Chắt chiu giọt máu mùa dịch
TTO – Mùa dịch bệnh sau Tết Nguyên đán, kho máu ở Viện Huyết học – truyền máu trung ương trống hoác rất đáng lo. Mỗi bịch máu lúc này như một “miếng khi đói”.
Vắng hẳn các đợt hiến máu rầm rộ, người hiến máu tình nguyện chỉ còn vài chục mỗi ngày. Ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, thời điểm sau tết, nửa tháng trời không có nổi 500 bịch máu. Trong khi hồi không có dịch, ngày ít cũng có 1.200 người đi hiến máu…
Hiến máu trong tâm dịch
Chiếc ghế dành cho người hiến máu kê xích ra cỡ non một sải tay. Cả căn phòng hơn 20 ghế trước đây giờ chỉ kê được 6 ghế, số còn lại chuyển sang hội trường. Điều dưỡng Triệu Thị Ngọc Huyền giải thích vì mùa dịch nên phải “giãn” không gian đề phòng lây bệnh.
Cô điều dưỡng đeo khẩu trang che kín mặt, chu đáo chỉnh chiếc máy lấy máu bên cạnh tôi: “Anh chịu khó một tí, em để chế độ lấy chậm. Ven anh bé, không lấy nhanh được”.
Nghe Huyền nói những ngày có dịch, điều dưỡng viện “nhàn” một cách… thật buồn. Cô không còn chạy “bở hơi tai” trong các đợt hiến máu tình nguyện, cũng không còn giúp nhiều người hiến máu trong ca trực. Một điều dưỡng khác ngồi bàn bên nhìn những chiếc ghế chờ trống hoác mà nén tiếng thở dài.
Huyền chạy qua bàn kế bên cắm kim cho Tandy Nathan Jackson, người Mỹ định cư ở Hà Nội 3 năm. Làm giáo viên tiếng Anh, dịch COVID-19 buộc học sinh nghỉ, Tandy “ở nhà vợ nuôi”.
Anh Tandy Nathan Jackson tham gia hiến máu tại Việt Nam.
Mẹ là điều dưỡng một bệnh viện nhỏ ở quê nhà, anh từng hiến máu cả chục lần ở Mỹ. Sang Việt Nam, anh tìm đến Viện Huyết học vì nghe lời kêu gọi hiến máu trong mùa dịch của cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam. “Em muốn làm gì đó cho đất nước anh chị” – Tandy nói.
Nghe chuyện Tandy, bà Sơn (58 tuổi, ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) cũng trải lòng. Cũng lần đầu đi hiến máu, bà kể nhà mình ở gần cổng Viện Nhi trung ương, khu nhiều người nghèo trọ để chữa bệnh cho con.
Có lần đi chợ, bà gặp một phụ nữ ẵm đứa trẻ chừng 3 tuổi, gầy quắt queo. Thằng bé trên tay vẫn đeo gạc, lờ đờ ngủ. Người mẹ mắt đỏ hoe. Chị phải chuyển viện cho con. Bác sĩ bảo bé bệnh tan máu bẩm sinh, phải sang Viện Huyết học điều trị, truyền máu suốt đời.
Cho đi nguồn sống, bà Sơn chỉ mong máu mình giúp được ai đó kéo dài sự sống. “Lúc bệnh dịch thế này, ít người hiến máu, việc làm của mình lại càng quý” – bà Sơn chia sẻ.
Sau Tết Nguyên đán, ít người hiến máu, kho máu gần như cạn kiệt. Ngay cả kho máu O, nhóm máu nhiều nhất, cũng trống hoác. Hơn một tháng sau, cả nước vận động hiến máu, mỗi ngày có hàng nghìn người hiến máu, hàng trăm lịch hiến máu tình nguyện được đưa vào kế hoạch. Nhưng lượng máu thu được cũng chỉ như muối bỏ bể.
Lịch hiến máu là cả một đợt vận động hiến máu tình nguyện. Các đợt vận động này có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người hiến máu. Đây là lượng máu chính cung cấp cho Viện. Người đi hiến máu tại các điểm tiếp nhận hiến máu nhân đạo chỉ bằng 1/15 nhu cầu.
Cần máu cho người bệnh
Mỗi ngày, Viện Huyết học – Truyền máu TW cần hơn 1.500 túi máu. Số máu này cung cấp cho 170 bệnh viện. Thế nhưng vào thời “dịch dã”, cả ngày chỉ có 70 túi máu được đưa về kho, có ngày khá hơn thì được gần 200 đơn vị máu.
Ngay trên trung tâm máu của viện, tầng 3 là Trung tâm Thalassemia (điều trị bệnh tan máu bẩm sinh). Bệnh nhân Lãnh Văn Đông từ Bắc Giang mới đến viện theo lịch. Đông 32 tuổi nhưng trông như học sinh lớp 5. Bệnh tan máu bẩm sinh khiến mặt Đông biến dạng. Sống mũi bị căn bệnh quái ác “ăn” mất. Gương mặt tái lạnh nhưng đôi mắt còn sáng.
Cứ hơn một tháng, Đông lại phải đến Viện Huyết học – Truyền máu TW để điều trị. Đối với cậu thanh niên 32 tuổi thì viện như ngôi nhà thứ hai. Ngày mới 5 tuổi, bác sĩ phát hiện Đông bị bệnh nan y – bệnh thiếu máu tán huyết bẩm sinh. Cả nhà ngược xuôi để lo cho cậu điều trị ở Viện Nhi trung ương. Hết tuổi, Bệnh viện Nhi giới thiệu cậu sang Viện Huyết học – truyền máu. “Mới đó mà em sống với viện cũng được 27 năm rồi” – Đông nói tự nhiên, không than thở.
Trong căn phòng hơn 8 giường bệnh, 6 đứa trẻ chừng 9, 10 tuổi bịt khẩu trang, cổ tay vẫn đeo đầu chờ của kim truyền, mắt nhợt nhạt nhưng vẫn vô tư cười nói.
Góc phòng, chị Hoàng Thị Loan (Ý Yên, Nam Định) ôm con trai vào lòng. Bé Hải mới 7 tuổi đã 6 năm sống ở viện. Chị kể Hải được 3 tháng tuổi thì bác sĩ chẩn đoán bị tan máu bẩm sinh. Bệnh viện huyện chuyển lên tỉnh. Viện tỉnh lại chuyển lên Bệnh viện Nhi trung ương. Được 9 tháng thì bệnh viện chuyển sang Viện Huyết học. Vợ chồng chị Loan bỏ ruộng, bán lợn lên Hà Nội chăm con…
Dịch bệnh, người dân sợ lây không đi hiến máu, chị Loan đâm lo. Chị bảo nếu truyền máu mà tiết kiệm được như bữa cơm độn sắn ở quê thì chị sẵn sàng ăn cơm độn để dành cho con. Điều dưỡng trưởng của khoa khẳng định có thiếu đến mấy thì viện cũng dành đủ số máu để điều trị cho bệnh nhân, ở đây bệnh nhân nào cũng rất “hoàn cảnh”.
Giai đoạn đầu dịch COVID-19, khi lượng máu trong kho thiếu hụt, những người hiến máu đầu tiên là cán bộ ngành y. Từ công đoàn ngành y tế, Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình, Cục Bảo vệ môi trường đến các bệnh viện như Bạch Mai, Viện K, Bệnh viện Phổi… đều đi hiến máu. Con số hơn 5.000 đơn vị của cán bộ ngành y tạo hiệu ứng truyền thông tốt. Những ngày tiếp theo, có thêm 9.000 đơn vị máu nữa được tiếp nhận.
Mọi việc tưởng suôn sẻ cho đến ca nhiễm thứ 17 được công bố. Ở các điểm tiếp nhận máu, người đi hiến máu cũng được phòng dịch cẩn thận như sát khuẩn, khai báo y tế, giãn khoảng cách… Tuy nhiên, thời điểm dịch bùng phát, cơ quan y tế cũng khuyến cáo người dân không đi đến chỗ đông người, tránh tiếp xúc nên rất khó có thêm các đợt hiến máu tình nguyện đông vui như ngày thường.
An toàn hiến máu mùa dịch
Theo ông Bạch Quốc Khánh – viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, do ảnh hưởng dịch bệnh giai đoạn 2, những điểm hiến máu thưa thớt người đến. Nhiều đơn vị có kế hoạch tổ chức hiến máu trong tháng 3 đều thông báo hoãn lịch hiến máu và khả năng sẽ còn tiếp tục hoãn.
Từ ngày 7-3 đến nay, 70 lịch hiến máu với khoảng 12.000 đơn vị máu trong tháng 3 đã bị hoãn.
Những chiếc ghế vắng người hiến máu trong những ngày chống dịch.
Với phương châm “Hiến máu an toàn – Đừng ngại COVID-19”, viện sẽ đảm bảo công tác tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A: An toàn cho người hiến máu, An toàn cho người bệnh nhận máu và An toàn cho nhân viên y tế.
Vũ Tuấn (theo báo Tuổi trẻ)
Bài viết liên quan
Giữa dịch COVID-19: MC Phan Anh, hoa hậu Ngọc Hân, diễn viên Hồng Diễm, Đan Lê cùng nhau hiến máu
23 Tháng Ba, 2020“Người bệnh cần chúng ta hành động. Nếu không hành động, thì sự sống của đồng bào mình có thể gặp hiểm nguy”. Suy nghĩ ấy đã thôi thúc MC…
COVID-19: Chưa có bằng chứng lây truyền qua đường máu
10 Tháng Ba, 2020Các tài liệu hiện có liên quan đến dịch bệnh do vi rút corona gây ra như SARS, MERS hay COVID-19 đều chưa cho thấy bằng chứng về việc các…
Độc đáo sản phẩm thiết kế kêu gọi hiến máu mùa COVID-19
21 Tháng Ba, 2020Nhiều sản phẩm thiết kế độc đáo, thú vị đã được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thực hiện thời gian vừa qua nhằm đẩy mạnh hoạt động…