Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Chuyện mùa Vu lan của những người con bệnh máu

Trên chặng đường cùng con chiến đấu với những căn bệnh máu hiểm nghèo, có những người cha, người mẹ sẵn sàng bán nhà để chữa bệnh cho con, họ không cần con đền đáp mà chỉ mong con khoẻ mạnh, hạnh phúc là đã đủ mãn nguyện. Trong mùa Vu lan hiếu hạnh, cảm xúc của những người con bệnh máu điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu TW lại càng dâng trào, đưa họ trở về với ký ức không thể phai mờ trong vòng tay cha mẹ.

Từ khi còn nhỏ, chị Phạm Thị Thoan (hiện nay 40 tuổi, quê ở Nam Định) đã bắt đầu phải sống phụ thuộc vào truyền máu vì bị bệnh tan máu bẩm sinh. Điều may mắn và hạnh phúc là chị luôn có một “điểm tựa” cực kỳ vững chắc, tiếp thêm cho chị sức mạnh, tự tin để vượt lên số phận. “Điểm tựa” ấy chính là bố mẹ thân yêu và chồng. Bố mẹ chị đã thế chấp “mảnh đất cắm dùi” của cả gia đình và sẵn sàng “ra ngoài đường ở” cho con được điều trị.

Nhiều năm trước, bệnh tan máu bẩm sinh chưa được hưởng bảo hiểm y tế nên bố mẹ chị phải xoay xở, vay mượn từ họ hàng, làng xóm đến ngân hàng mới có tiền đưa con đi viện. Nghĩ về khoản nợ ngân hàng suốt bao năm không trả được, bố mẹ chị luôn canh cánh nỗi lo đến một ngày phải bán nhà trả nợ.

Khi ấy, Thoan cảm thấy mình như một gánh nặng, cô bé không muốn vì để mình được sống mà cả gia đình phải hy sinh. Vì thế mà Thoan đã có những suy nghĩ tiêu cực, muốn được “giải thoát” nên không đi viện suốt một thời gian dài.

Hiểu được tâm lý của con gái, bố chị với tình thương và cả sự nghiêm khắc đã giúp chị vượt qua quãng thời gian ấy. Chị Thoan nhớ lắm từng lời bố thủ thỉ: “Chỉ cần gia đình mình lúc nào cũng quây quần bên nhau, đầy đủ thành viên, không có nhà thì chuyển ra thuyền ở cũng chẳng sao.

Bố mẹ đã dốc hết sức để lo cho con chữa bệnh, nếu buông bỏ thì quá đơn giản, con phải cố gắng sống, chiến thắng bệnh tật, phải biết chịu trách nhiệm với thân thể mà cha mẹ dành cho…”. Chính từ giây phút ấy, chị quyết tâm không cho phép bản thân bỏ cuộc.

Nhờ những lời động viên của bố, chị Thoan không chỉ tích cực chữa bệnh mà còn nỗ lực tìm kiếm việc làm để trở thành người có ích. Chị đã trải qua rất nhiều công việc như làm đồ gỗ, mở cửa hàng may, cho thuê sách – truyện, bán hàng thuê…  Nhưng do sức khoẻ yếu và vẫn phải thường xuyên đi viện nên chị nhiều lần phải nghỉ việc và đóng cửa hàng. Mỗi khi con gái khó khăn, thất bại, bố mẹ không hề trách mà luôn động viên chị bằng những câu như: “Việc này không làm được thì làm việc khác”; “Chữa bệnh là quan trọng nhất, thất bại thì mình làm lại con ạ”.

Bố mẹ đã tận tình chỉ bảo cho cô gái trẻ đi dần từng bước nhỏ để tự lập, định hướng cho chị những công việc phù hợp, luôn công nhận và khích lệ chị: “Con làm việc gì cũng được, miễn là có việc làm, tiền không cần nhiều chỉ cần ổn định, ngày 10 nghìn cũng được, cũng đủ tiền mua rau ăn. Sau này, bố mẹ mất sẽ không lo con bố chết đói và con cũng không phải sợ”.

Hiểu được bố mẹ lo cho tương lai của mình rất nhiều, chị Thoan càng quyết tâm phải làm được một việc gì đó ổn định để bố mẹ yên lòng. Năm 34 tuổi, cô gái trẻ đã quyết định “khởi nghiệp” bằng cách mở một tiệm giặt là phục vụ cho người bệnh có hoàn cảnh giống mình tại Viện Huyết học – Truyền máu TW.

Vượt qua những ngày đầu khó khăn, cửa hàng của chị Thoan đã có một lượng khách hàng ổn định. Hiện nay, chị Phạm Thị Thoan đã kết hôn, có một cậu con trai đáng yêu và mua được một căn nhà nhỏ ở Hà Nội.
Trong mùa Vu lan, chị xúc động bày tỏ: “Bố mẹ là điều tuyệt vời nhất khi con được sinh ra làm kiếp người này. Con yêu bố mẹ rất nhiều và cảm ơn cuộc đời nay đã cho con được làm con của bố mẹ”.

Cũng như chị Thoan, chị Dương Thị Chiến (hiện nay 32 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) cũng may mắn và hạnh phúc biết bao khi đồng hành cùng chị trên chặng đường chiến đấu với bệnh ung thư máu luôn có người cha yêu thương con vô bờ bến.

Thời điểm được tin đứa con gái mới 15 tuổi của mình mắc bệnh ung thư máu chắc chắn sẽ là khoảng thời gian mà ông Dương Hoàn Vị, cha của chị Chiến không bao giờ quên được. Trong hiểu biết của người đàn ông Hà Tĩnh bình dị ấy có lẽ chưa từng xuất hiện ý nghĩ về căn bệnh nguy hiểm này. Đối diện với cơn sóng lớn của cuộc đời bất ngờ ập đến không một lời báo trước, người cha ấy nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, sẵn sàng cùng con gái bước vào cuộc hành trình dài đầy chông gai phía trước.

Ban đầu, cha chị Chiến không muốn để con gái phải chịu cú sốc lớn một cách đột ngột nên cố gắng nén nỗi đau vào lòng, giấu con sự thật và chỉ âm thầm gọi điện về cho vợ chuẩn bị tiền chạy chữa cho con. Hình ảnh người cha lặng lẽ, sẵn sàng gánh chịu mọi giông bão cuộc đời thay con vẫn còn im đậm trong tâm trí của chị Chiến đến mãi tận sau này.

Chị Chiến cùng cha trải qua chặng đường dài vừa đi học, vừa đi khám định kỳ tại Viện Huyết học – Truyền máu TW và uống thuốc nhắm đích. Dù có lúc hoang mang, nhiều khi mệt mỏi nhưng chị không hề cảm thấy cô đơn vì luôn có cha bên cạnh. Cứ 15 ngày một lần, cha lại chở chị trên chiếc xe máy cũ để ra đường lớn bắt xe đi viện. Có những ngày mưa gió, bão bùng, rét cắt da cắt thịt, có hôm nước ngập nửa bánh xe, cha vẫn vui vẻ, lạc quan, động viên chị cố gắng.

Sau 7 năm uống thuốc nhắm đích, khả năng đáp ứng thuốc của chị ngày càng kém hơn. Chị thường xuyên bị nôn, đau đầu, đau xương và mệt mỏi. Dù gia đình không khá giả nhưng cha vẫn dồn hết sức cho chị được ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu TW. Trong những ngày nằm viện, bữa cơm của cha thường chỉ có rau và nước mắm, khi con gái ăn phở thì cha mua vài chiếc bánh mỳ không chấm với nước phở là xong. Tất cả những gì trọn vẹn nhất, tốt nhất có thể làm, cha đều muốn dành cho chị.

Hành trình ghép tế bào gốc đầy gian nan, vất vả, cũng có lúc chị Chiến nghĩ ca ghép sẽ thất bại. Chị đã hỏi cha: “Nếu ca ghép không thành công cha có tiếc tiền không ạ?”

Người nông dân chất phác ôm và xoa đầu đứa con gái nhỏ thì thầm: “Dù có phải dốc hết tiền của, bán hết nhà cửa để chữa bệnh cho con, cha cũng luôn sẵn sàng đánh đổi”.

Rồi ông trời cũng không phụ lòng người, trong cuộc chiến với bệnh tật để giành lại sự sống, chị Chiến là người thắng cuộc. Sau 17 năm bị ung thư máu, chị đã có một cuộc sống bình yên bên cạnh “gia đình nhỏ” của mình.

Chị tâm sự: “Em luôn là nỗi lo lắng của cha mẹ, mặc dù đã có chồng con nhưng cha mẹ vẫn luôn đùm bọc, yêu thương. Đến tuổi này, em vẫn chưa làm được gì để báo hiếu cha mẹ nhưng chắc chỉ cần em khoẻ mạnh, hạnh phúc là cha mẹ đã vui rồi!”.

Quang Hải – Trương Hằng, Thiết kế: Hạnh Toàn

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan