Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Cứu sống trẻ sơ sinh bất đồng nhóm máu mẹ con hiếm gặp

Bé Nguyễn Thị N. vừa mới chào đời chưa đầy 1 ngày tuổi đã bị vàng da, tan máu mức độ nặng. Ngay lập tức, bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi TW, tại đây các bác sĩ chẩn đoán bé N. bị vàng da, tan máu, có thể nguyên nhân là do bất đồng nhóm máu mẹ, con.

Ca bất đồng nhóm máu mẹ con hiếm gặp…

Cháu bé cần được truyền thay máu càng sớm càng tốt nhưng Bệnh viện Nhi TW đã thực hiện phản ứng hòa hợp giữa huyết thanh của bệnh nhi với 38 đơn vị khối hồng cầu nhóm O, Rh(+) song vẫn không lựa chọn được đơn vị máu phù hợp với cháu.

Hiện tượng bất đồng nhóm máu mẹ con nói chung, cũng như trong trường hợp của cháu N. nói riêng, nếu được phát hiện sớm và điều trị, thay máu kịp thời sẽ ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe của đứa trẻ. Tuy nhiên, lúc này, nếu để chậm trễ, lượng bilirubine trong máu tăng cao có thể làm cháu bé bị nhiễm độc thần kinh, đưa đến những di chứng về tâm thần và vận động về sau, thậm chí có thể gây tử vong.

Trong tình thế cấp bách, Bệnh viện Nhi TW đã gửi mẫu máu của cả mẹ và con sang Viện Huyết học – Truyền máu TW yêu cầu lựa chọn đơn vị máu phù hợp để thay máu cho cháu bé. Các cán bộ, nhân viên của Khoa Huyết thanh học nhóm máu của Viện đã nhanh chóng tiến hành các xét nghiệm: sàng lọc, định danh kháng thể bất thường và đã xác định được có 4 loại kháng thể bất thường phối hợp là: Anti C, anti e, anti Mia và anti Jkb) trong máu của bệnh nhi và mẹ.

PGS.TS. Bùi Thị Mai An, Trưởng Khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Đây là một ca bất đồng nhóm máu mẹ con khó, hiếm gặp vì giữa bệnh nhi và mẹ có bất đồng tới 4 kháng nguyên của 3 hệ nhóm máu là: Hệ Rh (kháng nguyên C, e), hệ Kidd (Kháng nguyên Jkb) và hệ MNS (Kháng nguyên Mia). Trường hợp bệnh nhi này rất may mắn vì trước đây, nếu gặp ca bệnh tương tự thì rất khó có thể lựa chọn được đơn vị máu hòa hợp với bệnh nhân. Hiện nay, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã có bộ panel hồng cầu sàng lọc, định danh kháng thể bất thường được sản xuất ngay tại Viện để xác định các kháng thể bất thường. Đồng thời, Viện cũng đã xây dựng được “Ngân hàng người hiến máu có nhóm máu hiếm”, vì vậy đã lựa chọn thành công được đơn vị máu phù hợp kháng nguyên nhóm máu để truyền thay máu kịp thời, cứu sống cháu bé”.

Hình ảnh cháu Nguyễn Thị N.

Sau khi được truyền máu và điều trị, tình trạng của bé dần ổn định, 2 ngày sau đó cháu đã được ra viện. Chị Trần Thị L, mẹ bé Nguyễn Thị N. chia sẻ: “Khi cháu vừa mới sinh đã bị bất đồng nhóm máu mẹ con, gia đình tôi đã rất lo lắng, đến khi biết được chưa có máu để truyền cho cháu gia đình lại càng lo lắng, sốt ruột hơn. Nhưng nhờ sự nhiệt tình của các bác sĩ ở Viện Nhi và Viện Huyết học nên cháu đã được cứu chữa. Tôi cảm thấy gia đình mình thực sự rất may mắn và vô cùng biết ơn các bác sĩ”.

Làm chủ kỹ thuật sàng lọc, định danh kháng thể bất thường

Hiện nay, nước ta mới chỉ có một số cơ sở y tế tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (trong đó có Viện Huyết học – Truyền máu TW) thực hiện được kỹ thuật sàng lọc, định danh kháng thể bất thường. Điều đặc biệt hơn, tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, kỹ thuật này được thực hiện bằng chính bộ panel hồng cầu do Viện sản xuất.

Từ thực tiễn về nhu cầu chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, các cán bộ y tế của Viện đã tìm tòi, nghiên cứu và bảo vệ thành công Dự án Khoa học công nghệ cấp Nhà nước “Hoàn thiện quy trình sản xuất, bảo quản và cung cấp panel hồng cầu cho các cơ sở truyền máu trong toàn quốc để nâng cao chất lượng dịch vụ truyền máu tại Việt Nam”  (Dự án do GS.TS Nguyễn Anh Trí là chủ nhiệm và PGS.TS. Bùi Thị Mai An là thư ký) vào năm 2010.

bất đồng nhóm máu mẹ con

Qua đó, Viện đã trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước sản xuất được bộ panel hồng cầu và hồng cầu mẫu đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có đặc tính phù hợp với nhân chủng học người Việt Nam, thời gian sử dụng thực tế dài hơn và giá thành sản phẩm chỉ bằng từ ¼ đến ½ so với sản phẩm được nhập ngoại nên đã được đưa vào sử dụng tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc để bảo đảm an toàn truyền máu cho người bệnh.

Qua thời gian sử dụng, Dự án ngày càng thể hiện được tính hiệu quả đúng như GS.TS.NGND. Phạm Gia Khánh – nguyên Giám đốc Học viện Quân y đã nhận định: “Kết quả xuất sắc của dự án đã mở ra một trang mới cho ngành truyền máu trong việc bảo đảm an toàn truyền máu cho người bệnh tại Việt Nam”.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: 

Cần xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường cho sản phụ, đặc biệt là những sản phụ có tiền sử mang thai, sinh đẻ, sảy thai nhiều lần (Đây là quy định bắt buộc theo thông tư số 26/2013/TT- BYT của Bộ Y tế về “Hướng dẫn hoạt động truyền máu”) nhằm phát hiện kháng thể bất thường và lựa chọn đơn vị máu hòa hợp kháng nguyên để truyền thay máu cho bệnh nhi trong trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con.

 Trương Hằng

Theo suckhoedoisong

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan