Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Chế độ ăn để khắc phục các tác dụng phụ do truyền hóa chất

Chị Nguyễn Thị T. có con gái bị ung thư máu hiện đang truyền hóa chất đợt thứ nhất. Khi đó, con gái chị thường xuyên chán ăn, nôn liên tục. Chị nhận được nhiều lời khuyên về cách giúp con giảm tình trạng buồn nôn và nôn, có người khuyên chị nên dùng liệu pháp thực vật để đào thải độc tố, người khác lại chia sẻ kinh nghiệm dùng thực phẩm chức năng để khắc phục vấn đề này…

Trên thực tế, quá trình truyền hóa chất có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh như: chán ăn, buồn nôn, đau miệng, tiêu chảy/ táo bón… ThS. Phan Kim Dung, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã có những tư vấn hết sức cụ thể về chế độ ăn uống để giúp người bệnh ung thư máu khắc phục các tác dụng phụ do truyền hóa chất.

Người bệnh chán ăn hoặc ăn không ngon miệng 

  • Không nên uống trước khi ăn ít nhất 30 phút
  • Chế biến thực phẩm kích thước nhỏ, chia nhiều bữa ăn trong ngày
  • Ăn ít một và ăn thường xuyên, với những bữa ăn nhẹ, nhỏ xen kẽ giữa các bữa ăn chính.
  • Chọn thực phẩm giàu năng lượng (như trứng tráng, phô mai và bánh quy…)
  • Bổ sung các thực phẩm năng lượng cao như dầu ô liu, kem, phô mai hoặc sữa bột đã tiệt trùng.

Buồn nôn và nôn do truyền hóa chất

  • Ăn thức ăn khô như bánh quy giòn, bánh mì nướng hoặc cơm
  • Thêm gừng vào chế độ ăn uống của bạn (gừng làm gia vị chế biến, trà gừng, bánh quy gừng,..)
  • Để lạnh thức ăn, nếu tự phục vụ thì có thể nấu bằng lò vi sóng giúp giảm thiểu mùi thức ăn gây cảm giác buồn nôn.

Các vấn đề liên quan đến miệng do truyền hóa chất

  • Đau miệng Ăn thức ăn nhạt, mềm, ẩm, chế biến kích thước nhỏ, có thể để lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng. Tránh thức ăn nhiều gia vị, cần súc miệng ngay sau ăn bằng các loại nước súc miệng không chứa cồn.
  • Mất vị giác: Thêm hương vị vào các món ăn (như thịt chiên hoặc nướng nếu không bị đau, nhiệt miệng).
  • Khô miệng: Ăn các loại thức ăn mềm, lỏng có vị chua/ngọt (nước chanh, cam, kẹo cứng để ngậm / hoặc nhai kẹo cao su nếu không có triệu chứng đau nhiệt miệng), giữ cho môi ẩm bằng cách thường xuyên nhấp nước cho bệnh nhân hoặc bôi vaselin dưỡng ẩm.

Các vấn đề khác do truyền hóa chất

  • Tiêu chảy: Tránh thức ăn thớ to (các loại hạt, rau sống), hạn chế thức ăn nhiều chất béo và các loại thực phẩm sinh hơi (hành tỏi, bắp cải và nước có gas), bù nước điện giải, uống ít nhất một cốc nước sau mỗi lần đi tiêu lỏng.
  • Táo bón: Tăng cường chất xơ, nhiều rau, tăng thành phần xơ trong khẩu phần ăn, uống nhiều nước ấm.
  • Tăng cân do dùng corticoid: Hạn chế lượng muối trong thức ăn, giới hạn lượng thức ăn, tăng lượng protein thực vật, ngũ cốc, rau, hạn chế đồ ăn nhẹ có lượng calo cao giữa các bữa ăn.

Chú ý: Với người bệnh truyền hóa chất, các triệu chứng thay đổi theo từng ngày, hoặc theo từng đợt điều trị vì vậy cần có sự theo dõi sát của nhóm điều trị (bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc và tư vấn viên khoa dinh dưỡng) để điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.

Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế thực hiện khám, tư vấn, theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh nội trú, ngoại trú; điều trị bằng chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh; xây dựng bộ thực đơn áp dụng tại Viện, hướng dẫn tư vấn thực đơn khi bệnh nhân ra viện; tổ chức phục vụ suất ăn dinh dưỡng và kiểm tra các quy định về an toàn thực phẩm trong bệnh viện…

Nếu người bệnh, người nhà người bệnh có băn khoăn, thắc mắc về chế độ dinh dưỡng, hãy liên hệ trực tiếp với nhân viên tư vấn dinh dưỡng tại Khoa Điều trị hoặc Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế (Địa chỉ: Tầng 1-2 tòa nhà D, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) để nhận được những lời khuyên hữu ích, kịp thời trong quá trình điều trị.

Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế

Viện Huyết học – Truyền máu TW

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan