn không thấy ngon. Vậy chúng ta nên ăn uống như thế nào để giải nhiệt trong những ngày hè nắng như thiêu như đốt này? Mời các bạn lắng nghe những lời khuyên từ ThS. Phan Kim Dung, Trưởng khoa Dinh dưỡng của Viện Huyết học – Truyền máu TW về cách lựa chọn thực phẩm giải nhiệt trong mùa hè.

Các thực phẩm giải nhiệt cực kỳ hiệu quả

Nhóm các loại quả

Khi thời tiết nóng nực, chúng ta thường uống rất nhiều nước nhưng như vậy là chưa đủ. Bạn đừng quên bổ sung các loại trái cây, rau củ nhiều nước để cung cấp vitamin và khoáng chất cho cơ thể.

thực phẩm giải nhiệt

  • Nước dừa

Trong nước dừa có rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất điện giải. Uống nước dừa là cách hiệu quả để bù nước và tái tạo năng lượng cho cơ thể khi bạn bị sốc nhiệt, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi.

  • Lá bạc hà

Bạc hà có đặc tính làm mát do hàm lượng tinh dầu cao, khiến ta có cảm giác mát hơn. Bạn có thể pha trà bạc hà hoặc dùng lá bạc hà tươi để pha với nước nóng hoặc trà để uống cả ngày. Mặc dù trà nóng có thể khiến bạn cảm thấy nóng hơn, nhưng uống đồ uống nóng sẽ giúp bạn đổ mồ hôi và hạ nhiệt cơ thể.

  • Dưa hấu

Dưa hấu là một trong những loại trái cây có hàm lượng nước cao nhất, lên tới trên 90%. Ngoài ra, dưa hấu còn có nhiều vitamin B6, cung cấp lycopene, chất chống ô xy hóa, chất chống ung thư rất dồi dào, cao hơn cả cà chua.

  • Dâu tây

Dâu tây là loại quả mọng nước, chứa nhiều vitamin C, kali, chất xơ… và rất tốt cho sức khỏe. Dâu tây còn không chứa chất béo, cholesterol và ít calo. Hãy ăn dâu tây thường xuyên để có làn da đẹp, rạng ngời, ngăn ngừa lão hóa nhé.

  • Các loại quả có múi

Bưởi là một trong những trái cây chứa nhiều vitamin, dễ ăn, vị ngọt mát và chứa rất ít calorie. Ăn bưởi không chỉ tốt cho cơ thể mà còn giúp bạn có được làn da chắc khỏe, mịn màng. Bưởi giúp phòng ngừa và có tác dụng tốt với một số bệnh như cao huyết áp, tiểu đường… Tuy nhiên, nếu bạn bị đau dạ dày thì lưu ý không nên ăn bưởi lúc đói nhé.

Cam là loại quả mọng nước với vị thanh mát, thơm ngon được rất nhiều người ưa chuộng. Quả cam chứa nhiều vitamin và khoáng chất như: vitamin A, B, C, canxi, magiê, niacin, kali, phốt pho, mangan, choline, selen và đồng. Đặc biệt, cam chứa rất ít calo nên còn có tác dụng giữ dáng rất hiệu quả.

Chanh không chỉ tốt cho việc giải độc và tăng khả năng miễn dịch mà còn có tác dụng làm mát cơ thể. Bên cạnh việc uống nước chanh hoặc sử dụng chanh như một gia vị cho nhiều món ăn, bạn có thể thêm một vài lát chanh vào bình nước uống hàng ngày cũng rất hiệu quả.

ăn gì giúp giải nhiệt

  • Quả lê

Trong quả lê chứa 84% hàm lượng nước cùng nhiều khoáng chất. Lê còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Người bị bệnh tiểu đường có thể ăn lê để giảm bớt cơn thèm ngọt mà không gây hại.

  • Quả dứa (Thơm)

Trong 100g dứa có khoảng 90,5g nước, 0,8g protein, 1g axit hữu cơ, 6,5g glucid, 15mg canxi, 17mg photpho, 0,5mg sắt, 24mg vitamin C cùng nhiều loại vitamin khác như vitamin B1, B2… Ăn dứa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như: tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ thị lực, cải thiện hệ tiêu hóa, chống viêm thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, không nên ăn dứa trực tiếp quá nhiều vì có thể gây rát lưỡi, ngứa cổ họng. Hãy nấu canh chua với dứa hoặc kết hợp với các loại trái cây nhiều nước để làm nước ép.

Cần lưu ý với những người đang dùng thuốc chống đông máu, đang xuất huyết hoặc chảy máu không nên ăn dứa vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, gây xuất huyết quá mức. Dứa cũng không tốt với những người có chỉ số đường huyết cao.

  • Dưa chuột (hàm lượng nước cao lên tới 96,73%)

Dưa chuột có hàm lượng calo thấp nhưng lại rất giàu dưỡng chất quan trọng cho cơ thể. Dưa leo chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất đa dạng như vitamin C, K, magie, kali, mangan, cucurbitacin… Một số nghiên cứu cho thấy dưa chuột có thể có tác dụng chống đái tháo đường. Do đó, bạn có thể cung cấp vitamin và khoáng chất hiệu quả bằng cách ăn dưa leo mỗi ngày.

  • Dưa lưới

Có đến 90% nước trong mỗi quả dưa lưới. Đây là loại trái cây chứa nhiều sắt, vitamin A, C, K. Sau khi ăn nó, bạn sẽ cảm thấy sinh lực của mình được phục hồi rõ rệt.

  • Đào

Quả đào chứa 88% nước, cùng vitamin A, C, K rất tốt cho các hoạt động trao đổi chất. Quả đào có vị ngọt và hương thơm đặc trưng, dễ khiến trẻ yêu thích. Nếu không thể mua đào trực tiếp, bạn có thể sử dụng sản phẩm đào tươi đóng hộp chế biến thức ăn hoặc trà đào để thay đổi khẩu vị.

  • Quả roi (hay còn gọi là quả mận)

Với 85% nước, quả roi không chỉ ngon, chứa nhiều nước, vitamin và khoáng chất mà còn có ít calorie… Ăn roi có thể giúp làm mát cơ thể trong mùa hè, trị tiêu chảy và đầy hơi. Ngoài ra, quả roi còn có một số tác dụng như: Kiểm soát lượng đường; Chống nấm, nhiễm trùng; Giảm hàm lượng Cholesterol…

Các loại rau củ có tác dụng giải nhiệt

Ngoài nhóm trái cây, rau củ cũng có thể cung cấp nước, các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể, giúp hỗ trợ tiêu hóa, tránh táo bón.

  • Cà chua

Cà chua có hàm lượng nước là 94,52%. Đây là một loại trái cây rất giàu chất xơ, vitamin C và K, folate và kali. Ngoài ra, cà chua cũng chứa lycopene, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào.

  • Rau chân vịt/cải bó xôi (hàm lượng nước 91%)

Rau chân vịt không những có hàm lượng nước cao mà còn rất giàu dinh dưỡng. Rau chân vịt chứa lutein, kali, chất xơ, folate tăng cường trí não và hàm lượng vitamin E rất cao. Vitamin E là chất chống oxy hóa quan trọng để chống lại các phân tử gây hại là các gốc tự do.

  • Rau diếp

Rau diếp lá xoăn chứa nhiều nước nhất (hơn 95%) nhưng không có nhiều giá trị về mặt dinh dưỡng. Rau diếp lá dài với hàm lượng nước thấp hơn nhưng lại cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và chất xơ.

  • Cần tây (hàm lượng nước 95%)

Không chỉ có hàm lượng nước cao, cần tây còn dồi dào chất xơ và các chất dinh dưỡng khác như: folate, vitamin A, C, K… Lượng nước cao trong cần tây giúp trung hòa axit trong dạ dày. Vì thế, cần tây được coi là vị thuốc thiên nhiên cho chứng ợ nóng và trào ngược dạ dày. Ngoài ra, cần tây có lượng calo rất thấp, chỉ khoảng 6 calo cho mỗi cây. Hàm lượng nước và chất xơ trong cần tây sẽ lấp đầy dạ dày, hạn chế cơn thèm ăn của bạn, hỗ trợ giảm cân hiệu quả.

  • Bông cải xanh (hàm lượng nước 90%)

Bông cải xanh giàu chất xơ, kali, vitamin A, C và sulforaphane – một hợp chất làm tăng khả năng miễn dịch và đẩy lùi các độc tố gây ung thư.

thực phẩm giải nhiệt

  • Cà rốt (hàm lượng nước 90%):

Những củ cà rốt cỡ nhỏ chứa nhiều nước hơn so với củ cà rốt to bạn thường thấy. Cà rốt được dùng để làm salad, xào, nấu canh, làm nước ép hoặc ăn ngay mà không cần qua chế biến. Với nhiều cách chế biến đa dạng như vậy, hãy đừng quên đưa loại củ này vào thực đơn của bạn nhé.

  • Bí ngòi (Hàm lượng nước cao 92,73%):

Bí ngòi chứa nhiều mangan, kali, magiê, vitamin A, C, K và chất xơ. Nó cũng chứa chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin, có thể giúp chống lại tổn hại cho ADN của cơ thể. Bí ngòi có thể chế biến bằng nhiều cách như: xào, luộc, nấu canh…

  • Mướp đắng (khổ qua):

Với tính hàn, vị đắng, có tác dụng giải nhiệt, trừ khát, sáng mắt, hoạt huyết, bổ khí, mướp đắng phù hợp trở thành thức ăn giải nhiệt cơ thể cho mùa hè. Các món ăn được chế biến từ mướp đắng cũng rất phong phú, đa đạng. Những món ăn phổ biến nhất, hợp với khẩu vị nhiều người là mướp đắng xào thịt bò, xào trứng, nhồi thịt hấp hay nấu canh xương. Ngoài ra, bạn còn có thể thái nhỏ rồi phơi khô, sắc lấy nước uống hoặc đun làm nước tắm cho trẻ đang bị rôm, sẩy do trời nóng.

  • Nha đam (lô hội): Lá và gel bên trong của nha đam dùng để làm thức uống có thể giúp hạ nhiệt độ cơ thể. Bạn có thể thoa gel lô hội lên da để có tác dụng làm mát. Để tăng thêm hiệu quả, hãy để nha đam trong tủ lạnh trước khi sử dụng.

Nhóm chất đạm nên sử dụng trong ngày hè

  • Thịt ít chất béo

Khi bạn ăn các thực phẩm nhiều chất béo, cơ thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Chất béo cũng hấp thụ lượng muối cao hơn nên có thể gây ra tăng nhiệt cho cơ thể.

  • Đậu phụ – thức ăn giải nhiệt hàng đầu

Đậu phụ là món ăn nên lựa chọn đầu tiên trong danh sách các thực phẩm giải nhiệt tốt nhất vào những ngày hè oi ả. Đậu phụ có vị ngọt, tính mát, nhuận tràng, bổ trùng, giải độc, sinh nước bọt và thanh nhiệt cơ thể. Không chỉ mang lại lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, đậu phụ còn rất dễ chế biến. Đậu phụ có thể chần ăn sống, rán, nhồi thịt, sốt hoặc nấu canh. 

Một số thực phẩm giải nhiệt khác:

  • Sữa tách bơ

Uống sữa tách bơ có thể giúp hạ nhiệt cơ thể và cải thiện sự trao đổi chất. Nó cũng chứa đầy men vi sinh (sữa tách bơ truyền thống), vitamin và khoáng chất sẽ giúp phục hồi năng lượng tự nhiên của cơ thể nếu bạn cảm thấy kiệt sức vì nóng.

  • Sữa chua

Sữa chua chứa hàm lượng protein cao và là món ăn vặt vừa ngon vừa bổ dưỡng. Trong sữa chua còn có probiotic – một vi khuẩn giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Bạn có thể trộn sữa chua với các loại trái cây tươi mát để tạo thành một món ăn lý tưởng trong mùa hè.

  • Đậu xanh, đậu đen

Hai loại đậu này có vị ngọt, tính hàn, không độc, bổ nguyên khí, thanh nhiệt mát gan. Riêng đậu xanh còn có tác dụng giải độc, chữa lở loét, làm sáng mắt, hạ huyết áp, tốt cho dạ dày… thích hợp với người bị say nắng, miệng khát, người nóng, thấp nhiệt, ung nhọt… Không chỉ có tác dụng hạ nhiệt, đậu xanh, đậu đen còn là thực phẩm bổ dưỡng, dễ ăn trong thời tiết mùa hè nóng nực. Bên cạnh đó, đậu còn có thể trở thành thức ăn – vị thuốc nếu kết hợp với một số thực phẩm khác. 

  • Giá đỗ

Là thực phẩm có tính mát, chứa nhiều dinh dưỡng, ngọt mát, giá đỗ có tính năng giải nhiệt tốt cho cơ thể. Giá đỗ cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau được nhiều người ưa thích như ăn sống, luộc, xào, nấu canh chua…

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ KHÁM THEO YÊU CẦU TẠI VIỆN:

Để xét nghiệm máu nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi, bạn có thể đăng ký khám theo yêu cầu thông qua:

  • Website của Viện vienhuyethoc.vn/ (trước 16h00 hàng ngày)
  • Hoặc liên hệ Tổng đài đặt lịch hẹn khám theo yêu cầu: 1900 96 96 70

Mời xem thêm: Đặt lịch khám để xét nghiệm máu nhanh chóng

ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU – XÉT NGHIỆM

1. Viện Huyết học – Truyền máu TW

  • Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
  • Thời gian:

Từ thứ 2- thứ 6: 6h30 – 17h00 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu);

Thứ 7: 7h30 – 17h00 (khám theo yêu cầu).

2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện tại Hà Nội: 8h00 – 12h00 và 13h30 – 17h00, từ thứ 3 – Chủ nhật (nghỉ Thứ 2 và các ngày lễ)

  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, Q. Hoàn Kiếm – Điện thoại: (024) 3718 3154
  • Số 132 Quan Nhân, Q. Thanh Xuân – Điện thoại: (024) 3207 9699
  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, Q. Đống Đa – Điện thoại: (024) 3203 0032
  • Số 78, Nguyễn Trường Tộ, Q. Ba Đình
  • Điểm hiến máu Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (Km13+500, Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, Thanh Trì)
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan