Cây bon sai nghệ thuật được làm bởi đôi bàn tay người bệnh máu khó đông
Khi nhìn những cây bon sai được làm từ dây đồng, hạt đá kết hợp với gỗ lũa, đá non bộ… này, chắc hẳn chúng ta không nghĩ đây chỉ là những cây bon sai handmade, mà đó còn thật sự là những TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT.
Và thật đặc biệt khi những sản phẩm này được làm nên bởi một người có hemophilia (máu khó đông). Chàng trai ấy thường phải chịu đựng những cơn đau do chảy máu ở khắp cơ thể nhưng vẫn miệt mài làm việc để tạo ra những sản phẩm bằng tất cả trái tim và tâm huyết của mình.
Tác giả của những tác phẩm nghệ thuật này là Trần Văn Việt, quê ở Phú Thọ. Với Việt, mỗi cây bonsai đều có ý nghĩa và câu chuyện riêng. Có những cây Việt phải mất một tuần, có cây cả 3 người phải làm trong hơn 1 tháng mới hoàn thành.
Tác phẩm “đại mộc nghênh phong” – là tác phẩm có ý nghĩa nhất với Việt. “Cây mọc trên ngọn núi chênh vênh, ngay khi hạt giống được gieo mầm, số phận đầy khó khăn. Trên đỉnh núi khô cằn, nước là nguồn sống cơ bản của sinh vật cũng rất hiếm hoi. Nhưng khó khăn thế là chưa đủ khi những cơn phong ba, bão táp thường xuyên ập tới khiến tán cây xơ xác. Nhưng bằng nghị lực và sức sống mạnh mẽ, ý chí kiên cường cây vẫn ngày một phát triển, lớn mạnh. Cây “Đại mộc nghênh phong” như một bức tranh về phần lớn quãng đời của tôi, là một hình mẫu cho tôi nhìn vào để cố gắng” – Việt chia sẻ.
Cây “Mái ấm” với 2 thân cây nương tựa vào nhau nói lên mơ ước của tất cả mọi người về một mái ấm, một tình yêu. Khi 2 người cùng bên nhau vượt qua khó khăn và trở ngại, chỉ cần ta có nhau mọi thứ đều đơn giản.
Với Việt và những người anh em Hemophilia của anh, cây “Mái ấm” cũng biểu tượng cho tình cảm của anh em hemophilia – những người xa lạ mang chung 1 căn bệnh: “Chúng tôi gặp nhau từ những ngày chập chững biết đi đến khi trưởng thành, có những người thành gia lập thất chúng tôi vẫn chơi với nhau, vẫn cùng nhau chia sẻ những nỗi đau, những khó khăn và cả những niềm vui trong cuộc sống. Chúng tôi hỗ trợ nhau những lúc đi viện và cả trong cuộc sống, công việc, cùng nhau đi lên, cùng nhau phát triển và vượt qua mọi khó khăn”.
Cây bon sai này anh đã làm trong 28 ngày và bán với giá 9,2 triệu đồng
Trước khi đến với công việc này, Việt đã từng trải qua những ngày tháng rất khó khăn, bởi gia đình anh có 2 anh em cùng bị bệnh. Có nhiều thời điểm, nhà Việt thường phải ăn cơm độn ngô. Học hết lớp 9, Việt thi đỗ vào cấp 3 nhưng phải nghỉ học vì gia đình không có điều kiện cho con đi học tiếp. Việt đã từng trải qua rất nhiều công việc như làm thuê cho quán phở, làm thợ ốp lát, chạy xe ôm công nghệ…
Khó khăn nhất với chàng trai này là những ngày đầu đến với công việc làm cây bon sai, bỏ tất cả đam mê, thời gian vào đó mà thu nhập lại chưa có nhưng mỗi ngày vẫn phải đối mặt với nỗi lo cơm áo và cả tiền đi viện.
Công việc làm cây bon sai cần kết hợp dây đồng với gỗ lũa, đá non bộ, đá bán quý… Mà những nguyên liệu này lại chỉ có nhiều ở các vùng rừng núi. Từ quê nhà Phú Thọ, Việt phải chuyển lên Sơn La để tiện làm việc dù cho chặng đường đi viện càng khó khăn hơn. Mỗi khi bị chảy máu, Việt phải chịu đau đớn đi hàng trăm cây số mới đến được bệnh viện để điều trị.
Đã có rất nhiều lần Việt muốn bỏ cuộc nhưng chỉ vì nghĩ rằng: “Mỗi người sống cần có một ý nghĩa, ai cũng có thể bỏ cuộc, nhưng chúng ta bỏ cuộc thì ta sẽ trở thành bùn đất thôi. Chỉ có bước tiếp mới giúp được chính mình”, Việt lại quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng.
Và đến nay, công việc làm cây bon sai từ dây đồng đã giúp Việt có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/ tháng. Tuy thực sự chưa nhiều nhưng cũng giúp anh trang trải phần nào cuộc sống và đi viện mà không phải phụ thuộc vào gia đình. Đặc biệt là nhiều sản phẩm của anh và những người bạn trong nhóm “Nghệ thuật bon sai handmade” còn được lựa chọn để trở thành hình ảnh truyền thông cho một công ty lớn sản xuất dây diện và thiết bị điện.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Nghệ thuật bon sai handmade https://www.facebook.com/CLBBonsaiHandmade Trần Văn Việt: 0947213007 |
Trương Hằng, ảnh: NVCC
Bài viết liên quan
Bệnh máu khó đông (Hemophilia) là gì và cách điều trị
12 Tháng Tư, 2021Bệnh máu khó đông hay còn gọi là hemophilia là một bệnh chảy máu di truyền gây ra do giảm hoặc bất thường chức năng yếu tố đông máu. Đặc…
Các hoạt động kỷ niệm ngày Hemophilia Thế giới
13 Tháng Tư, 2021Năm 2021, Viện Huyết học – Truyền máu TW và Hội Rối loạn đông máu Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức kỷ niệm Ngày Hemophilia Thế giới với các hoạt…
Ai có thể bị Hemophilia và bệnh biểu hiện như thế nào?
09 Tháng Hai, 2020Hemophilia là một bệnh di truyền và hầu hết bệnh nhân hemophilia là nam giới. Bệnh gặp ở khắp nơi trên thế giới với tỷ lệ khoảng 1: 5.000 trẻ…
Chăm sóc răng miệng ở bệnh nhân có rối loạn chảy máu
13 Tháng Tư, 2021Những hướng dẫn cơ bản về cách nhận biết và đối phó với các vấn để về răng miệng cho người bệnh hemophila, người mang gen hemophilia, người bệnh von…
Gần 20 năm bà đưa cháu đi viện
15 Tháng Tư, 2021Suốt những năm qua, kể từ khi vợ chồng con gái chia tay, bà Nguyễn Thị Nhận một mình gồng gánh cả gia đình. Ở cái tuổi đáng lẽ ra…