Thứ trưởng Bộ Y tế: Cần xây dựng “ngân hàng máu sống” ngay tuyến huyện, chủ động cho điều trị bệnh nhân COVID-19
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị TP Hồ Chí Minh xem xét, có thể xây dựng “ngân hàng máu sống” ngay tại tuyến huyện để chủ động trong công tác chữa trị bệnh nhân COVID-19, chủ động đối phó với kịch bản có nhiều ca F0 trong thời gian tới.
Ngày 12/9, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng Bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch COVID-19 đã đến thăm và làm việc với Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị TP Hồ Chí Minh xem xét xây dựng “ngân hàng máu” ngay tại tuyến huyện
Báo cáo về công tác điều trị, BS Đoàn Ngọc Huệ – Giám đốc TTYT huyện Cần Giờ cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ đã được thành lập trên cơ sở BV huyện Cần Giờ, với công suất 600 giường bệnh.
BS Đoàn Ngọc Huệ – Giám đốc TTYT huyện Cần Giờ thông tin tại buổi làm việc.
Trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 4.900 bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, đã có khoảng 4.500 bệnh nhân hồi phục và xuất viện. Do đó, hiện chỉ còn hơn 400 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Bệnh viện điều trị COVID-19 được thiết lập tại huyện Cần Giờ góp phần làm giảm áp lực bệnh nhân tại các quận, huyện khác của TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là các Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP Hồ Chí Minh.
BS Đoàn Ngọc Huệ cho biết, một trong những lý do khiến công tác điều trị có tín hiệu tích cực nhanh là nguồn nhân lực tăng cường từ các bệnh viện, địa phương khác (148 cán bộ nhân viên y tế), cùng nguồn oxy cung cấp cho bệnh nhân kịp thời. Do đó, tính đến nay, chỉ có 31 bệnh nhân COVID-19 tử vong, chủ yếu do có các bệnh nền.
Khu cách ly tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ
“Giai đoạn bệnh viện mới đưa vào hoạt động, chúng tôi rất lo lắng, đặc biệt là vấn đề oxy, máu cung cấp cho bệnh nhân. Tuy nhiên, do có định hướng đúng, nên nguồn oxy được cung cấp rất kịp thời, nếu không số ca tử vong có thể không dừng lại ở 31 bệnh nhân như hiện nay”, BS Huệ cho hay.
BS Huệ cho biết thêm, các lực lượng cán bộ y tế được bố trí sinh hoạt trong điều kiện rất tốt, có xe đưa đón đến làm việc tại bệnh viện.
Tại cuộc họp, Giám đốc TTYT huyện Cần Giờ đã đề xuất Bộ Y tế và TP Hồ Chí Minh có giải pháp về nguồn máu cung cấp cho bệnh nhân để chủ động đối phó với kịch bản có thêm ca F0 trong thời gian tới.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của các y, bác sĩ đang công tác tại bệnh viện dã chiến thu dung COVID-19 Cần Giờ. Đặc biệt là Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ đã hoàn thành nhiệm vụ, làm tốt công tác điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thứ trưởng cho biết: “Khi thành phố bắt đầu xây dựng các Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) thì đã có kế hoạch xây dựng ICU ở huyện Cần Giờ. Với sự vào cuộc của Bộ Y tế và sự tăng cường nhân lực từ các địa phương tập trung vào TP Hồ Chí Minh, đến nay, số ca mắc trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận đã giảm rất nhiều. Đặc biệt là huyện Cần Giờ, số ca mắc giảm rõ rệt, số ca nguy kịch, ca nặng được bình phục và xuất viện tăng lên. Đây là một tín hiệu rất tốt trong công cuộc đẩy lùi COVID-19”.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Bộ Y tế đã đặt ra tiêu chí “vùng xanh” với những vùng chưa xuất hiện F0. Cần Giờ cần áp dụng tiêu chí này vào công tác khám chữa bệnh, xét nghiệm… Thứ trưởng cũng đề nghị bệnh viện cố gắng tăng cường năng lực cho Bệnh viện Dã chiến Cần Giờ, qua đó nâng cao năng lực cho cán bộ y tế địa phương.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh và Thứ trưởng Bộ Y tế tặng quà cho Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ.
Về vấn đề máu, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Hồ Chí Minh xem xét, xây dựng “ngân hàng máu sống” ngay ở tuyến huyện, đảm bảo công tác nhiễm khuẩn, để chủ động nguồn máu phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 khi cần.
Thứ trưởng Bộ Y tế mong muốn trong thời gian tới, huyện Cần Giờ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ điều trị, chăm sóc đồng bào trên địa bàn và sẵn sàng có tâm thế cùng với Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ tạo các “vùng xanh”, vùng an toàn cho bệnh viện, bệnh nhân, cho vùng… Đây là điều hết sức quan trọng trong công tác đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Suckhoedoisong.vn
Bài viết liên quan
Bên cạnh 5K, nhớ thực hiện 5T ở nơi tăng cường giãn cách xã hội
06 Tháng Chín, 2021Thông điệp 5T bao gồm ‘Tuân thủ nghiêm 5K – Thực phẩm đủ tại nhà – Thầy, thuốc đến tại gia – Test Covid tất cả – Tiêm chủng tại…
Cần ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai
06 Tháng Chín, 2021Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị diễn biến nặng khi mắc COVID-19 bởi giai đoạn này, phụ nữ có tình trạng suy giảm hệ miễn dịch nhất…
Việc huy động máu nhóm hiếm được tiến hành như thế nào?
31 Tháng Tám, 2021Nhóm máu hiếm, do có tỷ lệ thấp trong cộng đồng nên khi người bệnh cần máu và các chế phẩm máu, việc đáp ứng kịp thời thường khó hơn…
Thanh Hóa: Ra mắt câu lạc bộ Ngân hàng máu sống ở huyện biên giới Quan Sơn
25 Tháng Chín, 2020“Ở những nơi xa trung tâm y tế hoặc điều kiện y tế còn hạn chế thì nguồn máu dự trữ không phải lúc nào cũng sẵn có. Trong trường…
Chàng trai trở thành ngân hàng máu sống vì mang nhóm máu hiếm
08 Tháng Sáu, 2018“Bác sĩ nói tiểu cầu của tôi rất tốt. Nên trung bình mỗi năm, tôi đi hiến máu 7 lần”, anh Long chia sẻ. Tại Viện Huyết học – Truyền…