Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

Điện di huyết sắc tố là gì và khi nào cần xét nghiệm?

Điện di huyết sắc tố là một xét nghiệm máu nhằm phát hiện các thành phần huyết sắc tố (Hemoglobin-Hb) bình thường hay bất thường và nồng độ của chúng là bao nhiêu? Có giá trị trong sàng lọc và chẩn đoán bệnh lý huyết sắc tố, Thalassemia (tan máu bẩm sinh)…

Để hiểu thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng của xét nghiệm điện di huyết sắc tố, mời quý vị tham khảo nội dung bài viết dưới đây của PGS.TS.BS. Lê Xuân Hải, Trưởng khoa Miễn dịch, Viện Huyết học – Truyền máu TW.

1. Tổng quan huyết sắc tố là gì?

Huyết sắc tố (Hemoglobin-Hb) là một protein gồm hai thành phần là nhân Hem và Globin. 2 nhân này nằm trong tế bào hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong máu. Chúng mang oxy từ phổi đến khắp các mô và cơ quan trong cơ thể theo vòng tuần hoàn; đồng thời vận chuyển Carbonic từ các mô trở lại phổi..

Huyết sắc tố có cấu tạo rất đặc biệt bao gồm các ion Fe2+; giúp nó có thể tách được phân tử oxy từ hỗn hợp không khí ngoài tự nhiên khi hít vào phổi.

Nếu huyết sắc tố bình thường, nó sẽ vận chuyển và giải phóng oxy với hiệu quả tối đa. Nếu huyết sắc tố bất thường sẽ vận chuyển oxy hạn chế dẫn đến thiếu oxy cho mô, cơ quan. Theo đó, lượng huyết sắc tố phụ thuộc vào lứa tuổi, giới, dân tộc, địa lý… Ở nam giới bình thường nằm ở khoảng từ 130 – 170 g/L; ở nữ nằm khoảng 120 – 150 g/L.

điện di huyết sắc tố điện di huyết sắc tố

Kỹ thuật viên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đang thực hành kỹ thuật điện di huyết sắc tố.

2. Ý nghĩa của xét nghiệm điện di huyết sắc tố

Xét nghiệm điện di huyết sắc tố cho biết các thành phần huyết sắc tố, bình thường hay bất thường. Có giá trị trong chẩn đoán và sàng lọc các bệnh lý huyết sắc tố tan máu bẩm sinh. Đặc biệt là bệnh alpha thalassemia, beta thalassemia. Từ đó bác sĩ chẩn đoán, điều trị, tư vấn về bệnh và tư vấn phòng bệnh cho tương lai.

3. Khi nào cần xét nghiệm điện di huyết sắc tố?

Điện di huyết sắc tố được chỉ định khi:

  • Đánh giá những trường hợp thiếu máu, tan máu không giải thích được

Tan máu là sự phá hủy hồng cầu sớm và làm rút ngắn vòng đời của hồng cầu (< 120 ngày).

Thiếu máu là kết quả khi khả năng sản xuất của tủy xương không thể bù đắp cho vòng đời ngắn của hồng cầu.

  • Thiếu máu hồng cầu nhỏ không liên quan đến giảm sắt, bệnh lý mãn tính hay ngộ độc chì.
  • Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi có chỉ số Hb, MCV và MCH giảm. Làm tiêu bản máu ngoại vi thấy hồng cầu bất thường (hồng cầu nhược sắc; hồng cầu hình liềm; hình bia; hình elip; giọt nước; mảnh hồng cầu …).

Chỉ số Hb (Hemoglobin) giúp chẩn đoán tình trạng thiếu máu, đa hồng cầu.

Chỉ số MCV (Mean Corpuscular Volume) là thể tích trung bình hồng cầu trong máu.

Chỉ số MCH (Mean Corpuscular Hemoglobin) phản ánh lượng huyết sắc tố trung bình có trong một tế bào hồng cầu của cơ thể.

MCV, MCH thấp thể hiện tình trạng thiếu máu hồng cầu nhỏ. Nguyên nhân có thể do thiếu máu thiếu sắt, bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia hoặc bệnh lý hemoglobin khác.

  • Gia đình, họ hàng có người mắc bệnh lý huyết sắc tố như bệnh Thalassemia, bất thường huyết sắc tố
  • Xét nghiệm tư vấn tiền hôn nhân; tư vấn trước khi dự định có thai; tư vấn trước sinh với các cặp vợ chồng mang gen (Với những trường hợp này, y học có thể can thiệp để người mang gen bệnh Thalassemia hoàn toàn có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, không mang gen bệnh…)

điện di huyết sắc tố

4. Huyết sắc tố cao trong trường hợp nào/ thấp trong trường hợp nào?

Các loại huyết sắc tố bình thường là HbA1 (96.5 – 98.0)%, HbA2 (2.0 – 3.5)%, HbF < 2.0% ở người. Hiện nay trên thế giới phát hiện được ngày càng nhiều loại huyết sắc tố bất thường (>700 loại) như HbH, Hb Bart’s, HbCs, HbE, Hb Hekinan, Hb Westmead, Hb Tak, HbD, HbI, HbS…

HbA1 giảm là nguyên nhân của việc xuất hiện thêm của một loại huyết sắc tố khác như HbA2 > 3.5% (bệnh beta thalassemia thể ẩn); HbF > 2.0% (gây ra bệnh Beta thalassemia từ thể ẩn đến thể nặng tuỳ vào tỉ lệ HbF); xuất hiện HbH (bệnh Alpha thalassemia)…

 HbA1 tăng do giảm đơn thuần HbA2. Vấn đề này có thể là nguyên nhân đột biến chuỗi alpha globin hoặc các bệnh lý thiếu máu do giảm tổng hợp huyết sắc tố.

5. Các phương pháp xét nghiệm điện di huyết sắc tố

Năm 1975, Uỷ ban về tiêu chuẩn Huyết học Quốc tế dựa trên bảng bất thường huyết sắc tố và thalassemia đã đưa ra khuyến cáo về các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh cho các phòng xét nghiệm. Những xét nghiệm ban đầu là tổng phân tích tế bào máu; xét nghiệm sức bền hồng cầu; xét nghiệm phát hiện HbE (DCIP test); điện di ở môi trường kiềm (pH 9,2); điện di ở môi trường acid (pH 6,0 – 6,2); điện di đẳng điện; điện di mao quản.

Kỹ thuật Sắc kí lỏng hiệu năng cao (HPLC) bắt đầu được triển khai vào thập niên 60 của thế kỷ 20. Tuy nhiên, cho đến thập niên 80 thì kỹ thuật HPLC mới được ứng dụng nhiều. Đến ngày nay đã được ứng dụng một cách rộng rãi trong việc xác định các huyết sắc tố bất thường.

Hiện nay, xét nghiệm điện di bằng phương pháp HPLC là một phương pháp hiện đại được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Đây là phương pháp chuẩn trong phân tích Huyết sắc tố hiện nay và tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đang áp dụng các thiết bị thế hệ mới nhất với khả năng phát hiện hầu hết các biến thể huyết sắc tố hiếm gặp.

6. Xét nghiệm điện di huyết sắc tố ở đâu nhanh và an toàn?

Khi xét nghiệm máu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW hoặc các điểm hiến máu cố định và xét nghiệm ngoại Viện, quý vị hoàn toàn có thể yên tâm vào chất lượng xét nghiệm. Viện có hệ thống phòng xét nghiệm huyết học hàng đầu, được đầu tư trang thiết bị hiện đại. Quy trình xét nghiệm được quản lý theo tiêu chuẩn ISO. Viện cũng thường xuyên cập nhật, ứng dụng các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới. Đội ngũ y bác sĩ của Viện được đào tạo chuyên sâu, tâm huyết, giàu kinh nghiệm, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xét nghiệm Huyết học.

Hệ thống máy móc hiện đại sử dụng cho kỹ thuật điện di huyết sắc tố tại Viện Huyết học – Truyền máu TW

Quy trình lấy máu xét nghiệm, thanh toán tại các điểm hiến máu ngoại Viện rất đơn giản, nhanh chóng. Quý vị không phải mất nhiều thời gian xếp hàng chờ đợi khi làm thủ tục khám, xét nghiệm nên sẽ hạn chế đáng kể việc tập trung đông người. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, quý vị sẽ được hẹn thời gian cụ thể để nhận kết quả xét nghiệm. Thậm chí nếu quý vị không có thời gian, bác sĩ có thể trả kết quả online.

Khi nào quý vị băn khoăn nên xét nghiệm điện di huyết sắc tố ở đâu? Hãy liên hệ đến các điểm hiến máu và xét nghiệm cố định của Viện Huyết học – Truyền máu TW để được trợ giúp.

ĐỊA ĐIỂM KHÁM – XÉT NGHIỆM:

Viện Huyết học – Truyền máu TW (phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội): Từ 6h30 – 17h các ngày thứ 2 đến thứ 6 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu); 7h30 – 17h thứ 7 (khám theo yêu cầu).

HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ KHÁM THEO YÊU CẦU TẠI VIỆN:

Để xét nghiệm máu nhanh chóng, rút ngắn thời gian chờ đợi, bạn có thể đăng ký khám theo yêu cầu thông qua:

Mời xem thêm: Hướng dẫn đặt lịch khám và chi phí dịch vụ y tế theo yêu cầu

Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện: 8h – 12h và 13h30 – 17h từ thứ 3 – Chủ nhật.

  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Số 78, Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình.

Viện Huyết học – Truyền máu TW

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan