Ghép tế bào gốc – Hồi sinh những cuộc đời: Câu chuyện số 1
Kể từ ca ghép tế bào gốc đầu tiên vào năm 2006, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện được 545 ca ghép tế bào gốc, hồi sinh sự sống cho rất nhiều người bệnh máu hiểm nghèo. Riêng về ghép đồng loài, Viện đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hoà hợp (ghép haplotype), ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn…
Với nhiều người bệnh, ghép tế bào gốc tựa như một “phép màu” đưa người bệnh từ ranh giới sinh tử đến với một cuộc sống mới. Đó là nơi người bệnh không chỉ có những ngày tháng bình yên bên những người thân yêu mà còn thực hiện được nhiều ước mơ, khát vọng tưởng chừng như đã dập tắt. Mời các bạn dõi theo hành trình tìm lại sự sống và hy vọng của người bệnh qua loạt bài “Ghép tế bào gốc – Hồi sinh những cuộc đời”.
Câu chuyện số 1:
HẠNH PHÚC CỦA NGƯỜI MẸ UNG THƯ MÁU SAU KHI CHIẾN THẮNG TỬ THẦN
9 năm trước, chị Trần Thị Thức (Tuyên Quang) đã ở trong những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời khi biết mình bị ung thư máu và còn mất đi đứa con đầu lòng ở tháng thứ 5 của thai kỳ. Đã không biết bao lần, chị nghĩ rằng “Mình có thể chết bất cứ lúc nào”, “Mình sẽ không thể sinh con được”. Nhưng nhờ ý chí kiên cường và điều kỳ diệu mang tên “ghép tế bào gốc”, chị Thức không chỉ chiến thắng tử thần mà còn thực hiện được ước mơ “làm mẹ” ở tuổi 36.
“Mình có thể chết bất cứ lúc nào”
Đầu năm 2013, chị Trần Thị Thức kết hôn và ngập tràn trong hạnh phúc khi chuẩn bị chào đón đứa con đầu lòng. Nhưng đến tháng 10/2013, khi đang mang thai được 5 tháng, chị cảm thấy mình ngày càng gầy hơn, xanh xao, khó thở, mệt mỏi và đi khám bệnh. Từ đây, chị phải đối mặt với những ngày tháng đen tối, tuyệt vọng nhất của cuộc đời.
“Khi nghe đến 3 chữ “ung thư máu”, tôi đã nghĩ đến bộ phim Trái tim mùa thu của Hàn Quốc. Tôi thực sự sốc, tôi cứ nghĩ bệnh đó chỉ có trong phim thôi sao lại rơi vào mình chứ! Tôi có thể chết bất cứ lúc nào! Tôi mới kết hôn chưa được bao lâu, tương lai còn đang ở phía trước, tôi còn đang mang trong mình đứa con mà tôi chưa được gặp. Càng nghĩ đến con, đầu óc tôi càng rối bời và chỉ biết khóc thôi” – Chị Thức xúc động nhớ lại.
Trong những ngày đầu nằm viện, chị phải đứng trước một quyết định quá khó khăn với một người làm mẹ, đó là không thể giữ đứa con bé bỏng còn đang nằm trong bụng mẹ. Chị đã nghĩ đến việc không điều trị mà cố nuôi dưỡng thai cho đến lúc con chào đời. Nhưng cả gia đình đều hiểu rõ, với tình trạng của chị lúc này, nếu vẫn cố giữ em bé thì có thể còn mất cả mẹ lẫn con.
Và rồi chị vẫn phải chấp nhận một sự thật đau đớn: Chị phải mổ cấp cứu. Em bé ra đời nặng 1,2 kg. Chị mừng lắm và lại nuôi hy vọng có thể giữ được con. Nhưng em bé không thể ở bên mẹ và đã đi sau 2 ngày chào đời do suy hô hấp. Trong vòng vài tuần ngắn ngủi mà phải chịu đựng quá nhiều nỗi đau liên tiếp, chị Thức cảm thấy tuyệt vọng và không còn sức lực để nghĩ đến chữa bệnh nữa.
Từ khi chị bị bệnh, gia đình, đặc biệt là chồng chị đã luôn ở bên, an ủi, chăm sóc và động viên chị mỗi ngày. Một lần nữa, tình yêu thương của người thân đã giúp chị lấy lại quyết tâm chiến đấu với bệnh tật.
Tháng 11/2013, chị quay lại Viện Huyết học – Truyền máu TW để điều trị. Chị đã trải qua 3 đợt truyền hóa chất kéo dài hơn 6 tháng với bao nhiêu đau đớn: “Những nỗi đau, mất mát và mệt mỏi trong quá trình chiến đấu với bệnh tật không thể nói hết bằng lời. Nhiều khi chứng kiến những bệnh nhân khác mất đi, tôi cũng rất sợ và hoang mang. Nhưng nhờ đã suy nghĩ thông suốt, tôi không nghĩ nhiều đến bệnh tật của mình nữa, cố gắng sống lạc quan, vui vẻ. Ở Viện, tôi được các y bác sĩ, đặc biệt là bác Linh (BS. Nguyễn Mạnh Linh) luôn tận tình và giúp đỡ rất nhiều”.
Sau khi lui bệnh hoàn toàn và đi khám định kỳ được một thời gian, cuối năm 2014, chị được bác sĩ ở Viện Huyết học – Truyền máu TW tư vấn ghép tế gốc. Chị đã suy nghĩ, đắn đo rất nhiều vì lo tốn kém cho gia đình và sợ ca ghép không thành công. Nhưng vốn mạnh mẽ và quyết tâm, chị nhanh chóng quyết định bước vào phòng ghép khi có nguồn tế bào gốc phù hợp từ anh trai.
Trải qua rất nhiều nỗi đau và mất mát, dường như may mắn đã trở lại với chị: “Quá trình ghép của tôi rất thuận lợi, suôn sẻ. Tôi chỉ mệt những ngày đầu truyền hóa chất, sau đó sức khỏe của tôi rất tốt. Tôi chỉ phải ở trong phòng cách ly 25 ngày rồi được chuyển ra sang phòng theo dõi. Đến giờ bác Bình (BS. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc) và các điều dưỡng ở Viện vẫn nhắc đến tôi là trường hợp đặc biệt, ra viện sau ghép với số tiền viện phí thấp đến bất ngờ”.
“Mọi đau khổ rồi cũng sẽ qua,
ông trời không lấy đi của ai tất cả”
Một năm sau ngày ghép, chị được dừng thuốc hoàn toàn. Được ở bên gia đình với người chồng hết mực yêu thương, chị Thức cũng ước mơ được làm mẹ nhưng không dám hy vọng nhiều. Khi đi khám sản khoa, chị biết mình bị ảnh hưởng bởi hóa chất liều cao nên không thể có con tự nhiên được. Bác sĩ tư vấn chị nên thụ tinh trong ống nghiệm và khả năng đậu phôi cũng không cao.
“Thật sự tôi đã chuẩn bị tâm lý nếu đi chuyển phôi vài lần không thành công thì sẽ chia tay chồng để anh có gia đình mới. Nhờ ông trời thương xót, may mắn đã đến với tôi. Khi cầm kết quả siêu âm, tôi không tin vào mắt mình, tay chân run lắm. Về đến cơ quan, tôi hỏi nhiều người và khi đồng nghiệp nói kết quả này là có thai, tôi vẫn chưa dám tin. Đến khi Viện hiếm muộn xác nhận lại, tôi mới dám tin. Nước mắt tôi cứ thế tuôn trào và không thể ngừng khóc vì hạnh phúc. Khi cầm điện thoại gọi cho chồng mà tôi vẫn run, khóc không nói nên lời” – Chị Thức nghẹn ngào kể lại.
Hơn 6 năm sau khi vượt qua cánh cửa tử thần, người phụ nữ đã từng nghĩ rằng “Mình có thể chết bất cứ lúc nào”, “Mình sẽ không thể sinh con được” giờ đây không chỉ khỏe mạnh, tràn đầy sức sống mà còn thực hiện được khát khao làm mẹ. Đi qua bao khổ đau, tuyệt vọng, hạnh phúc đã mỉm cười với người phụ nữ nghị lực và dũng cảm ấy. Tháng 8/2021, gia đình chị hạnh phúc đón một bé trai kháu khỉnh chào đời.
Chị chia sẻ: “Mọi đau khổ rồi cũng sẽ qua, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Cuối cùng, tôi đã có một gia đình đúng nghĩa”.
Sau tất cả hành trình đã trải qua, chị bày tỏ lòng tri ân với các cán bộ y tế: “Tôi rất biết ơn các y bác sỹ của Viện Huyết học – Truyền máu TW, biết ơn bác Bình, bác Linh và các y bác sỹ của khoa Ghép tế bào gốc đã luôn ân cần, tận tụy với bệnh nhân bất kể ngày hay đêm. Các anh chị là những người đã mang lại cuộc sống lần thứ 2 cho cuộc đời tôi. Chúc các y bác sỹ Viện Viện Huyết học – Truyền máu TW luôn mạnh khỏe, cứu sống được nhiều những mảnh đời bất hạnh, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình”.
Mời xem thêm:
Ghép tế bào gốc: Ánh sáng cuối đường hầm của gia đình có 3 người bệnh ung thư máuChi phí ghép tế bào gốc |
Trương Hằng, thiết kế: Gia Thắng
Bài viết liên quan
Sau ghép tế bào gốc thành công, thầy giáo mong sớm được trở lại bục giảng
18 Tháng Mười Một, 2022Ngày này một năm trước, căn bệnh ung thư máu bất ngờ ập đến khiến thầy giáo Nguyễn Văn Hải hoang mang. Giữa lúc đó, động lực để thầy giáo…
Người phụ nữ chiến thắng ung thư máu nhờ điểm tựa gia đình
21 Tháng Chín, 2022Chị Vũ Thị Yến (1989, Phú Thọ) đã có 6 năm chung sống với căn bệnh Lơ xê mi kinh dòng bạch cầu hạt (ung thư máu mãn tính). Nhìn…
Chân trời mới của em bé tan máu bẩm sinh đầu tiên được ghép tế bào gốc nửa hòa hợp
23 Tháng Mười Hai, 2021Ghép tế bào gốc tạo máu có thể coi là cuộc cách mạng trong điều trị. Đến nay, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã thực hiện được 500…
“Đừng bỏ cuộc khi vẫn còn hy vọng!”
20 Tháng Mười, 2022Phụ nữ vốn được mệnh danh là phái yếu, nhưng ẩn giấu bên trong vẻ ngoài mềm mại, dịu dàng ấy lại là những trái tim mạnh mẽ, kiên cường…