Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Cuộc điện thoại lúc 4h sáng và niềm vui cứu người xa lạ bằng những giọt máu hiếm

4h sáng, chuông điện thoại chị Nga đổ hồi dài. Một người bị tai nạn giao thông có nhóm máu hiếm đang cần chị giúp đỡ. “Ở đâu ạ?” – TP HCM. Hơn 130km, chị nhẩm tính rồi tức tốc đón chuyến xe sớm nhất. Họ đang cần mình…

Đó là cuộc gọi từ Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) năm 2019, khi ấy chị Lê Thị Nga 38 tuổi. Chiếc xe lao đi nhanh. Gần 8h sáng, chị có mặt ở Bệnh viện. Người bệnh đã qua cơn nguy hiểm nhờ những giọt máu hiếm của chị.

Năm 2021, chị Lê Thị Nga (tỉnh Bình Phước) được vinh danh là người hiến máu tiêu biểu toàn quốc, không phải chỉ vì những lần đi hiến máu lúc rạng sáng đó.

Đi hiến máu chỉ vì “tình cờ và tò mò”, chị không ngờ đó lại là bước ngoặt của cuộc đời mình. Lần đầu đi hiến máu năm 2009, chị được thông báo mang nhóm máu hiếm O Rh(D) âm.
“Sao lại là hiếm? Thế có nguy hiểm lắm không? Có nhiều người bị như mình không? Mình có thể sống bình thường hay không?” – chị nhớ lại cảm xúc khó tả khi đó.

Chị Lê Thị Nga trong một lần đi hiến máu

Được bác sĩ tư vấn, rồi đọc các tài liệu trên mạng, chị bảo chị tìm thấy “cộng đồng” của mình khi được Hội Chữ thập đỏ tư vấn và mời vào Câu lạc bộ nhóm máu hiếm của Bệnh viện Chợ Rẫy.

Biết mình mang nhóm máu hiếm, chị thấy cần phải có trách nhiệm, phải chăm sóc bản thân hơn, từ ăn uống và sinh hoạt điều độ. Chị nói mang nhóm máu hiếm, nhưng sẽ quý hơn khi mình cho đi để cứu sống một ai đó. Chăm sóc tốt bản thân cũng là cách để bảo vệ sức khỏe của nhiều người khác lúc họ cần mình.

Mỗi năm, đều đặn chị Nga hiến máu 3 lần. Đặc biệt là khi có người cần khẩn cấp nhóm máu này, người phụ nữ sinh năm 1981 có nụ cười tươi rói đều sẵn sàng tham gia hiến tặng mà không chút nề hà.

Người tuyên truyền viên 43 lần hiến máu
“Phải làm gương và làm “bằng chứng sống” chứng minh cho việc hiến máu không có hại cho sức khỏe chứ” – anh Huỳnh Phước Lộc cười giải thích cho việc cứ đi vận động là lại “xắn tay” hiến máu. Đến nay, anh tham gia hiến máu 43 lần. “Nhìn tôi đi, vẫn khoẻ mạnh, yêu đời mà, đúng không?” – anh cười.

Anh Huỳnh Phước Lộc – người cứ đi vận động là lại “xắn tay” hiến máu.

Năm 2004, chuyện vận động người dân hiểu và tham gia hiến máu tại tỉnh An Giang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều người còn phản đối việc cho máu. Nếu bắt buộc phải đến điểm hiến máu vì chỉ tiêu cấp trên giao xuống thì họ cũng nghĩ ra hàng trăm lý do để tìm cách từ chối.

“Buồn và bất lực lắm!” – anh Lộc nhớ lại. Vị cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang học ngành Y, rất hiểu việc hiến máu không ảnh hưởng tới sức khỏe, nhưng để truyền thông cho người dân hiểu thì không phải dễ.

Mưa dầm thấm lâu, khó mấy cũng phải làm vì người bệnh cần máu. Kiên trì, giờ đây anh Lộc có thể tự hào khi sau bao nhiều năm anh vừa tuyên truyền vận động vừa trực tiếp hiến máu, dần dần người dân cũng hiểu được ý nghĩa của việc hiến máu cứu người nên tham gia ngày càng nhiều hơn.

“Đó thực sự là hạnh phúc của những tuyên truyền viên vận động hiến máu như chúng tôi” – anh Lộc chia sẻ.

Mỗi lần hiến máu là một kỷ niệm đẹp
“Mỗi lần tham gia hiến máu là một mệnh lệnh từ trái tim của mình. Bởi sự sống, hơi thở của những bệnh nhi mắc tim bẩm sinh đang chờ chúng ta” – anh Huỳnh Thanh Hùng ở TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ.

Anh Hùng đã có 74 lần hiến máu. Anh nói những lần hiến máu cho các em nhỏ mổ tim là những lần anh nhớ nhất. Các em còn bé quá, lại phải trải qua sự đau đớn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Mỗi khi có thông tin kêu gọi hiến máu cho các em nhỏ, người đàn ông 43 tuổi lại sẵn sàng tham gia ngay.

“Mình khoẻ mạnh, cớ gì không giúp các em nhỏ đang thập tử nhất sinh?” – anh Huỳnh Thanh Hùng nói.

Với những người như chị Nga, anh Lộc, hay Hùng và hàng triệu người tham gia hiến máu trên đất nước Việt Nam, có lẽ phần thưởng lớn lao nhất, quý giá nhất đó là được góp phần mang lại sự sống cho người khác, nó không thể đong đếm bằng tiền bạc hay vật chất…

Anh Hùng nhớ lại sau một lần tham gia hiến máu, anh bàng hoàng, hoang mang khi nhận thông báo nghi ngờ nhiễm virus viêm gan C.

“Lo cho mình thì ít, buồn vì nếu nhiễm thật thì từ đây sẽ không có cơ hội tham gia hiến máu nữa” – anh nhớ lại. Nhưng “ông Trời thử lòng người”, anh được giới thiệu đi xét nghiệm lại và cho kết quả âm tính. Vui lắm! Cảm giác của anh lúc đó như “chết đuối vớ được cọc” bởi anh vẫn có thể làm điều mình thích – Hiến máu cứu người.

Từ năm 2004, ngày 14/6 được chọn là Ngày Quốc tế Người hiến máu. Năm 2021, thông điệp của Ngày Quốc tế Người hiến máu – 14/6 được Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Giữ nhịp đập trái tim”. Thông điệp này nhằm tôn vinh và tri ân những người sẵn sàng hiến giọt máu quý giá để giữ nhịp đập trái tim của người bệnh đang hàng ngày cần máu; đồng thời khuyến khích chính người hiến máu giữ sức khỏe để hiến máu thường xuyên.

14/6 hàng năm là ngày hội đặc biệt của những người hiến máu tiêu biểu trên toàn quốc. Năm nay do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang biễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện quyết định tạm hoãn chương trình Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc 2021 tới thời điểm phù hợp và an toàn.

Theo Vương Tuấn – giadinh.net.vn
Ảnh: NVCC

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan