Địa chỉ: Số 5, phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu: 0976990066

Đặt lịch khám theo yêu cầu: 1900969670

GIỚI THIỆU NGÂN HÀNG TẾ BÀO GỐC

I. Giới thiệu chung

  • Địa chỉ: Tầng 5, Tòa nhà T, Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương
  • Điện thoại: (024) 37824267, 0963892551
  • Email: nihbtscc@gmail.com
  • Lãnh đạo Ngân hàng Tế bào gốc:
    • Giám đốc: TS. BS. Nguyễn Bá Khanh
    • Kỹ thuật viên trưởng: ThS. Lê Xuân Thịnh
  • Số cán bộ, nhân viên: 10 (gồm 2 bác sĩ, 7 kỹ thuật viên và 2 điều dưỡng)

II. Lịch sử hình thành và phát triển

1. Giai đoạn mới thành lập (từ 2010 đến 2012)

Ngày 27/4/2010, Trung tâm Tế bào gốc được thành lập theo quyết định 1348/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế. Lãnh đạo Trung tâm khi đó là GS.TS. Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm; ThS. BS. Trần Ngọc Quế – Phó Giám đốc.

Trung tâm có nhiệm vụ thu thập, xử lý và lưu trữ dài hạn tế bào gốc từ các nguồn máu ngoại vi huy động, máu dây rốn để phục vụ cho các hoạt động ghép lâm sàng.

Cũng tại thời điểm này, Trung tâm đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Dự án “Tăng cường trang thiết bị phòng nghiên cứu” do Bộ Y tế phê duyệt với kinh phí lên tới gần 5 tỷ đồng để trang bị cơ sở vật chất cũng như đào tạo nhân lực. Nhờ đó, Trung tâm Tế bào gốc đã lần lượt được trang bị về cơ sở vật chất và trang thiết bị bao gồm: hệ thống máy gạn tách tế bào tự động, hệ thống phòng sạch xử lý vô trùng có áp lực dương, hệ thống xử lý tế bào gốc tự động, hệ thống hạ nhiệt độ theo chương trình tự động, hệ thống lưu trữ tế bào gốc bằng nitơ lỏng…

       

          Hệ thống lưu trữ tế bào gốc bằng nitơ lỏng.

Về nhân lực, đội ngũ cán bộ của Trung tâm đều được cử đi đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở hàng đầu về tế bào gốc trong nước và nước ngoài, đặc biệt là đào tạo tại Mỹ, Nhật Bản,… các cán bộ đã hoàn toàn nắm vững các quy trình mới nhất, hiện đại nhất. Xét về tổng thể, đây là giai đoạn chuẩn bị, từng bước hoàn thiện về các điều kiện hoạt động của Trung tâm Tế bào gốc, tiền thân của Ngân hàng Tế bào gốc sau này.

2. Giai đoạn phát triển nhảy vọt (từ 2012 đến nay)

Tháng 4 năm 2012, theo quyết định số 258/QĐ-HHTM ngày 12/4/2012, Trung tâm Tế bào gốc chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của hoạt động ứng dụng tế bào gốc tại Viện. Lúc này, cơ sở vật chất, thiết bị đã được trang bị tương đối hoàn thiện và đi vào hoạt động một cách đồng bộ. Trung tâm đã xây dựng, hoàn thiện được nhiều quy trình kỹ thuật về tạo nguồn, ứng dụng tế bào gốc để Bộ Y tế phê duyệt và áp dụng trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, các hoạt động thu thập, xử lý và lưu trữ dài hạn tế bào gốc máu ngoại vi, máu dây rốn dịch vụ ở điều kiện đông lạnh đã được triển khai thường quy.

Tháng 5/2014, Ngân hàng Máu dây rốn cộng đồng thuộc Trung tâm Tế bào gốc ra đời, đánh dấu một bước tiến mới trong hoạt động tạo nguồn tế bào gốc và tạo cơ hội rất lớn cho bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học cần được ghép.

Ngày 01/11/2015, Trung tâm Tế bào gốc được chính thức đổi tên thành Ngân hàng Tế bào gốc, tiếp tục phát triển hơn nữa các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về tế bào gốc mới. Ngày 05/10/2020, Ngân hàng Tế bào gốc đã được Bộ Y tế cấp giấy phép hoạt động số 1566/BYT-GPHĐNHTBG.

Các hoạt động của Ngân hàng Tế bào gốc bao gồm 2 mảng nội dung chính: tạo nguồn tế bào gốc/tế bào trị liệu phục vụ điều trị và thực hiện các xét nghiệm liên quan đến tế bào gốc và ghép.

Nguồn tế bào gốc tạo máu đang được ứng dụng nhiều nhất tại Ngân hàng là nguồn máu ngoại vi huy động, phục vụ cho các trường hợp bệnh nhân ghép tế bào gốc tự thân, ghép tế bào gốc đồng loài từ người hiến cùng huyết thống. Tính đến hết năm 2021, Ngân hàng đã cung cấp hơn 600 khối tế bào gốc từ máu ngoại vi cho các bệnh nhân ghép tại Viện và một số bệnh viện tại miền Bắc, phục vụ điều trị cho hầu hết các nhóm bệnh huyết học ác tính và mạn tính.

