Điều trị ức chế miễn dịch giúp nam sinh viên bị suy tuỷ xương trở lại giảng đường
Năm 22 tuổi, Lê Hoả Công tưởng chừng phải gác lại ước mơ trở thành một kỹ thuật viên vật lý trị liệu vì căn bệnh suy tuỷ xương. Nhưng nhờ được điều trị ức chế miễn dịch – một trong những phương pháp điều trị suy tủy xương hiện đại và hiệu quả mà ước mơ đã trở lại với chàng sinh viên đầy nhiệt huyết ấy.
“Anh trai là người khuyết tật, em không muốn bố mẹ phải buồn thêm”
Kỳ nghỉ lễ 30/4 cách đây 2 năm, chàng sinh viên Lê Hoả Công về nhà ở thành phố Tuyên Quang để nhổ răng khôn. Xét nghiệm máu cho kết quả có vấn đề bất thường. Công nhớ lại những lần đi đá bóng hoặc leo cầu thang bộ, thấy mình hay bị chóng mặt, hoa mắt, mặt mũi tối sầm thì em bỗng giật mình. Thì ra, sức khoẻ của em đã có những dấu hiệu cảnh báo trước đó nhưng Công không hề chú ý tới.
Buồn và sốc là tâm trạng của Công lúc phát hiện ra căn bệnh này. “Khi nhận được kết quả chọc tủy của em, mẹ đã không thể kìm được nước mắt khóc rất nhiều. Anh trai em bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh nên bố mẹ em vốn đã rất đau lòng. Giờ biết tin em bị bệnh, bố mẹ càng lo và sốt sắng nhiều hơn.
Nghĩ đến họ, em cố gắng động viên chính mình là sẽ có phương pháp điều trị chữa khỏi bệnh, một phần an ủi bản thân, phần để cho bố mẹ không phải lo lắng và buồn thêm nữa”.
Muôn vàn khó khăn giữa đại dịch
Với căn bệnh suy tuỷ xương, Công truyền máu và tiểu cầu hàng tuần. Không những vậy, em phải duy trì thuốc Neoral 100mg x 2 viên mỗi ngày. Những lần sốt do nhiễm khuẩn, em cần truyền kháng sinh.
Thời điểm Công bắt đầu bước vào điều trị cũng là lúc dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, phương tiện đi lại khó khăn, cộng thêm việc mỗi tháng em được ra viện chỉ khoảng 5 ngày rồi quay trở lại nên hầu hết thời gian, gia đình đều vắng bóng cậu con trai út. Mẹ của Công vốn đã nghỉ hưu nhưng vì kinh tế gia đình mà vẫn đi làm thêm kiếm tiền trang trải. Tài chính gia đình càng trở nên khó khăn hơn khi mẹ em tạm nghỉ công việc ở quê để ra Hà Nội chăm sóc con trai.
Nếu cứ mãi duy trì như vậy, mọi việc thật sự rơi vào bế tắc. Với một thanh niên trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết cống hiến, nhiều lúc Công thấy chán nản khi nằm viện liên tục.
Một tia sáng loé lên
Trong thời gian nằm viện, Công đã tìm hiểu về căn bệnh của mình qua Internet, qua kênh thông tin của Viện, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của một số người đồng bệnh trước đây. Em biết đến phương pháp điều trị bằng ức chế miễn dịch hATG (Antithymocyte Globulin).
Với sự tư vấn của bác sĩ Khoa Ghép tế bào gốc, Công được biết phương pháp ưu tiên với người bệnh suy tuỷ xương là ghép tế bào gốc tạo máu từ người cho cùng huyết thống phù hợp hoàn toàn HLA.
Tuy nhiên, Công không có người hiến tế bào gốc phù hợp. Em đã được giải thích và tiến hành điều trị bằng phương pháp hATG kết hợp CSA (Cyclosporine) và sử dụng thuốc Eltrombopag. Theo một nghiên cứu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, với người bệnh không ghép tế bào gốc, đây là phương pháp phù hợp và nâng hiệu quả điều trị so với phương pháp cũ (không dùng Eltrombopag) lên tới 60 – 70%.
ThS. BSNT. Đỗ Thị Thuý – bác sĩ Khoa Ghép tế bào gốc là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Lê Hoả Công
ThS. BSNT. Đỗ Thị Thuý – bác sĩ Khoa Ghép tế bào gốc, người trực tiếp điều trị cho biết: Bệnh nhân Lê Hoả Công được điều trị sớm khi phát hiện bệnh, từ đó giảm được thời gian truyền máu, tiểu cầu. Trong quá trình điều trị, người bệnh có nguy cơ nhiễm khuẩn và phải dự phòng chống nấm, điều trị tăng huyết áp.
Trường hợp của Lê Hoả Công đã đáp ứng ngay sau tháng đầu tiên. Em đã không phải tiếp tục truyền máu và chế phẩm máu. Hiện tại, sau điều trị hATG 18 tháng, tế bào máu của em hồi phục, sức khoẻ đã ổn định và đang dừng thuốc để tiếp tục theo dõi.
Một trong những khó khăn với người bệnh suy tuỷ xương khi dùng thuốc Revolade là chi phí cao. Số tiền lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng từng là gánh nặng lên kinh tế gia đình. Qua sự kết nối của Phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu TW, Công đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ một phần chi phí thuốc. Gánh nặng ấy đã bớt đi phần nào trên đôi vai họ. Chàng trai lại nghĩ đến ước mơ đang chờ mình hoàn thành phía trước.
Lê Hoả Công trong chuyến đi thực tế tại trường học cùng các bạn khi trở lại giảng đường
Được nhà trường tạo điều kiện, Lê Hoả Công đang hoàn thành nốt chương trình năm cuối. Hiện tại, chàng sinh viên đang đi thực tế ở các bệnh viện. Dự kiến Công sẽ chính thức tốt nghiệp vào tháng 8 năm nay. Chờ khi sức khoẻ ổn định hẳn, em có thể tiếp tục ước mơ từ những ngày đầu bước chân vào cánh cổng trường đại học.
Bài: Hải Yến
Ảnh: Đức Thịnh – Thiết kế: Gia Thắng
Bài viết liên quan
Bệnh suy tủy xương: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
01 Tháng Mười Một, 2021Trong những năm gần đây, việc điều trị bệnh suy tủy xương đã có nhiều tiến bộ. Nhiều bệnh nhân đã được kéo dài cuộc sống trên 5 năm và…
Tỷ lệ ghép tế bào gốc thành công ở bệnh nhân suy tủy xương đạt trên 84%
25 Tháng Mười Một, 2022Ghép tế bào gốc là phương pháp điều trị có hiệu quả cao với bệnh nhân suy tủy xương. Tỷ lệ mọc mảnh ghép ngày thứ 30 sau ghép đạt…
Nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư hạch
31 Tháng Ba, 2023Ung thư hạch là một trong những bệnh ung thư có khả năng điều trị rất hiệu quả. Trong những năm qua, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã…