Cúm gia cầm trên người: Có thể bạn chưa biết?
Ngày 23/3/2024, một bệnh nhân nam tại Khánh Hòa đã tử vong do nhiễm cúm gia cầm (cúm A/H5N1). Đây là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó người dân cần hết sức lưu ý trong sinh hoạt hàng ngày để phòng tránh việc bị lây nhiễm virus cúm A/H5N1.
1. Bệnh cúm A/H5N1 có nguy hiểm không?
Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, vi rút gây H5N1 là một chủng cúm A có độc lực cao, có đến 50% người mắc diễn tiến nặng và tử vong.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ tháng 12-2003 đến 6-2008 đã có 243 người tử vong do cúm gia cầm trong số 385 ca nhiễm H5N1 tại 15 nước, chủ yếu ở châu Á. Tại nước ta, từ năm 2003 đến nay ghi nhận 128 người nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 65 người tử vong (50,8%).
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho biết thêm cúm A có nhiều chủng, trong đó chủng H5N1 có độc lực cao nhất, với tỉ lệ tử vong rất cao lên đến 50%.
Triệu chứng của cúm A/H5N1: sốt cao, ho, đau họng, đau cơ, đau khớp, đặc biệt bệnh nhân bị khó thở và diễn biến xấu rất nhanh sau đó.
2. Nguyên nhân gây bệnh cúm A/H5N1:
Virus cúm A/H5N1 có nhiều trong chất bài tiết như dịch mũi họng, phân gia cầm bệnh, bụi và đất. Do đó, cần chú ý các nguyên nhân gây bệnh sau đây:
- Tiếp xúc với đồ dùng bị nhiễm chất bài tiết của gia cầm bệnh.
- Hít phải không khí có chứa bụi từ phân gia cầm.
- Sử dụng thực phẩm từ gia cầm bệnh được chế biến chưa chín hoặc không hợp vệ sinh, ví dụ: ăn tiết canh, trứng sống,…
- Xử lý gia cầm chết không đảm bảo an toàn.
3. Cần làm gì để phòng tránh lây nhiễm virus cúm A/H5N1
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
- Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H5N1) lây từ người sang người.
- Những điều cần tránh khi chế biến thực phẩm để tránh mắc bệnh cúm A/H5N1
- Không dùng chung dao hoặc bề mặt khi chế biến thịt sống và thịt chín
- Không đặt thức ăn đã nấu chín lên cùng bề mặt với thực phẩm sống trước đó
- Rửa tay bằng xà phòng và nước trước và sau khi xử lý thịt gia cầm sống và các khu vực chế biến.
- Vệ sinh bếp thường xuyên sẽ giúp hạn chế sự phát triển của các loại vi sinh vật này
- Rửa sạch sẽ các dụng cụ chế biến thực phẩm với dung dịch tẩy rửa sau khi sử dụng và cất ở kệ đựng có lưới thoát nước, khô ráo.
- Vệ sinh sạch sẽ các bề mặt bếp, tường, bồn rửa hàng ngày, thường xuyên vệ sinh và lau sạch bề mặt cánh tủ lạnh và các vị trí tay thường tiếp xúc trong khu vực bếp (tay cầm tủ bếp…).
Thùy Trang – Gia Thắng (Tổng hợp)