Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

“Được tham gia tuyến đầu chống dịch khiến tôi thấy mình sống có ý nghĩa hơn”

“Những trải nghiệm buồn đau có, hạnh phúc có. May mắn vì được cống hiến chút sức lực nhỏ bé trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, tôi thấy mình sống có ý nghĩa hơn” – BS Hoàng Thị Thanh Nga cùng với các đồng nghiệp của mình đã viết nên những câu chuyện đẹp nơi tuyến đầu…

ThS.BS. Hoàng Thị Thanh Nga là Phó trưởng Khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư vừa qua chị có tên trong danh sách cán bộ của Viện vào làm việc tại Khoa 5A, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP. HCM (đặt tại TP. Thủ Đức).

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch tại TP. HCM trở về, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ThS.BS. Hoàng Thị Thanh Nga xoay quanh chuyến công tác đặc biệt này.

Gần 40 ngày góp mặt tại nơi dịch COVID-19 nóng nhất. Đến nay, khi dịch đã từng bước được kiểm soát, trở về Thủ đô, trở về cuộc sống bình thường, điều gì khiến chị nhớ nhất trong thời gian ở TP HCM?

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Không chỉ tôi mà bất kỳ đồng nghiệp nào cũng vậy thôi, rời Sài Gòn, tình người là thứ làm cho chúng tôi nhớ nhất.

Kíp làm việc của tôi gồm 6 bác sĩ và 12 điều dưỡng. Chúng tôi đến từ các địa phương khác nhau như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Bình, lại có người sở tại TP.Hồ Chí Minh. Dù hoàn toàn không biết nhau trước đó nhưng dịch bệnh khiến chúng tôi có cơ hội gặp mặt và trở nên thân quen.

Tôi nhớ ngày đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn và nhận nhiệm vụ tại Khoa 5A, Bệnh viện Hồi sức COVID-19, tôi đã rất lo lắng. Lo lắng vì không biết mình có thể làm tốt hay không, lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhưng với sự giúp đỡ tận tình, đoàn kết, chia sẻ của những đồng nghiệp “trước lạ sau quen” ấy mà tôi đã rất nhanh chóng thích nghi và hoàn thành công việc được giao.

Chúng tôi chia sẻ công việc, nhường nhau ra ca trước, đợi nhau cùng tan ca, cùng ríu rít đi về. Hạnh phúc của chúng tôi đơn giản là nhìn thấy đồng đội lần lượt tươi cười đi ra khỏi phòng đệm, hay mỗi tuần làm xét nghiệm tất cả đều âm tính.

Do đặc thù bệnh, tất cả bệnh nhân COVID-19 đều không có người nhà đi theo chăm sóc mà phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên y tế. Các ca COVID-19 được chuyển tuyến lên Bệnh viện Hồi sức COVID-19 nơi tôi làm việc đều là bệnh nhân nặng. Việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân càng vất vả. Tất cả mọi việc từ vệ sinh cá nhân, thay bỉm, ăn uống cho bệnh nhân đều do nhân viên y tế đảm nhiệm.

Tôi đã chứng kiến những chị điều dưỡng kiên nhẫn đứng dỗ dành đút cho bệnh nhân ăn từng thìa cháo. Vì bệnh nhân kêu nóng, một bác sĩ trẻ sẵn sàng đứng hàng tiếng đồng hồ trong đêm quạt để bệnh nhân có một giấc ngủ tròn. Chúng tôi thương bệnh nhân không có nổi một giấc ngủ sâu, một bữa ăn ngon, một người thân bên cạnh lúc nhắm mắt xuôi tay. Nhớ giọt nước mắt bất lực của đồng đội tôi khi bệnh nhân qua đời ngay trước mắt mà không làm gì được.

Tôi cũng nhớ nghĩa tình người Sài Gòn dành cho chúng tôi. Những anh chị quản lý, lễ tân, phục vụ khách sạn đã nhiệt tình chào đón từ ngày đầu tiên chúng tôi đến và trong suốt những ngày công tác tại Sài Gòn. Tôi nhớ anh tài xế ngày đêm luôn vững tay lái, đưa đón chúng tôi đi làm và tan ca về khách sạn, chính xác từng giờ phút, đảm bảo an toàn…

Nhớ rất nhiều, xúc động rất nhiều. Với chị, những trải nghiệm trong những ngày chống dịch ở điểm nóng Sài Gòn có ý nghĩa ra sao?

Những trải nghiệm có được trong những ngày ở Sài Gòn là vô giá đối với tôi.

Tôi được khoác lên mình bộ đồ bảo hộ cấp IV “huyền thoại”, được trải nghiệm cảm giác người vã mồ hôi như tắm mà kính chắn thì mờ hơi sương, những hình ảnh mà trước đây tôi chỉ được xem và cảm nhận qua tivi.

Tôi được trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, được cùng bệnh nhân trải qua những giai đoạn, diễn biến của bệnh, được vui cùng bệnh nhân khi xuất viện, khóc cùng người nhà bệnh nhân khi nhận thông báo ca tử vong. Tôi cũng được chứng kiến những bất lực của mình và đồng nghiệp khi không cứu được người bệnh.

Những trải nghiệm buồn đau có, hạnh phúc có. Tôi thấy may mắn vì được cống hiến sức lực nhỏ bé của mình trong cuộc chiến chống COVID-19. Điều này cũng khiến tôi thấy mình sống có ý nghĩa hơn.

Những ngày ở tâm dịch, hậu phương của chị và các thầy thuốc khác dành sự động viên ra sao?

Đúng là hậu phương phải thật sự vững vàng thì tiền tuyến chúng tôi mới yên tâm công tác. Với chúng tôi, ngoài gia đình, người thân thì Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là hậu phương thứ 2.

Khi tiễn chúng tôi đi Sài Gòn và đón chúng tôi tại sân bay Nội Bài ngày về, người đứng tiễn cuối cùng hay người đón chúng tôi đầu tiên luôn là Viện trưởng Bạch Quốc Khánh. Thật sự rất xúc động và biết ơn. Những ngày công tác tại Sài Gòn, liên tục những cuộc gọi, những tin nhắn hỏi thăm, động viên, chia sẻ và thấu hiểu từ lãnh đạo Viện, đồng đội từ Hà Nội. Điều này khiến chúng tôi vững tâm hơn rất nhiều.

Hoàn thành nhiệm vụ để về Hà Nội, tôi hay bất kỳ đồng đội nào, cũng buồn – vui lẫn lộn. Vui vì được trở về với gia đình nhỏ ở nhà, gia đình lớn ở cơ quan, về để bù đắp những ngày tháng gia đình vắng vợ, vắng mẹ. Tôi không gặp con hơn 2 tháng nay rồi. Trở về, tôi cũng quyết hoàn thành những công việc dở dang. Nhưng cũng buồn lắm vì phải chia tay với những đồng đội mới quen, những bệnh nhân dễ mến…

Trải nghiệm hạnh phúc có, đau thương có trong thời gian dịch khốc liệt nhất ở TP HCM, nếu phải lên đường tới tâm dịch khác, chị có sẵn lòng?

Chắc chắn. Tôi sẽ sẵn sàng lên đường. Tôi tin rằng với chút kinh nghiệm và kiến thức đã được trau dồi trong thời gian chống dịch tại Sài Gòn, tôi sẽ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, giúp được nhiều bệnh nhân hơn nữa. Nhưng tôi cũng hy vọng điều đó sẽ không xảy ra ở bất cứ địa phương nào trên đất nước Việt Nam ta.

Vương Tuấn (thực hiện), thiết kế ảnh: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan