Bệnh nhân hôn mê gan được cứu sống nhờ thay huyết tương
Nhờ được thay huyết tương với các đơn vị huyết tương do Viện Huyết học – Truyền máu TW cung cấp, bệnh nhân hôn mê gan điều trị tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp đã bình phục và được ra viện.
Các đơn vị máu toàn phần sau khi ly tâm sẽ phân tách thành từng thành phần của máu: các tế bào máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Huyết tương có màu vàng, thành phần chủ yếu là nước; ngoài ra còn có: đạm, mỡ, đường, vitamin, muối khoáng…; huyết tương chiếm khoảng 53% – 63% trong máu. (ảnh: Công Thắng)
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, vào tháng 3/2020, một bệnh nhân nam 54 tuổi được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì nôn ra máu. Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa do loét hành tá tràng trên nền bệnh xơ gan, viêm gan B. Sau đó, ý thức bệnh nhân giảm đi nhanh chóng và bị hôn mê gan. Đây là một biến chứng nặng của bệnh nhân có bệnh lý về gan, tỷ lệ tử vong cao lên đến trên 90% nếu không được điều trị tích cực từ đầu.
Ngay lập tức, bệnh nhân được thay huyết tương với các đơn vị chế phẩm huyết tương do Viện Huyết học – Truyền máu TW cung cấp. Tình trạng bệnh nhân chuyển biến tốt hơn, ý thức cải thiện rõ rệt qua các lần thay huyết tương. Sau hơn 3 tuần nằm viện, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.
Người bệnh đang thay huyết tương tại khoa Hồi sức tích cực BVĐK Nông nghiệp (ảnh BV cung cấp)
Cuối tháng 5/2020, Bệnh viện đa khoa Sơn Tây tiếp nhận một bệnh nhân nam 64 tuổi có tiền sử viêm gan B, điều trị thuốc kháng virus thường xuyên một năm nay. Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết trên nền xơ gan, suy gan và cả suy thận. Các bác sĩ đã hội chẩn gấp và đánh giá, chỉ có thay huyết tương mới có thể cải thiện tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân cũng như ngăn chặn suy gan tiến triển nhanh thành hôn mê gan.
Bệnh nhân được thực hiện thay huyết tương 2 lần với số lượng huyết tương cần sử dụng lên tới 24 đơn vị. Do lượng chế phẩm huyết tương khá nhiều, cần trong thời gian gấp nên cán bộ y tế của BVĐK Sơn Tây cũng đã trực tiếp xuống Viện nhận chế phẩm máu, kịp thời phục vụ quá trình cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Đến nay sức khỏe đã dần ổn định, bệnh nhân đỡ mệt hơn, bilirubin giảm, tình trạng đông máu tốt.
Thay huyết tương là liệu pháp loại bỏ một lượng huyết tương trong máu người bệnh và thay thế vào một lượng huyết tương khác tương tự. Máu được dẫn ra ngoài qua hệ thống máy lọc, tại đây một lượng huyết tương được loại bỏ và thay thế vào một lượng huyết tương hay albumin tương ứng và sau đó máu được trả về lại cho cơ thể.
Một đơn vị huyết tương tươi đông lạnh được điều chế từ máu toàn phần tại Viện Huyết học – Truyền máu TW. (ảnh: Công Thắng)
Trong quá trình thay huyết tương thường cần sử dụng số lượng lớn huyết tương – một loại chế phẩm máu được điều chế từ máu do người khỏe mạnh hiến tặng. Từ máu toàn phần sẽ được điều chế thành nhiều chế phẩm máu khác nhau như khối hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương… và mỗi đơn vị máu hiến tình nguyện, bằng nhiều cách khác nhau đã thực hiện sứ mệnh cứu sống người bệnh trong vô vàn hoàn cảnh, điều kiện khác nhau của đời sống.
Trương Hằng (tổng hợp)
Lọc huyết tương hay Trao đổi huyết tương được sử dụng hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý có cơ chế tự miễn dịch như: Bệnh lý do bất thường hệ tự miễn (ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP); Bệnh lupus ban đỏ hệ thống; Bệnh vẩy nến; Bệnh pemphigus; Bệnh lý liệt do miễn dịch: Bệnh nhược cơ, Hội chứng Guillain-Barré, đặc biệt viêm tụy cấp do tăng Triglycerid máu, đáp ứng rất tốt trong thay huyết tương; Thải ghép của các tạng đặc (thận, tim); Suy gan cấp chờ gan phục hồi hoặc chờ ghép gan… |
Bài viết liên quan
Sản phụ sốc mất máu, 2 lần ngừng tim được truyền 35 đơn vị máu trong ca cấp cứu diệu kỳ
08 Tháng Tư, 2020Để vượt qua lưỡi hái tử thần, người mẹ ấy được truyền tổng cộng 35 đơn vị chế phẩm máu nhóm O (khi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai…
Hàng trăm người hiến máu giúp người mẹ ung thư máu vượt cạn thành công
20 Tháng Ba, 2020Người mẹ nào trải qua quá trình sinh nở cũng đều là những người hùng rất đỗi kiên cường, đặc biệt là những người mẹ mắc bệnh ung thư máu.…
Nếu không có máu, ca sinh mổ của người mẹ ung thư khó có thể thành công
27 Tháng Ba, 2020“Mình xin cảm ơn tất cả mọi người không quản ngại bệnh dịch đi hiến máu để mình vượt qua được giai đoạn nguy hiểm nhất. Khi đã đối mặt…