Đánh giá cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia về tế bào gốc
Chiều 22/10/2020, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tổ chức đánh giá cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng trong điều trị một số bệnh máu và cơ quan tạo máu”.
Đề tài được thực hiện từ tháng 11/2016 đến tháng 10/2020 và thuộc Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (KC.10.05/16-20).
ThS. Nguyễn Bá Khanh đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo trước Hội đồng.
Nhu cầu thực hiện đề tài xuất phát từ ý nghĩa cấp thiết của việc tìm kiếm được một nguồn tế bào gốc thay thế cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học ác tính cũng như mạn tính nhưng không có người hiến phù hợp, đồng thời kết hợp với các ưu điểm của máu dây rốn nhằm đem lại hi vọng lui bệnh lâu dài, khỏe mạnh cho người bệnh. Đề tài cũng mong muốn đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng một cách có hiệu quả nhất phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu đồng loài từ máu dây rốn trong điều trị một số bệnh máu ác tính.
Đề tài được thực hiện với mục tiêu (1) Tối ưu hóa quy trình tạo khối tế bào gốc tạo máu từ máu dây rốn sử dụng trong điều trị một số bệnh máu và cơ quan tạo máu và (2) Có được quy trình sử dụng tế bào gốc tạo máu từ máu dây rốn trong có hiệu quả một số bệnh máu và cơ quan tạo máu.
Qua nghiên cứu, đề tài đã xây dựng và tối ưu hóa được quy trình tạo nguồn tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng gồm: tuyển chọn, thu thập, xử lý, bảo quản, xét nghiệm sàng lọc, tìm kiếm, vận chuyển và cấp phát tế bào gốc; xây dựng và tối ưu hóa các quy trình ứng dụng tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng gồm: chỉ định, xét nghiệm kháng thể anti-HLA, phác đồ điều kiện hóa, chăm sóc, xử trí biến chứng, xét nghiệm chimerism mảnh ghép.
Kết quả của quá trình tạo nguồn đem lại 1.307 đơn vị tế bào gốc tạo máu được bảo quản đông lạnh, đủ tiêu chuẩn chất lượng về xét nghiệm. Qua quá trình tìm kiếm các đơn vị tế bào gốc từ máu dây rốn đủ tiêu chuẩn ghép đã tuyển chọn ghép được cho 15 bệnh nhân lơ xê mi cấp, trong đó có 10 bệnh nhân lơ xê mi cấp dòng tủy và 05 bệnh nhân lơ xê mi cấp dòng lympho.
TS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Đề tài đã thể hiện những nỗ lực và sự cố gắng vượt qua nhiều thử thách của nhóm nghiên cứu và của Viện để tạo ra thương hiệu cho Ngân hàng Tế bào gốc, thương hiệu cho ghép tế bào gốc đồng loài”.
Các thành viên trong hội đồng đã đưa ra những nhận xét, góp ý để nhóm tác giả hoàn thiện, bổ sung thêm các minh chứng khoa học cho báo cáo và chuẩn bị tốt nhất cho báo cáo nhiệm vụ khoa học và công nghệ trước Hội đồng cấp Nhà nước.
Các thành viên Hội đồng góp ý, nhận xét cho đề tài.
GS.TS. Phạm Quang Vinh – Chủ tịch Hội đồng đánh giá cấp cơ sở: “Kết quả đồ sộ của nghiên cứu là công sức lớn, thể hiện quá trình nghiên cứu, thiết kế nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc máu dây rốn trong điều trị. Không chỉ với hàng chục quy trình được tối ưu hóa, 10 bài báo khoa học công bố trên Tạp chí Y học Việt Nam, đề tài cũng vượt nhiều chỉ số về chất lượng”.
Tin: Thanh Hằng, ảnh: Công Thắng
Bài viết liên quan
Hiểu biết thú vị về tế bào gốc máu dây rốn
26 Tháng Năm, 2020Tế bào gốc nói chung và tế bào gốc máu dây rốn nói riêng có nhiều ứng dụng đã được nghiên cứu, ứng dụng điều trị nhiều bệnh lý khác…
Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng: “Tài sản chung của toàn xã hội”
07 Tháng Một, 2020Từ tháng 5/2014, tại Trung tâm Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW, “Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng” đồng đầu tiên ở Việt…