Bên cạnh đó, với sự ra đời của Ngân hàng Tế bào gốc Máu dây rốn, nguồn tế bào gốc từ máu dây rốn cũng được triển khai thường quy, giải quyết được nhiều trường hợp bệnh nhân gặp khó khăn khi tìm kiếm tế bào gốc từ người thân trong gia đình. Các mẫu máu dây rốn của Trung tâm Tế bào gốc có thể sử dụng để ghép cho những bệnh nhân người lớn với cân nặng trung bình khoảng 50-70 kg, hoàn toàn khắc phục được nhược điểm cố hữu của các khối tế bào gốc máu dây rốn trên thế giới là liều thấp và chủ yếu áp dụng cho nhi khoa. Hiện nay, Ngân hàng đang lưu trữ gần 4.000 đơn vị máu dây rốn máu dây rốn cộng đồng và 1.500 đơn vị máu dây rốn lưu trữ dịch vụ được xét nghiệm đầy đủ sẵn sàng ứng dụng cho các trường hợp bệnh nhân có chỉ định ghép.

Trong thời gian qua, Ngân hàng đã cung cấp tế bào gốc máu dây rốn để ghép cho hơn 40 bệnh nhân tại Viện Huyết học – Truyền máu TW (70% số trường hợp là người lớn) và một số bệnh viện khác để điều trị các bệnh cơ quan tạo máu, miễn dịch với hiệu quả tương đương với các báo cáo trên thế giới.

Trên cơ sở này, vào tháng 12/2020, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã nghiệm thu thành công Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về ứng dụng nguồn tế bào gốc này cho một số bệnh cơ quan tạo máu. Ngoài ra, Ngân hàng đã hỗ trợ thực hiện một số ca ghép kết hợp cả nguồn tế bào gốc từ máu ngoại vi và máu dây rốn với hiệu quả rất cao.

Giai đoạn hiện nay, Ngân hàng đang đẩy mạnh dịch vụ cho các gia đình có nhu cầu lưu giữ máu dây rốn của con mình, trong đó phối hợp với nhiều bệnh viện ở khu vực Hà Nội và một số tỉnh thành miền Bắc để thu thập máu dây rốn đảm bảo chất lượng và uy tín.

Ngân hàng cũng triển khai các kỹ thuật liên quan đến tế bào trị liệu như gạn tách khối bạch cầu hạt để điều trị nhiễm trùng nặng, khối bạch cầu lympho để tăng cường chống thải ghép, chọn lọc tế bào bằng công nghệ hạt từ để có được khối tế bào phù hợp với từng chỉ định sử dụng… Ngoài tế bào gốc tạo máu, Ngân hàng đang nghiên cứu phát triển nguồn tế bào gốc trung mô từ máu dây rốn để tăng cường khả năng phục vụ cho nhiều đối tượng khách hàng hơn nữa ngoài các bệnh về máu.

Bên cạnh hoạt động tạo nguồn tế bào gốc và tế bào trị liệu, các xét nghiệm kỹ thuật cao về tế bào gốc và ghép cũng được đẩy mạnh triển khai tại Ngân hàng Tế bào gốc, bao gồm các xét nghiệm đánh giá chất lượng tế bào gốc như đếm tế bào CD34, đếm tế bào gốc trung mô, đếm tỷ lệ tế bào sống, nuôi cấy tạo cụm tế bào,… và các xét nghiệm về hòa hợp ghép như xét nghiệm HLA độ phân giải cao, xét nghiệm kháng thể kháng HLA bằng kháng nguyên đơn (Single Antigen), xét nghiệm crossmatch trên hệ thống Luminex … Ngân hàng Tế bào gốc cũng là đơn vị tiên phong trong cả nước về ứng dụng kỹ thuật HLA để hỗ trợ đánh giá hòa hợp trước sinh và lưu giữ máu dây rốn cho các sản phụ có con mắc bệnh thalassemia, sau đó sử dụng chính tế bào gốc máu dây rốn của đứa con sắp sinh để ghép và chữa khỏi cho đứa con đang mắc bệnh. Các kỹ thuật này đã được dự thi tại nhiều kỳ Hội thao sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế và đều giành những giải thưởng giá trị.

Ngân hàng cũng đóng góp hàng loạt đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp Bộ và cấp Nhà nước, đã được nghiệm thu và được báo cáo tại nhiều hội nghị toàn quốc và quốc tế. Nhiều cơ sở y tế trong nước đã và đang chuẩn bị triển khai các hoạt động chuyên môn về Tế bào gốc đã gửi các đoàn cán bộ về để học tập tại Ngân hàng.

Đi đôi với việc phát triển hoạt động chuyên môn kỹ thuật thì việc ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động quản lý chất lượng cũng được triển khai mạnh mẽ. Ngân hàng Tế bào gốc đã có phần mềm quản lý tế bào gốc và tháng 12/2019 được công nhận phòng xét nghiệm đạt chứng chỉ ISO 15189:2012.

III. Chức năng, nhiệm vụ

1. Hoạt động chuyên môn

  • Xây dựng và quản lý nguồn tế bào gốc;
  • Thực hiện tiếp đón, tư vấn, đăng ký gửi và hiến tế bào gốc, chỉ định các loại xét nghiệm sàng lọc ban đầu;
  • Thực hiện thu thập, xử lý, lưu trữ bảo quản, cấp phát tế bào gốc máu dây rốn, máu ngoại vi, dịch tủy xương;
  • Thực hiện các xét nghiệm liên quan đến ghép và các xét nghiệm đánh giá chất lượng khối tế bào gốc;
  • Đảm bảo chất lượng hoạt động chuyên môn theo các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 15189, tiêu chuẩn bắt buộc của Bộ Y tế.
  • Phối hợp với các chuyên khoa lâm sàng trong việc ghép tế bào gốc: Huyết học, tim mạch, thần kinh, cơ xương khớp, bỏng, mắt…
  • Tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Ngân hàng Tế bào gốc;
  • Định kỳ sơ kết, tổng kết các hoạt động, báo cáo Lãnh đạo Viện.

2. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học truyền máu

  • Nghiên cứu khoa học và ứng dụng những tiến bộ liên quan đến lĩnh vực tế bào gốc;
  • Nghiên cứu hoàn thiện quy trình về tạo nguồn và đảm bảo chất lượng các nguồn tế bào gốc;
  • Nghiên cứu xây dựng labo ghép theo tiêu chuẩn quốc tế;
  • Hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước trong triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước, đề tài quốc tế.

3. Tăng cường hợp tác quốc tế

  • Kết nối khu vực và trên thế giới trong việc tìm kiếm nguồn tế bào gốc;
  • Hợp tác chuyển giao các kỹ thuật mới liên quan đến tế bào gốc và tế bào trị liệu tại các cơ sở uy tín trên thế giới.

4. Đào tạo và chuyển giao công nghệ

  • Đào tạo mới và đào tạo lại cán bộ nhân viên làm việc tại Ngân hàng Tế bào gốc;
  • Tham gia quản lý, giảng dạy và hướng dẫn thực hành cho các đối tượng đào tạo của Viện và các cơ sở đào tạo theo sự phân công;
  • Chuyển giao chuyên môn, kỹ thuật và hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu.

5. Quản lý hoạt động của Ngân hàng Tế bào gốc

  • Quản lý nhân lực: Quản lý cán bộ nhân viên, học viên của đơn vị;
  • Quản lý cơ sở nhà cửa, tài sản, máy móc vật tư theo quy định;
  • Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí từ việc thực hiện công tác khoán và các hoạt động dịch vụ của Ngân hàng Tế bào gốc;
  • Đảm bảo an toàn cho nhân viên và môi trường xung quanh; phòng chống cháy nổ, lây truyền bệnh.

6. Tham gia các hoạt động khác

  • Tham gia các hoạt động của Viện theo yêu cầu và sự phân công;
  • Phối hợp với các khoa/phòng trong Viện và các cơ quan tổ chức đảm bảo thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Ngân hàng Tế bào gốc và Viện;
  • Tham gia hoạt động các hoạt động của Đảng và các đoàn thể đảm bảo tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Tế bào gốc và sự đoàn kết, thống nhất và phát triển chung trong toàn Viện. 

IV. Thành tích nổi bật

  • Bằng khen của Bộ Y tế, công đoàn Y tế Việt Nam qua các năm về thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác y tế.
  • Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lĩnh vực Y dược năm 2016 cho cụm công trình “Nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh máu”.
  • Đạt 02 giải Nhất tại Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội năm 2015 với đề tài: “Phát triển quy trình xét nghiệm HLA trước sinh bằng tế bào ối-chủ động tìm nguồn tế bào gốc để ghép cho các bệnh nhân thalassemia” và “Cải tiến quy trình để xây dựng Ngân hàng máu dây rốn cộng đồng tại Trung tâm Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW”.
  • Đạt 03 giải Nhì tại Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội các năm 2013, 2019, 2021 với đề tài:“Tinh sạch tế bào gốc bằng hệ thống máy tự động Sepax”, “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật phân lập và nuôi cấy tế bào gốc trung mô từ máu dây rốn” và “Ứng dụng xét nghiệm lympho crossmatch bằng kỹ thuật Luminex nhằm nâng cao hiệu quả ghép tế bào gốc đồng loài, ghép tạng”.
  • Đạt 02 giải Ba tại Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội năm 2013 và 2017 với đề tài:“Kỹ thuật gạn tách tế bào gốc máu ngoại vi bằng máy tách tự động Optia” và “Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy tạo cụm tế bào gốc tạo máu để đánh giá chất lượng sản phẩm tế bào gốc”.

Ngân hàng Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan